Thị trường nhạc Việt trỗi dậy mạnh mẽ
Vừa qua, tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, show diễn 'Anh trai say hi' đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, theo số liệu theo Ban Tổ chức công bố. Đây là một hiện tượng đặc biệt, khi phần lớn người đến tham dự đều trong độ tuổi rất trẻ. Trong hai đêm diễn nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người hâm mộ. Hàng nghìn khán giả xếp hàng trước cổng sân vận động từ tờ mờ sáng nhằm giành một vị trí đẹp. Vé xem chương trình liên tục cháy hàng trên mọi mức giá từ vé phổ thông đến vé hạng nhất.
Bùng nổ cả về quy mô và chất lượng
Một chương trình nữa là “Anh trai vượt ngàn chông gai” đang thu hút sự chú của người hâm mộ âm nhạc Việt Nam. Ngay từ những giây đầu tiên mở bán khi nền tảng phân phối vé TicketBox gặp tình trạng sập web, lỗi hệ thống ứng dụng. Số liệu từ TicketBox cho thấy cùng lúc có 150.000 lượt chờ mua, khiến vé concert “cháy sạch” mọi hạng vé từ 800.000 - 8 triệu đồng/vé chỉ sau 40 phút.
Trước đó, vào tháng 10, khi chương trình được thực hiện ở Công viên bờ sông Sài Gòn với những màn trình diễn mãn nhãn, nhận được sự cổ vũ của gần 20 nghìn khán giả. Các “anh trai” tham gia concert đều là những tên tuổi đình đám, gạo cội của làng âm nhạc Việt Nam như: Thanh Duy, Trương Thế Vinh, Tuấn Hưng, Tự Long, Bùi Công Nam, S.T Sơn Thạch, ....
Các bài hát mang hơi thở của âm nhạc dân tộc được thực hiện trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” như “Trống cơm” do Soobin Hoàng Sơn trình diễn với đàn bầu, hay những bài hát như “Dạ cổ hoài lang”, “Đào liễu”, “Chiếc khăn Piêu”, “Mưa trên phố Huế”, “Áo mùa đông”... được các nghệ sĩ trình diễn với phong cách độc đáo, hấp dẫn khác nhau nhận được nhiều tình cảm từ người hâm mộ.
Thị trường nhạc Việt: Tiềm năng lớn, cơ hội rộng mở
Chỉ tính riêng trong hai chương trình “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” có thể thấy, người hâm mộ Việt đã mạnh tay chi tiền vào việc mua vé, mua quà tặng nghệ sĩ, tăng cường lượt thảo luận trên mạng xã hội.
Đây cũng là lần đầu tiên, truyền thông của Việt Nam mạnh mẽ đề cập đến từ “fandom” dành cho những concert, nghệ sĩ Việt. Đây là thuật ngữ chỉ những cộng đồng lớn cùng chia sẻ chung một niềm đam mê, tình yêu thích chung chi phối, ảnh hưởng đến cuộc sống của các cá nhân.
Từ “fandom” vốn phổ biến ở Hàn Quốc, Âu Mỹ, Nhật Bản nay lại rất phù hợp với hai sự kiện âm nhạc này. Khi mà người hâm mộ không chỉ tương tác, thảo luận mà còn dành được tình cảm lớn của người hâm mộ, nhiều người hâm mộ hứa hẹn sẽ tiếp tục theo dõi trong tương lai.
Thực tế, Việt Nam hiện nay đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển thị trường âm nhạc trong nước.
Ông Nguyễn Hải Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Truyền thông BIHACO (BH Media Corp) đánh giá: “Người Việt rất thích nghe nhạc, đam mê ca hát. Những năm qua, số người Việt nghe nhạc thông qua các nền tảng số tăng mạnh”. Như trong những năm gần đây, nhạc Việt đã chứng kiến những nghệ sĩ có thành tích nổi bật trong lĩnh vực nhạc số. Một số ca sĩ Việt đạt được số lượng người xem ấn tượng, hàng trăm triệu view trên YouTube như Sơn Tùng M-TP, Mỹ Tâm, Bích Phương, Hương Ly, Đen Vâu,... Việc có hàng loạt những thần tượng âm nhạc hội tụ đủ tài năng, gu âm nhạc phù hợp với thị hiếu của giới trẻ đang là một “mỏ vàng” rất lớn để thúc đẩy thị trường nhạc Việt.
Tuy tiềm năng phát triển thị trường nhạc Việt là rất lớn, nhưng vẫn còn đó rất nhiều thách thức. Trong bối cảnh mạng xã hội có tốc độ truyền tin chóng mặt mỗi ngày, những làn sóng thông tin sẽ có lúc “hạ nhiệt”. Khán giả có thể dễ dàng “bùng nổ” vì một hiện tượng, thì cũng dễ dàng quên đi hiện tượng đó để tìm đến những xu hướng mới mẻ hơn.
Do đó, để đi được đường dài, giữ “độ nóng” trong lòng người hâm mộ, giá trị cốt lõi của nghệ sĩ vẫn là tài năng, sự kiên trì, chăm chỉ và cả may mắn. Những thần tượng mới “nổi” từ các chương trình rất có thể sẽ bị khán giả lãng quên nếu “hụt hơi” trong hành trình tìm chỗ đứng. Mặt khác, các nghệ sĩ cần xây dựng chiến lược bài bản, đầu tư dài hạn và sản phẩm chất lượng để tồn tại lâu dài.