Thị trường Mỹ và EU chững lại, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam gặp khó khăn
Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 8 chỉ tăng 3%, đạt gần 90 triệu USD. Tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 648 triệu USD, tăng 19% cho thấy sự tăng trưởng chậm lại trong tháng 8.
Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại
Theo thông tin từ Vasep, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng chậm lại trong tháng 8. Tồn kho giảm bớt, nhu cầu nhập hàng phục vụ các dịp lễ cuối năm khiến cho các thị trường tăng cường nhập khẩu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nghị định 37/2024/NĐ-CP đã tác động tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam làm cho nguồn cung cá ngừ vằn trong nước bị hạn chế.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã sụt giảm liên tục từ tháng 5 đến nay với tốc độ sụt giảm ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm nên tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này vẫn tăng 19%, đạt hơn 196 triệu USD.
Còn xuất khẩu nhóm các sản thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng không ổn định.
Khởi sắc ở Israel và Nga, chững lại tại thị trường Mỹ và EU
Theo Vasep, tháng 8, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Israel sau khi sụt giảm trong tháng 7, với mức tăng 143% so với tháng 8/2023. Cùng với Israel, xuất khẩu cá ngừ sang Nga cũng đang có sự tăng trưởng vượt bậc 119% trong tháng 8. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ lại có xu hướng chững lại tại thị trường Mỹ và giảm tại thị trường EU.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong 3 tháng qua. Tính riêng trong tháng 8, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ chỉ tăng 1%, đạt gần 37 triệu USD. Tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 243 triệu USD, tăng 17%.
Lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm, các nhà bán lẻ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm. Tuy nhiên, các hãng vận tải buộc phải chuyển hướng tránh đi qua kênh đào Suez do rủi ro an ninh trên Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và làm tăng chi phí cũng đang tác động phần nào tới xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này.
Đối với thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ giảm mạnh trong tháng 8 do cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung. Lợi thế về mặt thuế quan đang thúc đẩy nhập khẩu của các nước EU từ các nguồn cung. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang bị giảm lợi thế do nguồn cung cá ngừ trong nước, đặc biệt là cá ngừ vằn đủ điều kiện cấp S/C, giảm mạnh. Do đó, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã giảm 15% trong tháng 8.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang 2 thị trường lớn trong khối là Italy và Đức đều giảm mạnh trong tháng này, lần lượt là 50% và 64%.