Thị trường chứng khoán: VN-Index khó tạo đột biến trong tuần sát dịp nghỉ lễ

Thị trường chứng khoán trong nước trải qua một tuần (17 -21/4) giao dịch trầm lắng về cả điểm số lẫn thanh khoản. VN-Index giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp, trong bối cảnh dòng tiền thu hẹp về mức thấp nhất trong 4 tuần. Thị trường tuần mới (24 – 28/4), VN-Index dự báo vẫn biến động trong biên độ hẹp, khó tạo đột biến trong bối cảnh dòng tiền vào đợt nghỉ lễ dài.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một tuần giao dịch trầm lắng khi chỉ số VN-Index tiếp tục có tuần giảm điểm thứ 2. Cùng với đó, thanh khoản cũng giảm mạnh và là mức thấp nhất 4 tuần gần đây. Mặt khác, khối ngoại cũng đang có chuỗi bán ròng 4 tuần liên tiếp.

Mặc dù hồi phục trong 2 phiên đầu tuần, thị trường đã quay đầu giảm điểm khá mạnh vào cuối tuần, kéo chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức thấp nhất tuần là 1.042,89 điểm, giảm -9,98 điểm, tương đương với -0,95% so với tuần trước. Tương tự, áp lực bán cũng gia tăng vào cuối tuần trên 2 sàn còn lại, làm chỉ số HNX-Index giảm về mức 206,9 điểm, giảm nhẹ -0,33 điểm, tương đương -0,16% so với tuần trước và chỉ số UPCoM-Index lùi về mức 78,0 điểm, giảm -0,7 điểm, tương đương -0,9% so với tuần trước.

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán tuần vừa qua giảm mạnh 32,6% còn 10.382 tỷ đồng/phiên, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng sụt 33,2% xuống 8.951 tỷ đồng/phiên - đây cũng là tuần có mức thanh khoản thấp nhất trong 4 tuần vừa qua.

Thị trường tiếp tục cho thấy sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Xuất khẩu đang cho thấy những tín hiệu tích cực, khi có tới 41/45 nhóm hàng xuất khẩu có trị giá tăng đã hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu thủy sản và dệt may. Động lực kéo nhóm cổ phiếu thủy sản đi lên trong tuần vừa qua nhờ các cổ phiếu nổi bật như: VHC(+6,98%), ANV (+4,04%)… thì nhóm cổ phiếu dệt may cũng đồng loạt tăng điểm, nổi bật có: GIL (+13,89%), TNG(+4,6%), STK (+2,96%)…

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công vẫn nằm trong Top 3 nhóm có mức giảm mạnh trong tuần vừa qua khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2023 đạt thấp. Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm gần 6% trong tuần vừa qua đã khiến nhóm cổ phiếu dầu khí có mức giảm mạnh nhất: GAS (-2,75%), PVD (-0,98%), PVS (-2,73%), BSR (-3,68%)…

Một mặt, dòng tiền rút ra khỏi nhóm ngành trụ cột ngân hàng, khiến hầu hết các cổ phiếu nhóm này đều giảm như VPB (-5,1%), VCB (-1,0%), CTG (-1,7%) và ACB (-2,8%). Mặt khác, dòng tiền lại đặc biệt quan tâm nhóm chứng khoán vốn hóa tầm trung như BSI (+12,9%), AGR (+23,2%) và FTS (+8,8%). Sự phân hóa còn diễn ra ngay trong chính nhóm bất động sản với bên tăng là VHM (+0,6%) và NLG (+3,0%) và bên giảm là NVL (-4,2%), PDR (-3,0%), DXG (-0,8%)…

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán tuần vừa qua giảm mạnh 32,6% còn 10.382 tỷ đồng/phiên, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng sụt 33,2% xuống 8.951 tỷ đồng/phiên - đây cũng là tuần có mức thanh khoản thấp nhất trong 4 tuần vừa qua.

