Thị trường nông sản xuất khẩu: Nhìn từ 'bức tranh' xuất khẩu quý I

Mặc dù 'bức tranh' xuất khẩu nông sản trong quý 1/2025 vẫn khả quan, tuy nhiên, nếu soi kỹ một số mặt hàng chủ lực như rau quả, thủy sản, lúa gạo…với những trồi sụt thất thường sẽ thấy còn nhiều thách thức phía trước cần vượt qua. Nhất là các hàng rào kỹ thuật, rủi ro biến động thị trường, năng lực cạnh tranh.

Thất vọng nhất phải kể đến xuất khẩu (XK) rau quả khi quý 1/2025 chỉ đạt kim ngạch 1,14 tỷ USD, giảm đến 11,3% so với năm trước. Điều này hoàn toàn tỷ lệ nghịch so với những tháng đầu của năm 2024 khi rau quả bứt tốc tăng trưởng khá tốt.

Đối mặt rào cản trong thế khó

Nhiều ý kiến lo ngại nếu XK rau quả tiếp tục “đổ dốc” trong quý 2/2025 thì mục tiêu đạt kim ngạch 8 tỷ USD trong năm nay sẽ khó thành, thậm chí còn có khả năng sụt giảm so với năm rồi.

Nhà thu mua quốc tế ngày càng đặt ra yêu cầu cao đối với các DN xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Nhà thu mua quốc tế ngày càng đặt ra yêu cầu cao đối với các DN xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Nói về thách thức của XK rau quả hiện nay, Ts. Đoàn Hữu Tiến, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), cho biết thị trường XK mặc dù được mở rộng trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn tập trung chủ yếu vào một số thị trường chính, rủi ro cao khi các thị trường này biến động về chính sách nhập khẩu, hàng rào kỹ thuật.

Điều này có thể thấy rõ từ thị trường Trung Quốc (tỷ trọng giá trị XK rau quả chiếm 44,5% trong quý 1/2025). Nhất là với mặt hàng sầu riêng khi từ đầu năm 2025, Trung Quốc yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O (Auramine O) tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận.

Theo Ts. Tiến, các nước nhập khẩu ngày càng đưa ra nhiều hàng rào kỹ thuật (chất lượng, an toàn thực phẩm…) ảnh hưởng đến XK trái cây của Việt Nam. Trong khi đó, diện tích cây ăn quả được cấp mã vùng trồng còn hạn chế. Áp dụng quy trình kỹ thuật không đồng bộ. Chất lượng quả không đồng đều. Khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trái cây cung cấp cho thị trường. Diện tích cây ăn quả đạt chứng nhận GAP còn khiêm tốn.

Ngoài ra, Ts. Đoàn Hữu Tiến cũng đánh giá năng lực cạnh tranh của trái cây Việt Nam chưa cao. Chưa có nhiều thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, việc hỗ trợ của nhà nước về trồng giống mới, xây dựng vùng chuyên canh còn hạn chế, thiếu nguyên liệu chất lượng cao để cạnh tranh trong XK.

“Đó là chưa kể chi phí vận chuyển trái cây XK cao, khó cạnh tranh với các nước XK. Khâu bảo quản, chế biến trái cây, đa dạng hóa sản phẩm còn yếu và thiếu”, vị chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam chỉ rõ.

Còn với XK thủy sản, theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), mặc dù đã phục hồi ấn tượng trong quý 1/2025 (với kim ngạch đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024), tuy nhiên vẫn đối mặt nhiều thách thức. Nhất là các rào cản thương mại như MMPA, thẻ vàng IUU từ EU, và khả năng tăng thuế quan từ Hoa Kỳ dưới chính quyền mới là những thách thức mà ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục đối mặt và có giải pháp trong năm 2025.

Đơn cử như mặt hàng cá ngừ. Theo bà Hằng, nó như điểm tối giữa bức tranh sáng khi đây là nhóm sản phẩm duy nhất ghi nhận kim ngạch giảm trong tháng 3/2025, đạt 83,3 triệu USD (giảm 0,7%), dù quý 1/2025 vẫn tăng nhẹ 3,6% (222,7 triệu USD).

Nguyên nhân chính là áp lực từ quy định IUU, trong đó quy định kích thước cá ngừ tối thiểu 0,5m đã khiến cho nguồn nguyên liệu để chế biến XK bị thắt chặt. Ngoài ra, Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú ở Biển (MMPA) của Hoa Kỳ – thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam cũng đang là một thách thức đối với ngành cá ngừ.

