Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 5-12/4: Giá vàng vượt 3.245 USD/ounce, nông sản đồng loạt bật mạnh

Kết thúc tuần giao dịch từ 5-12/4, thị hàng hóa thế giới ghi nhận đà tăng giá của nhiều mặt hàng như vàng vượt ngưỡng 3.245 USD/ounce, ca cao tăng cao nhất 1 tuần, mặt hàng nông sản với lúa mì, ngô và đậu tương đồng loạt bật mạnh…, trong khi giá dầu hay quặng sắt, thép tiếp tục suy yếu.

Năng lượng: Giá dầu tiếp tục đi xuống, khí LNG cũng quay đầu giảm

Trên thị trường dầu mỏ, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới tiếp tục giảm do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu. Cụ thể, dầu thô Brent giảm 29 Uscent (-0,45%) xuống 64,47 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 27 UScent (-0,44%) xuống 61,23 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm khoảng 10 USD/thùng kể từ đầu tháng 4 này.

Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent trung bình ở mức 63 USD/thùng và dầu WTI trung bình là 59 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2025, đồng thời dự kiến giá dầu Brent trung bình là 58 USD/thùng và dầu WTI trung bình là 55 USD/thùng vào năm 2026.

Các nhà phân tích do Daan Struyven đứng đầu cho biết trong một lưu ý rằng, nhu cầu dầu toàn cầu trong quý IV/2025 chỉ tăng 300.000 thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm trước “do triển vọng tăng trưởng yếu”, đồng thời nhu cầu chậm lại sẽ là yếu tố tác động mạnh nhất đối với nguyên liệu hóa dầu.

Bắc Kinh đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ lên 125% vào thứ Sáu (11/4), sau quyết định tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump.

Các công ty năng lượng của Mỹ tuần trước đã cắt giảm số giàn khoan dầu nhiều nhất trong một tuần kể từ tháng 6/2023, làm giảm tổng số giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ 3 liên tiếp, theo Baker Hughes BKR.O.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ cũng giảm do sản lượng hàng ngày tăng nhẹ. Cụ thể, giá LNG giao tháng 5/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 3,0 Uscent (-0,8%) xuống 3,527 USD/mmBTU và giảm khoảng 8% trong tuần, sau khi đã giảm khoảng 6% vào tuần trước nữa.

Công ty Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống còn 105,9 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay trong tháng 4, giảm so với mức kỷ lục hàng tháng là 106,2 bcfd vào tháng trước đó.

Với thời tiết ôn hòa theo mùa sắp tới, LSEG dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 108,3 bcfd trong tuần này xuống 100,1 bcfd vào tuần tới và 97,8 bcfd trong 2 tuần kế tiếp.

Kim loại: Giá vàng vượt 3.245 USD/ounce, đồng cũng đi lên, quặng sắt và thép cùng giảm

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng mạnh, vượt qua mức 3.200 USD/ounce vào thứ Sáu (11/4), khi USD suy yếu và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế, khiến các nhà đầu tư đổ xô đến nơi trú ẩn an toàn là kim loại màu vàng.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng gần 2% lên 3.235,89 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục là 3.245,28 USD/ounce vào đầu phiên. Như vậy, giá vàng thỏi đã tăng hơn 6% trong tuần qua. Trên sàn giao dịch kỳ hạn, giá vàng tháng 6/2025 tăng 2,1% lên 3.244,6 USD/ounce.

Trung Quốc đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ lên 125% vào ngày 11/4, làm gia tăng rủi ro trong cuộc xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Trong khi đó, đồng USD giảm so với các đồng tiền khác, khiến vàng thỏi định giá bằng “đồng bạc xanh” trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng và các kim loại cơ bản khác giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng trong phiên cuối tuần qua (11/4), được hỗ trợ bởi đồng USD yếu đi, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi khả năng xảy ra xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm hạn chế nhu cầu.

Cụ thể, giá đồng kỳ hạn ba tháng trên sàn LME tăng 2% lên 9.166,50 USD/tấn và cả tuần tăng 4,5%. Giá đồng trên sàn Comex của Mỹ tăng 4,6% lên 4,537 USD/lb. Chênh lệch giá giữa sàn Comex và LME ngày càng nới rộng.

Ở nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn tương lai phục hồi vào thứ Sáu, nhưng vẫn giảm trong tuần do căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc làm lu mờ triển vọng nhu cầu.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc tăng 0,71% lên 708 CNY (96,70 USD)/tấn. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2025 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,14% về 97 USD/tấn. Tính chung cả tuần, cả 2 hợp đồng này đều giảm khoảng 4,8%.

Tại Trung Quốc, sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày, thường được sử dụng để đánh giá nhu cầu quặng sắt, đã tăng tuần thứ 7 liên tiếp (tăng 0,6%) trong tuần kết thúc vào 10/4/2025 so với tuần trước nữa, lên mức cao nhất trong 17 tháng là 2,4 triệu tấn, theo một cuộc khảo sát từ Công ty Tư vấn Mysteel.

