Thị trường đòi hỏi cao, chuyên ngành Công nghệ Tài chính đào tạo như thế nào?

Đổi mới chương trình đào tạo, kết nối mạng lưới doanh nghiệp là những định hướng mới của Học viện Ngân hàng khi đào tạo chuyên ngành Công nghệ Tài chính.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các định chế tài chính ngày càng phụ thuộc vào công nghệ để tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Trong lĩnh vực Tài chính, chuyên ngành Công nghệ Tài chính có khả năng hỗ trợ các tổ chức tài chính cải tiến quy trình làm việc, tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và giảm thiểu sai sót do con người gây ra.

Bức tranh nhân sự giàu tiềm năng, triển vọng lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Phan Thị Thu Hà, Trưởng phòng Nhân sự - Công ty Trách nhiệm hữu hạn FPT Smart Cloud cho biết: Công nghệ Tài chính mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm tài chính mới và quản lý rủi ro hiệu quả qua việc ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và blockchain.

 Chị Phan Thị Thu Hà, Trưởng phòng Nhân sự - Công ty Trách nhiệm hữu hạn FPT Smart Cloud. Ảnh: NVCC

Chị Phan Thị Thu Hà, Trưởng phòng Nhân sự - Công ty Trách nhiệm hữu hạn FPT Smart Cloud. Ảnh: NVCC

Theo đó, chị Hà chia sẻ rằng, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) hiện nay đang có sự tăng trưởng đáng kể cả về chất lượng và số lượng lao động. Tuy nhiên, nhu cầu về nhân lực vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển của ngành.

Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực chuyên ngành Công nghệ Tài chính được dự đoán sẽ gia tăng 8-9% đến năm 2030 nếu chỉ xem xét tác động của chuyển đổi số (McKinsey, 2020). [1]

Vậy nên, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này chính là một nhiệm vụ cấp bách không chỉ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực mà còn giải quyết được nhiều bài toán trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam.

Theo đó, cử nhân Công nghệ Tài chính có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc trong các định chế tài chính như vị trí Nhà phân tích dữ liệu; Nhà phân tích kinh doanh; Chuyên viên tuân thủ hoặc vị trí chuyên viên an ninh mạng.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Xuân Anh - Trưởng khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng cho hay, chuyên ngành Công nghệ Tài chính là sự kết hợp và giao thoa của hai trụ cột tài chính và công nghệ. Với khối kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về công nghệ tài chính sẽ tạo điều kiện cho sinh viên nhanh chóng thích ứng với các xu hướng công nghệ trong thực tiễn.

Qua đó, người học có cơ hội chủ động xây dựng các giải pháp ứng dụng công nghệ tài chính vào thực tế ở những tổ chức, quản lý chuyên môn. Vậy nên, cơ hội việc làm của sinh viên chuyên ngành Công nghệ Tài chính sau khi tốt nghiệp sẽ vô cùng rộng mở và nhiều triển vọng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Xuân Anh, sinh viên chuyên ngành Công nghệ Tài chính có thể đảm nhận đa dạng vị trí tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp hoặc các tổ chức trong và ngoài nước. Cụ thể như chuyên viên phân tích; Chuyên viên chuyển đổi số; Chuyên viên quản trị; Chuyên viên quản lý Công nghệ tài chính; Chuyên viên nghiên cứu phát triển; Chuyên viên kinh doanh.

Đặc biệt, với tư duy đổi mới sáng tạo và kỹ năng công nghệ linh hoạt sẽ là tiền đề vững chắc giúp sinh viên chuyên ngành Công nghệ Tài chính có cơ hội tham gia vào nhiều khu vực việc làm, vươn lên vị trí quản lý, tự làm chủ và kiến tạo giá trị cho cộng đồng.