Nên biết, Tổ chức NOAA Hoa Kỳ bước đầu đã đưa thông báo sơ bộ là không công nhận tương đương cho ngành hải sản Việt Nam, đồng nghĩa với việc nếu không đáp ứng yêu cầu của NOAA đúng thời hạn, thì hải sản Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 1/1/2026. Bà Hằng cho rằng nếu không nhanh chóng giải pháp khắc phục, cá ngừ Việt Nam có nguy cơ mất thị phần tại Mỹ, đồng thời tác động domino lên các sản phẩm khai thác khác.

Cần tìm lối thoát, không chờ “sung rụng”

Trong vấn đề liên quan đến phán quyết sơ bộ của NOAA ngay từ đầu năm 2025 với các loài hải sản bị ảnh hưởng như cá ngừ, một số loài cá biển khác, mực, cua…, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) đặt vấn đề là có bất ngờ hay không?

Và theo ông Lực, điều này là không. Bởi vì phía Hoa Kỳ ra thông báo cách đây 8 năm và áp dụng cho tất cả các nước liên quan. Vậy lý do gì chưa đạt yêu cầu theo phía Hoa Kỳ? Cho đến nay chỉ có giải trình của Nhật Bản và Indonesia đáp ứng yêu cầu mà thôi. Như vậy, vấn đề là đề bài phía Hoa Kỳ đưa ra khó quá, không thể xử lý nhanh hơn được.

Theo ông Lực, câu chuyện này và chuyện IUU chắc cùng thể loại. Bản chất sự việc không hẳn là sự đánh đố, là hàng rào kỹ thuật. Vấn đề là yêu cầu sự tương đồng trong chuẩn mực quản lý.

“Kinh nghiệm quản lý, tài lực, nhân lực của ta làm sao tương đồng. Dĩ nhiên các DN chế biến hải sản liên quan cũng cần tìm lối thoát ngắn hạn, không nhẽ chờ vận may, sung rụng”, vị chủ tịch của FMC bộc bạch.

Riêng với XK lúa gạo. Số liệu cho thấy khối lượng XK trong quý 1/2025 đạt 2,2 triệu tấn và 1,14 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng nhưng giảm 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá gạo XK bình quân ước đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Với tình hình như hiện tại, có không ít dự báo XK gạo của Việt Nam trong năm 2025 có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024.

Nhìn vào chuyện trồi sụt XK như hiện nay, giới quan sát nhận định lúa gạo đang gặp nhiều thách thức từ các biến động thị trường quốc tế. Đáng chú ý là giá gạo sụt giảm do nguồn cung thế giới tăng cao, nhu cầu nhập khẩu suy giảm và đặc biệt là việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm XK gạo, đẩy một lượng lớn gạo ra thị trường quốc tế.

Như dự báo mới nhất về tình hình lúa gạo của Việt Nam từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đó là thách thức từ cạnh tranh quốc tế: Một số thị trường XK chính của Việt Nam, đặc biệt là Ấn Độ và Thái Lan, vẫn duy trì chính sách giảm giá để cạnh tranh.

Theo Cục Quản lý giá, sau khi tình hình giá lúa gạo tại Việt Nam trong tháng 3/2025 có sự ổn định thì dự báo trong các tháng tiếp theo, giá sẽ tiếp tục duy trì ổn định và có thể tăng nhẹ, đặc biệt là đối với các sản phẩm gạo XK. Chính phủ và DN cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường XK truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng.

Phía Cục Quản lý giá cũng có lời khuyên có các DN xuất khẩu gạo là nên ký hợp đồng sớm với khách hàng truyền thống (Philippines, Indonesia, Trung Quốc) khi giá đang ổn định, tránh rủi ro tháng 5/2025 giá điều chỉnh.

Nếu nhìn vào “bức tranh” XK của các mặt hàng nông sản chủ lực như rau quả, thủy sản, lúa gạo trong quý 1/2025 với những thách thức không nhỏ, sẽ thấy lối thoát mà các nhà XK của Việt Nam cần làm trong thời gian tới là phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, cần đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng và quản lý cao đầu vào, cũng như theo dõi sát biến động thị trường để có sách lược thích ứng linh hoạt.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thi-truong-nong-san-xuat-khau-nhin-tu-buc-tranh-xuat-khau-quy-i-1105873.html
Zalo