Thị trường M&A 2023: Điểm mặt các thương vụ lớn
Dù kinh tế toàn cầu gặp khó, song thị trường M&A Việt Nam vẫn xuất hiện những thương vụ lớn, thể hiện niềm tin vào sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế.
Top 5 thương vụ M&A trong năm 2023
Theo ông Lê Thanh Sơn, đại diện Ban Giám sát cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, các hồ sơ thông báo tập trung kinh tế được gửi đến các cơ quan chức năng ngày càng nhiều. Lý do là, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài quan tâm vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau mấy năm đại dịch Covid-19, cùng những bất ổn, suy thoái kinh tế trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) là một trong các phương thức tỏ ra hiệu quả hơn cả. Nó giúp doanh nghiệp khó khăn về tài chính có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư; giảm thiểu nguy cơ thua lỗ, phá sản. M&A cũng tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao kinh nghiệm về quản trị điều hành, quản lý và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.
Thực tế, 4 năm thi hành Luật Cạnh tranh (sửa đổi) mang đến những thay đổi đáng kể trong các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế trong các giao dịch M&A tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày 29/3/2023, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - cơ quan đầu mối thực thi pháp luật cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương cũng đã chính thức được thành lập là bước ngoặt quan trọng trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.
Theo thống kê, số lượng và giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2021. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của những khó khăn trên thị trường thế giới cũng như Việt Nam, M&A chứng kiến sự suy giảm cả về số lượng và giá trị giao dịch.
Top 5 thương vụ đình đám năm 2023 phải kể đến:
Thương vụ lớn nhất của năm 2023 là việc Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản chi 1,45 tỷ USD mua lại cổ phần thiểu số đáng kể (15%) tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi trước đó đã mua FE Credit - một công ty tài chính tiêu dùng, cũng từ ngân hàng này vào năm 2021. Đây là thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng và thị trường Việt Nam trong năm 2023.
Thứ hai là thương vụ M&A thuộc lĩnh vực bất động sản công nghiệp, khi ESR Group Limited chi 450 triệu USD mua lại cổ phần chiến lược Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial), một trong những nhà phát triển công nghiệp và hậu cần (logistics) lớn nhất và phát triển nhanh nhất Việt Nam. BW Industrial có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới để tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng cho nền kinh tế mới và tận dụng sự thay đổi trong sản xuất sang Việt Nam.
Thứ ba là thương vụ M&A y tế, một trong những nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân lớn nhất Singapore Thomson Medical Group chi hơn 380 triệu USD mua lại cổ phần chi phối tại Bệnh viện Việt Pháp. Điều này cũng đánh dấu lần đầu tiên Tập đoàn Y tế Thomson tiến vào Việt Nam.
Thứ tư là thương vụ M&A bất động sản, Gamuda Land (có trụ sở tại Malaysia) đã mua lại 100% cổ phần trị giá 316 triệu USD tại Tập đoàn bất động sản Tâm Lực để mở rộng tại Việt Nam. Nhà đầu tư này đang lên kế hoạch cho một dự án phức hợp cao cấp trị giá 1,1 tỷ USD trên mảnh đất được mua lại ở trung tâm TP. Thủ Đức.
Thương vụ M&A lớn thứ năm là Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới của Mỹ, Bain Capital, đầu tư 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Tập đoàn Masan. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho ngành tiêu dùng trong nước và cho thấy triển vọng hấp dẫn của ngành này.
Theo số liệu được KPMG Việt Nam công bố, thị trường M&A Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 265 giao dịch, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4,4 tỷ USD, trung bình các thương vụ đạt giá trị 54,5 triệu USD.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, thị trường M&A giảm 23%. Giá trị trung bình các thương vụ cũng cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn.
Theo phân tích của các chuyên gia, khác với 2 năm trước, khi nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế, thì năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch trên thị trường M&A của Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản, Singapore và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất. Ba nhà đầu tư này chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố.