Chương trình đào tạo chú trọng đến phát triển tư duy đổi mới sáng tạo

Để giải quyết bài toán nhân sự cho thị trường Fintech Việt Nam, Học viện Ngân hàng là một trong những trường đại học tiên phong trên toàn quốc đào tạo chuyên ngành Công nghệ Tài chính nhằm trang bị cho người học kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kỹ năng ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề tài chính trong thực tiễn. Xây dựng, phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ, kiến tạo những mô hình kinh doanh đột phá trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Xuân Anh chia sẻ, chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ Tài chính của Học viện Ngân hàng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển tư duy đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học.

Theo đó, hệ thống học liệu tại trường được xây dựng trên những giáo trình của các trường đại học hàng đầu trên thế giới cùng đội ngũ giảng viên là những chuyên gia trong lĩnh vực có đủ khả năng kiến tạo, phát triển thị trường Fintech Việt Nam những năm tới.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Xuân Anh - Trưởng khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Xuân Anh - Trưởng khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng. Ảnh: NVCC

Mặt khác, để đáp ứng và thích nghi trước những biến đổi nhanh chóng của xã hội, cô Xuân Anh cho biết chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ Tài chính được nhà trường xây dựng với tính ứng dụng cao để giúp sinh viên dễ dàng thích nghi và bắt nhịp với môi trường lao động.

Những nội dung này được cụ thể hóa ở các học phần thực hành, thực tế nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp, tổ chức là những đối tác của nhà trường. Từ năm học thứ 2, người học được tham gia các chương trình trao đổi sinh viên với các trường đối tác nước ngoài hoặc các trường trong mạng lưới kết nối tại Việt Nam.

Bên cạnh việc cập nhật tài liệu phong phú, nhà trường đẩy mạnh phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp đào tạo giữa giảng viên, chuyên gia theo mô hình đào tạo kết hợp 3 nhà: Nhà trường – Nhà giáo – Nhà tuyển dụng.

Theo đó, nhà trường liên tục đổi mới và cải thiện chất lượng chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ Tài chính, tích cực kết nối và xây dựng mạng lưới đối tác hàng đầu trong lĩnh vực để mở rộng cơ hội thực tập và tìm kiếm việc làm cho sinh viên.

Mặt khác, củng cố vai trò của chuyên gia trong mạng lưới đào tạo ngành học, tiến tới kiểm định chất lượng quốc tế trong tương lai gần.

 Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo chương trình thạc sĩ MBA - Fintech giữa Học viện Ngân hàng và Đại học thành phố Seattle, Hoa Kỳ. Ảnh: website nhà trường

Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo chương trình thạc sĩ MBA - Fintech giữa Học viện Ngân hàng và Đại học thành phố Seattle, Hoa Kỳ. Ảnh: website nhà trường

Sinh viên cần bồi dưỡng tố chất gì để đáp ứng yêu cầu từ đơn vị tuyển dụng

Trao đổi với phóng viên, em Tạ Duy Hiển - lớp K26CNTCA chuyên ngành Công nghệ Tài chính, Học viện Ngân hàng cho hay, trong quá trình học tập, em đã được tiếp cận và đào tạo về kỹ năng lập trình cơ bản cũng như được trang bị kiến thức nền tảng về tài chính.

Theo đó, Hiển đánh giá chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ Tài chính tại Học viện Ngân hàng không chỉ đa dạng về kiến thức chuyên ngành mà còn cập nhật nhiều kiến thức thực tiễn, trang bị cho người học khả năng vận dụng để nhận diện, sơ đồ hóa, phân tích và giải quyết các vấn đề về công nghệ tài chính.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên kết nối với doanh nghiệp để tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, hướng nghiệp cũng như các chương trình thực tế từ năm nhất dành cho sinh viên.

“Điều khiến em cảm thấy thú vị nhất trong quá trình học tập là việc được tiếp cận với các ứng dụng công nghệ và học được cách sử dụng, kết hợp những công nghệ này vào trong các bài toán tài chính.