Các thành phần sản xuất thép khác trên safb DCE biến động trái chiều, với mức giảm 0,38% của than luyện kim, trong khi than cốc (DCJcv1) tăng 1,91%.

Hầu hết các chuẩn mực thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đều tăng: Thép thanhthép cuộn cán nóng tăng 2,01%; thép dây tăng 3,49%; trong khi thép không gỉ giảm 0,28%.

Nông sản: Đồng loạt tăng giá mạnh

Thị trường nông sản ghi nhận giá lúa mì, ngô và đậu tương kỳ hạn tại Mỹ cùng tăng mạnh trong tuần qua do USD giảm và hỗ trợ từ báo cáo cung cầu của USDA.

Cụ thể, hợp đồng lúa mì đỏ mềm vụ Đông giao tháng 5 (WK25) tăng 17,75 cent lên 5,5575 USD/giạ; lúa mì đỏ cứng vụ Đông tháng 5 (KWK25) tăng 10 cent lên 5,68 USD/giạ; lúa mì xuân Minneapolis tháng 5 (MWEK25) tăng 13 cent lên 6,15 USD/giạ. Hợp đồng giao dịch mạnh nhất (ZW1!) khép tuần với mức tăng 5%.

Đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 3 năm so với đồng euro sau khi các tranh chấp thuế quan giữa Mỹ và các đối tác khiến nhà đầu tư lo ngại, làm giảm vai trò trú ẩn an toàn của “đồng bạc xanh”.

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tồn kho cuối kỳ lúa mì của Mỹ được nâng lên mức 846 triệu giạ, cao hơn mức dự báo 819 triệu giạ hồi tháng 3/2025 và vượt kỳ vọng trung bình của giới phân tích là 825 triệu giạ.

Trên sàn CBOT, hợp đồng ngô giao tháng 5 (CK25) tăng 7,5 cent lên 4,9025 USD/giạ, đánh dấu phiên tăng thứ sáu liên tiếp. Tính cả tuần, hợp đồng ngô sôi động nhất (ZC1!) tăng tới 6,5% - ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2023, theo số liệu từ LSEG.

USDA điều chỉnh dự báo tồn kho ngô cuối kỳ 2024-2025 về mức 1,47 tỷ giạ, thấp hơn mức 1,54 tỷ giạ công bố tháng trước và kỳ vọng của các nhà phân tích là 1,51 tỷ giạ.

USD suy yếu khi niềm tin vào đồng tiền này suy giảm do căng thẳng thuế quan, chạm đáy 10 năm so với đồng franc Thụy Sĩ và đáy 3 năm so với đồng euro.

Trong khi đó, châu Âu, khách hàng lớn của ngô Mỹ - đã hoãn áp thuế nhập khẩu trong 90 ngày, giúp ngô Mỹ tránh được rào cản thương mại ngay lập tức. Thái Lan cũng công bố kế hoạch giảm thuế nhập khẩu ngô từ Mỹ, nhưng chi tiết về khối lượng vẫn đang được thương thảo.

Giá đậu tương kỳ hạn tại CBOT cũng tăng đáng kểm, với hợp đồng đậu tương tháng 5 (SK25) tăng 13,75 cent lên 10,4275 USD/giạ. Giá bột đậu tương tháng 5 (SMK25) cũng tăng 1,7 USD lên 299,60 USD/tấn ngắn, trong khi dầu đậu tương (BOK25) tăng 1,03 cent lên 47,35 cent/pound. Hợp đồng sôi động nhất ZS1! tăng 6,7% trong cả tuần.

USDA điều chỉnh tồn kho đậu tương cuối kỳ của Mỹ xuống còn 375 triệu giạ, thấp hơn mức 380 triệu giạ của tháng 3 và dự báo 379 triệu giạ từ giới phân tích.

Tình hình thời tiết tại Argentina cũng góp phần hỗ trợ giá. Mưa lớn tại khu vực trồng đậu nành trung tâm khiến nhiều cánh đồng bị ngập, làm dấy lên lo ngại về sản lượng. Tuy nhiên, dự báo thời tiết khô ráo trong những ngày tới có thể giúp nông dân yên tâm hơn.

USDA cũng ghi nhận các nhà xuất khẩu Mỹ bán 121.000 tấn đậu nành cho các điểm đến chưa xác định, trong đó 55.000 tấn giao trong niên vụ 2024-2025 và 66.000 tấn còn lại giao trong niên vụ 2025-2026.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá ca cao tăng cao nhất 1 tuần, bông cũng tăng, đường và dầu cọ giảm, cà phê và cao su biến động trái chiều

