Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo kỳ vọng thu về 5 tỷ USD
Xuất khẩu gạo có thể mang về kim ngạch kỷ lục khoảng 5 tỷ USD trong năm nay, do nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, như Philippines, Indonesia vẫn ở mức cao.
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua không có nhiều biến động so với tuần trước.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng không có sự biến động lớn.
Theo nhận định của một số thương nhân ngành gạo, xuất khẩu gạo dự kiến tiếp tục thuận lợi trong những tháng cuối năm và kỳ vọng sẽ có thể mang về kim ngạch kỷ lục khoảng 5 tỷ USD trong năm nay, do nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, như Philippines, Indonesia… vẫn ở mức cao trong thời gian tới.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số loại lúa có giá giảm nhẹ so với tuần trước như: Đài thơm 8 có giá từ 8.300-8.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 18 từ 8.300-8.500 đồng/kg, cũng giảm 100 đồng/kg.
Những loại khác giá vẫn duy trì ổn định như: OM 5451 từ 8.200-8.400 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.800-8.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000- 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg.
Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch gần 80% diện tích gieo cấy của vụ Hè Thu; năng suất ước đạt gần 5,7 tấn/ha. Tổng sản lượng toàn vụ ước đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Giá lúa ngay thời điểm thu hoạch ở mức cao nên sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi khá cao.
So với các vụ Hè Thu năm 2023 và 2022, giá lúa vụ này tăng hơn 1.000 đồng/kg, như lúa Đài Thơm 8 bán được 8.900 đồng/kg, lúa ST24 bán 9.200 đồng/kg.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ Hè Thu 2024 các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 1,465 triệu ha/1,480 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 1,310 triệu ha, với năng suất khoảng 58 tạ/ha, sản lượng ước đạt 7,59 triệu tấn lúa.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Sơ kết 7 mô hình thí điểm Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các mô hình đều cho sản lượng cao hơn ngoài mô hình.
Mô hình cũng đã chứng minh giảm chi phí sản xuất từ 20-30%, tăng lợi nhuận cho nông dân, giảm phát thải khí nhà kính.
Về xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết gạo 5% tấm được chào bán ở mức 575 USD/tấn vào ngày 5/9, so với mức 578 USD một tuần trước. Các thương nhân cho biết giá gạo đang khá ổn định, nhưng hoạt động mua bán vẫn trầm lắng sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết 8 tháng, gạo xuất khẩu đạt gần 3,85 tỷ USD, tăng 21,7%; sản lượng xuất khẩu đạt gần 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%. Giá xuất khẩu gạo bình quân 8 tháng đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8%.
Với các thị trường xuất khẩu khác, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất ba tháng do nhu cầu yếu, trong khi giá gạo Thái Lan tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng Sáu nhờ đồng baht mạnh lên.
Gạo 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này được báo giá ở mức từ 535-540 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 16/5, giảm so với mức từ 540 545 USD của tuần trước.
Một thương nhân ở Mumbai cho biết trong vài tuần qua, giá gạo ở các nước khác đã giảm xuống, nên các nhà xuất khẩu Ấn Độ đã buộc phải giảm giá để duy trì khả năng cạnh tranh, nhưng sức mua vẫn yếu.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 585 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 580 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá gạo của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng vì đồng baht tăng giá so với đồng USD. Thương nhân này dự đoán sản lượng trong tháng 11 sẽ khả quan nhờ thời tiết thuận lợi.
Giá gạo trong nước tại Bangladesh cũng tăng lên trong tuần này. Các thương nhân cáo buộc một số đối tượng trên thị trường lợi dụng tình hình lũ lụt để tăng giá, dù tồn kho lớn và chuỗi cung ứng vẫn bình thường.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá lúa mỳ, ngô và đậu tương trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày 6/9 do hoạt động chốt lời. Trong số đó, giá ngô giao tháng 12 giảm 2 xu Mỹ xuống còn 4,1075 USD/ bushel.
Các quỹ hàng hóa có xu hướng bán ra do ước tính sản lượng ngô của Mỹ cao. Giá lúa mỳ giao tháng 12 trên sàn CBOT phiên 6/9 giảm 7,75 xu Mỹ xuống còn 5,67 USD/bushel trong phiên này, nhưng vẫn tăng 2,8% trong cả tuần.
Giá lúa mỳ nhìn chung đang chịu ảnh hưởng của các báo cáo cho thấy vụ thu hoạch kém ở châu Âu, đặc biệt là ở nước sản xuất lớn nhất là Pháp, với dự đoán sản lượng chạm mức thấp nhất trong hơn 40 năm.
Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 11 giảm 18,5 xu Mỹ xuống 10,05 USD/bushel, nhưng tăng 0,5% so với mức khép phiên cuối cùng của tuần trước.
Các thương nhân đang chờ đợi báo cáo cung cầu và ước tính vụ mùa tháng Chín của Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tuần tới trước khi đưa ra các quyết định mua bán với số lượng lớn (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Về thị trường càphê thế giới, theo dữ liệu mới nhất, giá càphê thế giới quay đầu giảm mạnh trên cả hai sàn giao dịch trong phiên 7/9, do đồng USD hồi phục mạnh mẽ.Trên sàn ICE Futures Europe, giá càphê Robusta giao tháng 9/2024 giảm 2,87%, đạt 4.770 USD/tấn, còn giá càphê Robusta giao tháng 11/2024 giảm 2,75%, đạt 4.555 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá càphê Arabica giao tháng 9/2024 giảm 3,09%, về mức 236,65 xu Mỹ/lb, còn giá càphê Arabica giao tháng 12/2024 giảm 3,05%, đạt 235,25 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg).
Còn tại Việt Nam, giá càphê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên tiếp đà tăng nhẹ từ 300-400 đồng/kg tùy vùng trồng. Qua đó đưa mức giá càphê trung bình hiện ở quanh mốc 120.400 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên.
Cụ thể, giá càphê tại Đắk Lắk và Gia Lai tăng nhẹ 300 đồng/kg, lên 120.500 đồng/kg, còn giá cà phê tại Lâm Đồng và Đắk Nông tăng 400 đồng/kg, lên các mức lần lượt 119.800 đồng/kg và 120.900 đồng/kg./.