Khối ngoại bán ròng 309 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tuần qua - đây cũng là tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp. Trong đó, khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn HOSE với giá trị bán ròng giảm về mức 319 tỷ đồng; mua ròng 8 tỷ đồng trên sàn HNX; và bán ròng 14 triệu đồng trên sàn UPCoM. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại vẫn mua ròng 5.508 tỷ đồng.

Các quỹ ETF cũng bị rút ròng 0,38 triệu USD ở tuần vừa qua, đây là tuần rút ròng thứ 3 liên tiếp, lũy kế từ đầu năm các quỹ ETF đã giải ngân 198,42 triệu USD (~ 4.623 tỷ đồng). Theo thống kê, dòng vốn quốc tế đang rút dòng ở các thị trường như: Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia… trong khi vào dòng ở các thị trường như: Hàn Quốc, Indonesia, Ấn độ…

Thị trường chứng khoán tuần tới (24/4 - 28/4) được dự báo vẫn trong bối cảnh giằng co trong biên độ hẹp. VN-Index có thể vẫn cần test các ngưỡng hỗ trợ dưới quan trọng, trên nền thanh khoản thấp.

Theo chuyên gia của VNDIRECT, kết quả kinh doanh quý I/2023 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ không thực sự khả quan trong bối cảnh môi trường lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản - chứng khoán trầm lắm, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng GDP quý I giảm tốc rõ nét. Bên cạnh đó, việc kỳ nghỉ lễ dài 30/4 và 1/5 đang đến gần cũng khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch và sử dụng ký quỹ (margin) ở thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh đó, thị trường khó có cơ hội bứt phá trong tuần giao dịch tới.

“Khả năng cao chỉ số VN-Index tiếp tục giao dịch lình xình trong biên độ hẹp trong tuần tới với thanh khoản thấp. Nhà đầu tư nên hạn chế mở mới vị thế trong tuần tới, hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) do thị trường chưa xác định xu hướng rõ rệt và kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp đến gần” – Chuyên gia của VNDIRECT.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, thị trường cũng sẽ ít có khả năng giảm sâu sau một loạt động thái hỗ trợ chính sách của Chính phủ đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và hạ mặt bằng lãi suất, hay tái cơ cấu nợ ở trong nước. Đồng thời, mặt bằng định giá hiện tại cũng ở vùng hợp lý và đã phản ánh phần nào bức tranh kết quả kinh doanh kém tích cực của quý I năm nay.

Theo các chuyên gia, những chuyển động chính sách có thể tạo cơ hội có thị trường trong thời gian tới. Đầu tiên là chính sách tài khóa hỗ trợ giảm thuế VAT cũng đang được quan tâm; tiếp đó là cho phép ngân hàng giãn nợ tối đa 1 năm với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, có thể sẽ được ban hành trong tuần tới. Mới đây nhất, chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để rà soát, thúc đẩy việc ban hành ngay 2 thông tư quan trọng về hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia của MBS, về kỹ thuật, sau 2 tuần giảm liên tiếp, nhịp hồi kỹ thuật có thể diễn ra trong tuần sau, tuy vậy đây chỉ là nhịp nảy trong xu hướng chính là xu hướng giảm ngắn hạn. Theo thống kê, kể từ đầu tháng 3 cho tới nay, cứ sau 2 tuần giảm liên tiếp, thị trường sẽ có nhịp hồi ở tuần kế tiếp. Hiện, chỉ số VN-Index đã để mất các ngưỡng kỹ thuật ngắn và trung hạn, nên vùng kỹ thuật 1.023 – 1.032 điểm sẽ là vùng hỗ trợ cho nhịp điều chỉnh này. Đồng thời, thanh khoản tuần cuối tháng 4 cũng có thể chưa được cải thiện khi thị trường bước vào kỳ nghĩ lễ dài ngày./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-vn-index-kho-tao-dot-bien-trong-tuan-sat-dip-nghi-le-126428.html
Zalo