Tháng 5 vừa qua, sinh viên lớp K26CNTCA chuyên ngành Công nghệ Tài chính đã có cơ hội đi thực tế tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn FPT Smart Cloud. Qua buổi trải nghiệm thực tế đó, chúng em có thêm góc nhìn về triển vọng nghề nghiệp cũng như hiểu được những yêu cầu công việc trong thực tiễn.

Tại Học viện Ngân hàng, sinh viên chuyên ngành Công nghệ tài chính có cơ hội được thực tập tại các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính và công nghệ như các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các công ty Fintech.

Các thầy cô trong khoa thường xuyên định hướng sinh viên thực tập tại một số doanh nghiệp là đối tác của nhà trường như các ngân hàng (Vietcombank, BIDV, MBbank, Techcombank) và các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam (như FPT, Viettel, VNPT)…”, sinh viên Tạ Duy Hiển thông tin.

Đánh giá về năng lực nhân sự lĩnh vực Công nghệ Tài chính hiện nay, chị Phan Thị Thu Hà cho rằng, cần cải thiện một số hạn chế để đáp ứng tốt hơn về yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Ghi nhận từ thực tế, có nhiều sinh viên khi ra trường còn thiếu kỹ năng thực hành và kinh nghiệm làm việc, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ mới và giải quyết các vấn đề phức tạp trong môi trường kinh doanh.

Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng đầu ra của chuyên ngành Công nghệ Tài chính, bên cạnh việc trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên ngành, các đơn vị đào tạo cần chú trọng đến việc rèn luyện tư duy và các kỹ năng thực tiễn.

Hiện nay, hầu hết mọi đơn vị tuyển dụng bên cạnh yêu cầu ứng viên cần có nền tảng học vấn vững chắc, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kinh tế, Tài chính, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính hoặc các ngành liên quan thì còn đòi hỏi thêm ở ứng viên những kỹ năng chuyên biệt.

Do đó, chị Hà cho rằng, sinh viên chuyên ngành Công nghệ Tài chính cần có khả năng thiết kế và tổ chức cơ sở dữ liệu theo chuẩn quốc tế, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu và viết code cơ bản để xử lý các mô hình dự báo cũng như kỹ năng hình ảnh hóa để chuyển hóa dữ liệu thành đồ họa.

Có kỹ năng phân tích sắc bén, khả năng thu thập, tổ chức, phân tích và phổ biến lượng lớn thông tin một cách chi tiết và chính xác.

Đối với những ứng viên có kinh nghiệm làm việc với các cơ sở dữ liệu như Oracle Database, Ms SQL Server, PostgreSQL và sử dụng thành thạo các công cụ như Excel, Power BI, Tableau, Hadoop, Spark cùng với các chứng chỉ chuyên môn như CFA, FRM sẽ là những điểm cộng lớn khi ứng tuyển vào những công ty, tập đoàn top đầu.

Trên thực tế, yêu cầu về khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng làm việc với các bộ phận nghiệp vụ để chuyển đổi các yêu cầu kinh doanh thành các thuật ngữ không mang tính kỹ thuật cũng là những yếu tố được doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Do đó, bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức cơ bản, sinh viên cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm, biết cách vận dụng kiến thức vào các bài toán thực tiễn để nhận diện, sơ đồ hóa, phân tích và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề trong lĩnh vực tài chính.

Cuối cùng, trong quá trình làm việc cần thể hiện tư duy đổi mới sáng tạo, phát huy khả năng giải thích, phân tích đánh giá và thảo luận phê bình các vấn đề. Tích cực vận dụng kỹ năng giao tiếp và tổ chức làm việc nhóm trong các bối cảnh đa dạng để đạt hiệu quả cao trong công việc.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://ttcg.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-truong-doi-hoi-cao-chuyen-nganh-cong-nghe-tai-chinh-dao-tao-nhu-the-nao-post244523.gd
Zalo