Cụ thể, Nhật Bản (1,6 tỷ USD); Singapore (1,1 tỷ USD), Mỹ (472 triệu USD), Malaysia (316 triệu USD) và Thái Lan (262 triệu USD) các lĩnh vực y tế, dịch vụ tài chính, bất động sản là 3 ngành chiếm tổng cộng 80% giá trị giao dịch và là 4 trong số 5 giao dịch lớn nhất trong 10 tháng năm 2023). Đại diện KPMG Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư có niềm tin vào sức khỏe ngành tài chính, quan tâm nhiều đến bất động sản công nghiệp và sự chuyển dịch nền kinh tế sang dịch vụ.
Nhiều cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động
Theo đánh giá, năm 2023 thị trường M&A Việt Nam nằm trong xu hướng chung đang sụt giảm, mặc dù vậy, thời gian tới thị trường M&A Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội và triển vọng nhờ những yếu tố nền tảng đang ngày càng được củng cố. Trong đó, năm 2023, đánh dấu một nửa chặng đường Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Qua nửa chặng đường, mặc dù chịu tác động bất lợi bởi các yếu tố không lường trước được, chưa có tiền lệ, nhưng Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.
Cùng với đó, trong suốt thời gian qua, Chính phủ đã chủ động ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới của thế giới và trong nước. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; thực thi nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là về tài khóa, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng. Cùng với nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác… Ngoài ra, Chính phủ đã thiết lập và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh…Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế dù chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với nhiều nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu.
Các động lực tăng trưởng về đầu tư gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công và đầu tư doanh nghiệp nhà nước, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Năm qua, Chính phủ đã thành lập 5 tổ cùng 26 đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các điểm nghẽn tồn đọng, nhất là các vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu.
Các hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế cũng đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, mở ra cơ hội mới để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như bán dẫn, hydrogen xanh, năng lượng tái tạo,… tạo động lực tăng trưởng mới.
Những cơ hội đến từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia tới việc đầu tư hình thành hệ sinh thái sản xuất chíp, chất bán dẫn, linh kiện máy bay, các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao, xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế tại Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế cả trong trung và dài hạn. Trong đó, việc khánh thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là cơ hội lớn để thu hút đầu tư. Đây là những tiền đề, yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6,0-6,5%, như Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mà Quốc hội thông qua.
Theo các chuyên gia, phân tích, đánh giá từ diễn biến thực tế của nền kinh tế cho thấy thị trường M&A đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực. Ở trong nước, thị trường đầu tư Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn cũng là thời điểm để nhiều doanh nghiệp trong nước nhìn nhận lại chiến lược phát triển, đồng thời tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, tập trung tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng dài hạn hơn, bền vững hơn. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch bài bản để tìm kiếm đối tác chung tay cùng phát triển và M&A là một con đường được ưu tiên lựa chọn.
Theo dự báo, năm 2024, thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng do có nhiều bước tiến về kinh tế và cải cách nhằm thu hút FDI. Các giao dịch M&A có thể gia tăng trong các lĩnh vực chính như: Năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe do hỗ trợ chính sách và nhu cầu gia tăng. Xu hướng đầu tư sang các ngành này do tăng trưởng cơ sở hạ tầng và công nghệ được thúc đẩy bởi chuyển đổi số.
Đối với ngành y tế dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi thay đổi về dân số. Ngành bất động sản tiếp tục sôi nổi nhờ nhu cầu về tài sản chất lượng cao. Động lực tăng trưởng năm 2024 bao gồm dòng vốn FDI mạnh mẽ, nhờ chính trị ổn định và các thỏa thuận thương mại.
Bên cạnh đó, với lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4%, dự báo tăng trưởng GDP của IMF sẽ tăng trở lại 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025, và nợ công vẫn dưới trần pháp lý 60% GDP, những nền tảng này cho thấy một năm thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến những cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động.