Thị trường lao động chuyển dịch thời đại 4.0
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (thời đại 4.0) mang đến nhiều ngành nghề mới, đồng thời kéo theo rất nhiều công việc yêu cầu nhân lực cao để chuyển đổi. Bên cạnh đó, xã hội hiện nay không còn chạy theo bằng cấp mà chú trọng đến tay nghề và kỹ năng đáp ứng công việc mới nhiều hơn...
Theo số liệu của nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến “Việc làm tốt”, nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng đầu năm 2024 trên nền tảng này tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu lớn nhưng có đến 85% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Còn theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), doanh nghiệp Việt đang có hơn 836.000 việc làm lao động phổ thông cần tuyển. Trong khi đó, có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm.
DOANH NGHIỆP THAM GIA VÀO QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố phía Bắc do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vừa tổ chức cho thấy yêu cầu trình độ tuyển dụng đã có một số thay đổi. Nếu như những năm trước, doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động phổ thông không yêu cầu cao về trình độ, tay nghề, thì hiện nay yêu cầu về trình độ đặt ra cao hơn. Tại phiên giao dịch, gần 80% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ cao đẳng, đại học và công nhân kỹ thuật, trung cấp.
Ông Trần Bá Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công nghệ cao Điện Quang, cho biết trong những năm qua, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu xu hướng về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Để thực hiện điều đó, Điện Quang đã đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, đủ năng lực sản xuất các sản phẩm điện tử có độ khó cao, sẵn sàng nhận gia công cho các đơn vị theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.
Đề cập đến tiêu chí tuyển dụng, ông Phan Quyết Long, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long (Hà Nội), cho biết lựa chọn lao động của công ty dựa trên các khả năng đáp ứng cơ bản của sinh viên mới ra trường, nhất là kỹ năng mềm trong nhà máy. “Để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, công ty không nhất thiết lấy xuất phát điểm là các kỹ sư mà vẫn có thể sử dụng nguồn lao động trung cấp kỹ thuật, miễn là đáp ứng được yêu cầu. Để chủ động nguồn lao động này, chúng tôi đã phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề đồng hành với sinh viên từ những ngày đầu, đến khi tốt nghiệp”, ông Long cho biết.
Tại tọa đàm “Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn” mới đây, bà Lê Thị Đoan Trinh, Phó Tổng giám đốc khối nhân lực Scommerce, cho biết công ty hiện có 20.000 lao động, trong đó tỷ lệ tuyển dụng được qua các trường đào tạo chỉ chiếm 1 - 2%. “Hiện nay, chỉ có ngành vận tải doanh nghiệp có thể tuyển lao động qua đào tạo. Các ngành mới hiện nay phát triển nhanh, chúng tôi phải tự học hỏi. Ví dụ công việc shipper tưởng là lao động không tay nghề nhưng thực sự cần chuẩn chỉnh, phải biết sử dụng điện thoại thông minh, phân loại hàng hóa, chăm sóc khách hàng…”, bà Trinh chia sẻ.
Tương tự, Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân hiện sở hữu 5 nhà máy tại TP.HCM, Long An và Bình Dương. Với 90% lực lượng lao động trực tiếp làm việc tại nhà máy, Duy Tân luôn coi đào tạo là lợi thế cạnh tranh. “Chiến lược tuyển dụng của chúng tôi tập trung vào việc phát triển nhân lực từ bên trong. Đối với lao động gián tiếp, chúng tôi ưu tiên tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và đào tạo họ để trở thành những nhân viên chuyên nghiệp. Còn lao động trực tiếp được tuyển dụng từ những người chưa có kinh nghiệm và được huấn luyện bởi đội ngũ nhân sự dày dặn kinh nghiệm,” ông Trần Minh Đức, Trưởng phòng Thu hút nhân tài Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân, cho hay.
Tại Quảng Ninh, thời gian qua Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar đã phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh tổ chức tuyển dụng và đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực của công ty. Việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả ba bên là cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và người học. Đối với cơ sở đào tạo nghề, việc liên kết sẽ tạo cơ hội để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác sẽ giúp họ nắm bắt được khả năng, đặc điểm đào tạo của nhà trường để có kế hoạch phối hợp, tham gia cùng đào tạo.
Theo thống kê, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những ngành nghề bị tác động nhiều nhất thường là những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, công nhân trong các nhà máy, nhân viên thu ngân... Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngành nghề mới xuất hiện thu hút rất nhiều lực lượng lao động như các ngành nghề liên quan đến cơ điện tử, tự động công nghiệp, phát triển Internet di động, điện toán đám mây...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2024 phát hành ngày 23/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam