Thị trường năng lượng thế giới trước tác động của chính sách khí hậu Mỹ
Quyết định của Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, một lần nữa rút lui khỏi Hiệp định Paris về khí hậu và làm dấy lên những câu hỏi lớn về tương lai của thị trường năng lượng toàn cầu. Quyết định rút lui diễn ra trong bối cảnh các cường quốc lớn đang tìm cách bảo vệ vị thế giữa vô vàn các công nghệ mới nổi, đồng thời quản lý các tác động kinh tế của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Khi các cam kết toàn cầu về khí hậu vẫn đang được thực hiện, sự vắng mặt của Mỹ có thể tạo ra sự mất cân bằng trong các giao dịch và đầu tư liên quan đến năng lượng xanh. Tuy nhiên, những quốc gia quan trọng như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Ấn Độ đang gia tăng nỗ lực để lấp đầy khoảng trống, thông qua việc triển khai các chiến lược công nghiệp và thương mại mạnh mẽ.
Trung Quốc và vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng
Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã khẳng định vai trò là một trong những nhân tố quan trọng trên thị trường năng lượng. Mặc dù gặp phải những thách thức liên quan đến mô hình kinh tế, Bắc Kinh vẫn duy trì mục tiêu đầy tham vọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đến năm 2024, Trung Quốc đã sản xuất hơn 50% số xe điện toàn cầu, 70% tua-bin gió và 80% số lượng tấm pin mặt trời. Sự thống trị này đã giúp chi phí giảm đáng kể và góp phần làm cho các công nghệ này trở nên dễ tiếp cận hơn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc của nhiều quốc gia vào các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc đã gây ra những lo ngại, đặc biệt là ở châu Âu. Cuộc xung đột thương mại giữa Bruxelles và Bắc Kinh, đặc biệt khi Liên minh châu Âu áp dụng thuế carbon, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hạn chế các giao dịch thương mại.
Châu Âu: tham vọng khí hậu và những ràng buộc kinh tế
Liên minh Châu Âu tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Với mức giảm 7,5% lượng khí thải giữa năm 2022 và 2023, EU đã đạt được nhiều thành quả đáng kể, nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn. Sự trỗi dậy của các đảng phái chính trị hoài nghi về công nghệ xanh, kết hợp căng thẳng về mặt ngân sách, đang đặt ra câu hỏi về tính khả thi của một số khoản đầu tư chiến lược.
Mặc dù gặp khó khăn, EU vẫn nỗ lực củng cố các liên minh quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc và Canada, nhằm tăng cường đa phương trong vấn đề khí hậu. Sự hợp tác này có thể trở thành đòn bẩy để đảm bảo nguồn tài chính và cơ sở hạ tầng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Các thị trường mới nổi dẫn đầu về chuyển đổi năng lượng
Tại các quốc gia mới nổi, chuyển đổi năng lượng trở thành công cụ quan trọng để thu hút đầu tư và đa dạng hóa nền kinh tế. Brazil, quốc gia đăng cai COP30 tại Amazon, thể hiện khát vọng dẫn đầu trong lĩnh vực khí hậu, mặc dù vẫn tiếp tục khai thác dầu mỏ. Ấn Độ đang tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió.
Các quốc gia khác như Colombia, lại chọn hướng đi quyết liệt hơn khi cam kết chấm dứt khai thác nhiên liệu hóa thạch – nguồn thu nhập chính của họ. Quyết định này, dù đầy rủi ro về mặt kinh tế, nhằm tái định vị quốc gia trong một thị trường năng lượng đang thay đổi mạnh mẽ.
Một tương lai khó đoán nhưng mang tính chiến lược
Việc Mỹ rút lui có thể làm thay đổi dòng chảy đầu tư và ưu tiên của các thị trường năng lượng. Mặc dù Trung Quốc và châu Âu có thể trở thành những nhà lãnh đạo tiềm năng, nhưng căng thẳng địa chính trị và kinh tế khiến triển vọng này càng trở nên khó đoán. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sẽ không chỉ cần điều chỉnh chiến lược theo chính sách quốc gia mà còn phải tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển đổi công nghệ để duy trì khả năng cạnh tranh.