Thị trường hàng hóa: Giá cà phê Robusta rơi xuống mức thấp trong vòng hai tháng

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch hôm qua (24/10).

Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,06% xuống 2.182 điểm. Đáng chú ý, 7 trên 9 mặt hàng nguyên liệu công nghiệp, trong đó có cà phê chìm trong sắc đỏ. Bên cạnh đó, thị trường kim loại cũng diễn biến phân hóa nhưng mức biến động không lớn.

Giá cà phê Robusta rơi xuống mức thấp trong vòng hai tháng

Giá cà phê Robusta rơi xuống mức thấp trong vòng hai tháng

Thời tiết Brazil thuận lợi kéo giá cà phê lao dốc

Khép lại phiên giao dịch hôm qua, sắc đỏ bao trùm lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá cà phê Arabica giảm 2,73% so với tham chiếu và giá cà phê Robusta đánh mất 2,39% về 4.337 USD/tấn, thấp nhất trong hơn hai tháng. Nguyên nhân chính đến từ việc chênh lệch tỷ giá gia tăng kết hợp cùng thông tin cơ bản về cải thiện mùa vụ tại Brazil.

Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số đô la Mỹ giảm 0,36% trong phiên hôm qua, đồng Real của Brazil lại giảm mạnh hơn khiến tỷ giá USD/BRL tăng (trong khung thời gian cà phê giao dịch). Trong bối cảnh này, thị trường lo ngại nông dân Brazil sẽ đẩy mạnh bán ra do thu về nhiều ngoại tệ hơn, từ đó tạo áp lực giảm giá.

Theo báo cáo của Somar Meteorologia, lượng mưa tại Minas Gerais - bang sản xuất cà phê lớn nhất Brazil đã đạt 36,8 mm trong tuần trước, cao hơn 15% so với mức trung bình của lịch sử. Điều này giúp cải thiện điều kiện phát triển của cây trồng và tạo kỳ vọng về việc phục hồi năng suất cho mùa vụ 2025-2026.

Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (25/10), giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ dao động trong khoảng 108.400 - 108.700 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện cao gần gấp đôi từ mức 60.200 - 61.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê đã tăng hơn 40.000 đồng/kg so với mức 67.500 - 68.400 đồng/kg.

Diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp, giá ca cao tiếp tục dẫn dắt đà giảm của nhóm nguyên liệu công nghiệp sau khi đánh mất 3,5% trong phiên hôm qua. Đáng chú ý, áp lực giảm đến từ triển vọng cải thiện mùa vụ và xuất khẩu của Bờ Biển Ngà - quốc gia sản xuất và xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới.

Cụ thể, Hội đồng Cà phê và Ca cao (CCC) đã nâng ước tính sản lượng ca cao niên vụ 2024-2025 của Bờ Biển Ngà lên 2,1-2,2 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ vụ trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Đồng thời, theo ước tính của các nhà xuất khẩu, trong 20 ngày đầu niên vụ 2024-2025, lượng ca cao cập cảng tại nước này đã đạt 193.000 tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, giá bông cũng giảm 0,63% do số liệu xuất khẩu bông Mỹ tăng mạnh. Theo báo cáo xuất khẩu tuần 11-17/10, doanh số bán bông Mỹ đạt 169.700 kiện, tăng 6% so với tuần trước và cao hơn 57% so với mức trung bình 4 tuần gần nhất. Song song với đó, xuất khẩu bông đạt 98.400 kiện, tăng lần lượt 70% và 16% so với tuần trước và mức trung bình 4 tuần.

Thị trường kim loại diễn biến phân hóa

Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, thị trường kim loại diễn biến phân hóa, trong đó tất cả các mặt hàng đều ghi nhận mức biến động thấp, thay đổi không quá 0,1% so với mức tham chiếu.

Cụ thể, đối với kim loại quý, giá bạc giảm nhẹ 0,13% về 33,79 USD/oz, trong khi giá bạch kim phục hồi 0,38% lên 1.033,6 USD/oz. Trong bối cảnh thông tin cơ bản đang khá trái chiều, giá kim loại quý có sự phân hóa rõ rệt.

Một mặt, lo ngại về sự không chắc chắn liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, cùng với xung đột tại Trung Đông vẫn đang thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ kim loại quý như một công cụ phòng ngừa rủi ro, qua đó hỗ trợ cho giá. Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn, vai trò trú ẩn của kim loại quý đang dần bị thất thế khi thị trường chuyển dòng tiền sang các kênh đầu tư rủi ro khác như thị trường chứng khoán Mỹ.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động Mỹ vào hôm qua đã báo cáo số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã giảm xuống 227.000 đơn trong tuần trước. Bên cạnh đó, báo cáo sơ bộ từ S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ tiếp tục cải thiện trong tháng 10, trong đó chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất và dịch vụ lần lượt đạt 47,8 và 55,3 điểm, cả hai con số này đều cao hơn so với kỳ vọng và số liệu tháng trước.

Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng đều trải qua phiên biến động khá hẹp. Trong đó, diễn biến đáng chú ý nhất là giá kẽm LME với mức tăng 0,97% lên 3.174,5 USD/tấn - mức cao nhất 20 tháng trở lại đây.

Giá kẽm bật tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây chủ yếu xuất phát từ lo ngại nguồn cung gặp gián đoạn. Theo Bloomberg, tập đoàn sản xuất kẽm hàng đầu Teck Resources đã hạ mục tiêu sản lượng sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy luyện kim ở Canada. Cụ thể, Teck cho biết sản lượng kẽm tinh chế năm nay của họ có thể thấp hơn tới 12% so với dự kiến trước đó, tương đương giảm khoảng 40.000 tấn. Trong bối cảnh này, mặc dù việc giảm 40.000 tấn không có tác động quá lớn khi nguồn cung toàn cầu có khoảng 14 triệu tấn, tuy nhiên điều này lại diễn ra trong thời điểm có nhiều lo ngại về gián đoạn nguồn cung gia tăng.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-hang-hoa-gia-ca-phe-robusta-roi-xuong-muc-thap-trong-vong-hai-thang-157088.html
Zalo