Kế thúc tuần giao dịch vừa qua, giá cà phê Arabica giao sau về lại đà tăng, lên mức hơn 3,55 USD/pound - cao nhất trong 1 tuần sau nhiều phiên giao dịch biến động. Tâm lý lo ngại về nhu cầu hàng hóa phần nào được xoa dịu sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm dừng phần lớn các biện pháp thuế quan tương hỗ.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp cà phê lớn vẫn đang đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao như Brazil và Colombia bị áp thuế 10%, trong khi Việt Nam và Indonesia lần lượt chịu mức thuế 46% và 32%. Trong bối cảnh đó, mối lo ngại về nguồn cung gia tăng. Cecafe cho biết, Brazil chỉ xuất khẩu 2,95 triệu bao cà phê xanh trong tháng 3/2025, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo chia sẻ từ một nhà xuất khẩu lớn, Mỹ hiện chỉ chiếm 5-6% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Tuy không phải thị trường chủ lực, nhưng vai trò của Mỹ trong việc định hình xu hướng giá vẫn rất đáng chú ý. Thách thức đặt ra hiện nay là giữ được thị phần tại các thị trường đã có sẵn, giữa lúc cạnh tranh toàn cầu gia tăng.

Trên sàn giao dịch ICE (London, vương quốc Anh), hợp đồng cà phê robusta tháng 7 (RC2!) chốt phiên ở mức 4.972 USD/tấn, giảm mạnh so với mốc 5.400 USD/tấn của tuần trước. Trước khi quyết định tạm hoãn áp thuế của ông Trump được công bố, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam ghi nhận tâm lý thận trọng từ cả doanh nghiệp lẫn nông dân. Họ đã có sự chuẩn bị từ trước và không phản ứng quá tiêu cực.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, Việt Nam xuất khẩu 493.000 tấn cà phê trong quý I/2025, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Indonesia ghi nhận xuất khẩu cà phê robusta Sumatra đạt 29.852 tấn trong tháng 2/2025, tăng gần 10 lần so với mức 3.341,81 tấn cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ cơ quan thương mại địa phương.

Trên thị trường ca cao, giá hợp đồng ca cao tương lai vượt mốc 8.400 USD/tấn - cao nhất trong một tuần. Nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại và nguyên liệu khan hiếm là những yếu tố quan trọng đẩy giá lên cao.

Trong khi Hoa Kỳ dự định áp dụng mức thuế 21% lên hàng hóa từ Bờ Biển Ngà, quốc gia này đã cảnh báo sẽ đáp trả bằng việc tăng thuế xuất khẩu. Theo Hội đồng cà phê và ca cao (CCC), mỗi năm Bờ Biển Ngà xuất sang Mỹ khoảng 200.000-300.000 tấn ca cao. Mặc dù Mỹ đã tuyên bố tạm hoãn thuế trong 90 ngày, nhưng rủi ro vẫn tồn tại khi đàm phán chưa ngả ngứng.

Giá ca cao hiện đang đứng ở mức kỉ lục do mùa màng thiệt hại vì thời tiết và dịch bệnh tại khu vực Tây Phi, tác động đến sản lượng cung cấp toàn cầu.

Trái với xu hướng của ca cao, thị trường đường tiếp tục lao dốc. Cụ thể, giá đường thô (SB1!) giảm 0,4 cent (-2,2%) về 17,91 cent/pound, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng là 17,87 cent/pound; đường trắng (SF1!) giảm 1,9% về 513,30 USD/tấn.

Giá cao su kỳ hạn tương lai tại thị trường Nhật Bản giảm vào ngày 11/4 và cả tuần, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc đang lan rộng.

Cụ thể, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2025 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) giảm 0,17% xuống 297,6 JPY (2,07 USD)/kg trong phiên và giảm 7,2% trong tuần. Hợp đồng cao su tháng 5/2025 trên sàn Thượng Hải (SHFE) tăng 1,8% lên 14.995 CNY (2.047,32 USD)/tấn.

Hợp đồng dầu cọ Malaysia tương lai tăng trong phiên thứ Sáu (11/4) nhưng giảm trong tuần và là tuần giảm thứ hai liên tiếp. Cụ thể, hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2025 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 14 ringgit (+0,33%) lên 4.214 ringgit (953,39 USD)/tấn, nhưng cả tuần giảm 2,63%.

Tồn trữ dầu cọ của Malaysia trong tháng 3/2025 đã ghi nhận mức tăng đầu tiên trong 6 tháng, khi sản lượng phục hồi và lượng nhập khẩu tăng mạnh, bù đắp cho nhu cầu mạnh mẽ trong mùa lễ hội. Cụ thể, tồn trữ tính đến cuối tháng 3/2025 tăng 3,52% so với tháng trước đó lên 1,56 triệu tấn.

Giá bông trên sàn ICE của Mỹ tăng nhẹ vào thứ Sáu (11/4) và cả tuần do điều kiện thời tiết bất lợi tại các khu vực trồng trọt chính và đồng USD yếu hơn. Cụ thể, hợp đồng bông kỳ hạn tháng 7/2025 tăng 0,2 cent (+0,3%) lên 67,2 cent/lb và cả tuần tăng hơn 4%.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

N.Tùng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-hang-hoa-the-gioi-tuan-tu-5-124-gia-vang-vuot-3245-usdounce-nong-san-dong-loat-bat-manh-post367414.html
Zalo