Thị trường du lịch thể thao béo bở

Du lịch thể thao có thể giúp quốc gia đăng cai thu hút hàng triệu người hâm mộ và du khách mỗi năm. Tuy nhiên, đi cùng với lượng khách đông đảo là thách thức lớn đối với nhà tổ chức, theo TTW.

 Vợ của đội trưởng đội tuyển quốc gia Bỉ Kevin Bruyne xem chồng thi đấu tại EURO 2024. Ảnh: @lacroixmichele.

Vợ của đội trưởng đội tuyển quốc gia Bỉ Kevin Bruyne xem chồng thi đấu tại EURO 2024. Ảnh: @lacroixmichele.

Olympics Paris 2024 xô đổ kỷ lục Thế vận hội Atlanta năm 1996 với 8,6 triệu vé được bán ra, theo số liệu từ Ủy ban tổ chức giải. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh trong lòng du khách.

Giải World Cup năm 2022 cũng thu hút tổng cộng hơn 2,45 triệu khán giả đến sân cổ vũ các đội tuyển, đạt tỷ lệ lấp đầy 96% trong 48 trận đấu vòng bảng, theo thống kê của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Sự kiện kéo dài khoảng một tháng này gần bằng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm (3 triệu lượt khách, theo Tổng Cục thống kê).

Những con số "biết nói" trên thể hiện rằng người hâm mộ và du khách sẵn sàng chi tiền để hòa cùng không khí nhộn nhịp tại các sân vận động.

Super Bowl và những giải đấu nhỏ hơn trong phạm vi khu vực, các cuộc thi nghiệp dư cũng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương với tệp khán giả riêng. Sự đa dạng khách cho thấy du lịch thể thao vẫn là một lĩnh vực năng động và tiềm năng, theo TTW.

Tuy nhiên, để đáp ứng lượng khách như kỳ vọng, áp lực đổ dồn về phía nhà tổ chức sự kiện.

Cơ sở hạ tầng sân vận động là một trong số thách thức khi đăng cai tổ chức một sự kiện thể thao lớn, theo TTW. Ảnh: @FCBayernEN, Volksparkstadion, unmute.

Cơ sở hạ tầng sân vận động là một trong số thách thức khi đăng cai tổ chức một sự kiện thể thao lớn, theo TTW. Ảnh: @FCBayernEN, Volksparkstadion, unmute.

Theo đó, một trong những thách thức chính trong du lịch thể thao là những hạn chế về cơ sở hạ tầng. Các đấu trường, trung tâm huấn luyện với sức chứa chỗ ngồi lớn, thiết kế tiên tiến và cơ sở giải trí đầy đủ dịch vụ là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tiềm năng.

Bên cạnh đó, địa phương đăng cai phải đảm bảo trung tâm đào tạo, chỗ nghỉ ngơi của vận động viên hàng đầu, cầu thủ, cơ sở vật chất hiện đại, hỗ trợ y tế nhanh chóng,... nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu.

Thách thức kế đến là sự biến động theo mùa. Một số sự kiện thể thao được lên kế hoạch vào từng thời điểm cụ thể trong năm, từ mùa cao điểm đến mùa thấp điểm. Sự thay đổi này có thể dẫn đến dòng doanh thu không nhất quán cho các thành phố đăng cai và nhà tổ chức sự kiện. TWW giải thích:

Vào mùa cao điểm, thành phố tổ chức chương trình lớn có khả năng chứng kiến lượng khách du lịch tăng đột biến, kéo theo sự tăng trưởng về mặt doanh thu và một số dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, dòng chảy này có thể tạo sức ép cho nguồn lực và cơ sở hạ tầng, đòi hỏi địa phương phải lập kế hoạch và quản lý tỉ mỉ.

 Đám đông người hâm mộ trước cổng Brandenburger (Berlin, Đức). Ảnh: Geisler-Fotopress.

Đám đông người hâm mộ trước cổng Brandenburger (Berlin, Đức). Ảnh: Geisler-Fotopress.

Lượng khách không ấn tượng là vấn đề đáng lưu ý ở mùa du lịch thấp điểm. Điểm đến thể thao phải chú trọng phát triển chiến lược để kích cầu, truyền thông, quảng bá.

Cuối cùng là thách thức về mặt tài chính. Bên cạnh chi phí sự kiện, tạo doanh thu từ việc bán vé, bản quyền phát sóng,... các sự kiện thể thao có thể ảnh hưởng đến chi phí về nơi ở, ăn uống và các điểm đến tham quan của người dân địa phương.

Barcelona (Tây Ban Nha) được TWW bình chọn là một trong số điểm đến du lịch thể thao tốt nhất, từ bóng đá đến các bộ môn thể thao dưới nước bên bờ biển Địa Trung Hải. Ngoài ra, Nhật Bản nổi tiếng với đấu vật sumo truyền thống với các giải đấu được tổ chức quanh năm và London (Anh). Thủ đô này là sân nhà của nhiều câu lạc bộ bóng đá Premier League, bao gồm Arsenal, Chelsea và Tottenham Hotspur.

Minh Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thi-truong-du-lich-the-thao-beo-bo-post1486201.html
Zalo