Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ có các nhịp hồi phục chậm rãi
Thị trường trong ngắn hạn sẽ có thể tiếp tục các nhịp hồi phục chậm rãi. Nhà đầu tư cần theo sát diễn biến tỷ giá USD/VND và các động thái của Ngân hàng nhà nước trong thời gian tới để xác định xu hướng của thị trường trong ngắn hạn và nhận biết các dấu hiệu hồi phục chắc chắn hơn...
Chứng khoán ngày 11/11, ngay từ thời điểm mở cửa phiên giao dịch, VN-Index đã nhanh chóng lao dốc trên dưới 10 điểm, đe dọa mốc hỗ trợ cứng 1.240 điểm. Việc cổ phiếu liên tục bị nhà đầu tư đem ra bán tống đã gây sức ép đáng kể lên chỉ số chính.
Dẫu vậy, việc VN-Index tiến vào vùng hỗ trợ mạnh đã phần nào kích hoạt dòng tiền bắt đáy và làm dịu nguồn cung. VN-Index nhờ đó nâng độ cao trở lại và thu hẹp mức độ thiệt hại vào những phút giao dịch cuối cùng.
Kết phiên, VN-Index giảm 2,24 điểm (-0,18%) xuống 1.250,32 điểm; HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,01%) xuống 226,86 điểm; UPCoM-Index ngược dòng tăng 0,25 điểm (+0,27%) lên 92,4 điểm.
Áp lực bán ra khiến thanh khoản thị trường sôi động trở lại. Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn tăng lên gần 21.500 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 10.
Sự hồi phục của nhiều cổ phiếu cũng giúp màu sắc trên bảng điện tử cân bằng hơn. Toàn thị trường ghi nhận 375 mã tăng (gồm 28 mã tăng trần), 901 mã giữ tham chiếu và 333 mã giảm (gồm 11 mã giảm sàn).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 10 mã tăng, 19 mã điều chỉnh và duy nhất POW đứng giá. Chỉ số VN30-Index bị kéo lùi gần 7 điểm xuống mốc 1.310 điểm.
Nguyên nhân khiến VN-Index lao dốc trong phiên hôm nay chủ yếu đến từ cổ phiếu ngân hàng. Ngoài MWG (-3,1%), 9 mã chứng khoán ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số đều là những mã thuộc ngành này, tiêu biểu như BID (-1,9%), STB (-4,8%), TCB (-1,7%), VPB (-1,5%), HDB (-2,7%), MBB (-1%), TPB (-2,7%), LPB (-1,4%) và VCB (-0,2%).
Ở chiều ngược lại, trụ đỡ chính cho thị trường rải rác tại nhiều nhóm ngành khác nhau như HPG (+2,6%), FPT (+1,8%), VHM (+1,5%), HVN (+4,2%), GVR (+1,5%), MSN (+1,7%), DGC (+3%), BCM (+1,4%), CMG (tăng trần) và BVH (+1,3%).
Ngoài các cổ phiếu nêu trên, nhóm vận tải biển và cảng biển cũng được giao dịch tích cực bất chấp biến động của thị trường, điển hình như HAH (+2,3%), VSC (+3,2%), GMD (+1,8%), PVT (+0,7%), VIP, VOS và VTP cùng tăng trần.
Diễn biến này cũng xuất hiện tương tự ở nhóm vật liệu với CSV (+5,7%), NKG (+0,7%), DGC (+2,9%), VGC (+1,7%), DCM (+1,7%), VCS (+1,2%), LAS (+3,8%), NTP (+3,6%). Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng đồng loạt giảm mạnh, cụ thể có BSR (-1,4%), PVS (-0,8%), PVD (-0,6%), PVC (-1,7%).
Khối ngoại tiếp tục ồ ạt bán ra với quy mô gần 1.000 tỷ đồng, tập trung tại 3 mã là MSN (-245 tỷ đồng), CMG (-206 tỷ đồng) và STB (-112 tỷ đồng). Trái lại, HPG được gom ròng 160 tỷ đồng, DGC gom ròng 67 tỷ đồng.
Mua thăm dò ở một số nhóm tại ngưỡng hỗ trợ 1.248-1.250 điểm
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Thanh khoản tăng cao với khối lượng khớp lệnh trên HSX vượt mức trung bình 20 phiên (+31,5%) cộng với đà giảm thu hẹp đáng kể về cuối phiên cho thấy lực cầu đã có tín hiệu nhập cuộc mạnh mẽ hơn.
Dù đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi khoảng GAP 1.248-1.250 điểm bị xuyên thủng nhưng cuối phiên vẫn được giữ vững. Trên biểu đồ xuất hiện mẫu hình nến đảo chiều Hammer cho thấy áp lực bán đã suy yếu. Khả năng cao sẽ xuất hiện nhịp hồi phục trong các phiên tới khi nhiều cổ phiếu đã có sự tích lũy và bật tăng trở lại.
Chúng tôi đã khuyến nghị mở vị thế mua thăm dò ở một số nhóm cổ phiếu tại ngưỡng hỗ trợ 1.248-1.250 điểm và chúng ta có thể gia tăng thêm tỷ trọng khi nhóm cổ phiếu mua thăm dò đã có lợi nhuận.
Ưu tiên chiến lược lướt sóng T+
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ưu tiên chiến lược lướt sóng T+, tận dụng những nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo để giải ngân từng phần ở cổ phiếu có tín hiệu thu hút dòng tiền, lực cầu ổn định và đi ngược với diễn biến điều chỉnh của thị trường.
Tuy nhiên, cũng nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao hoặc chưa có tín hiệu vượt đỉnh thuyết phục. Một số nhóm ngành đáng chú ý ở thời điểm hiện tại bao gồm: Vận tải-cảng biển, thủy sản, công nghệ-thông tin.
Đã xuất hiện một vài dấu hiệu của việc tạo đáy ngắn hạn
Chứng khoán AIS
Trên khung đồ thị ngày, chỉ số VN-Index hình thành nến Hammer (nến búa) đi kèm khối lượng giao dịch cải thiện, cho thấy sự tích cực tham gia của dòng tiền khi chỉ số kiểm định vùng 1.240 điểm.
Thị trường đã xuất hiện một vài dấu hiệu của việc tạo đáy ngắn hạn như: Thanh khoản cải thiện (xấp xỉ 20 nghìn tỷ/phiên); vùng cân bằng 1.240-1.250 điểm (là đáy gần nhất trong tháng 9/2024 và quanh giá trị của đường MA200 ngày) được bảo toàn. Có thể sẽ có một số rebound, hồi phục nhẹ trong những phiên giao dịch tới đây.
Xu hướng ngắn hạn vẫn đang ở trạng thái trung tính
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index xuất hiện lực cầu bắt đáy về giai đoạn cuối phiên và hình thành mẫu nến rút chân, đi kèm với thanh khoản giao dịch tăng vọt, cho thấy hoạt động của lực cầu đã có sự sôi nổi hơn.
Vì vậy, nhiều khả năng xu hướng giao dịch dần sẽ dịch chuyển sang trạng thái cân bằng khi có dòng tiền mua chủ động đối ứng. Tuy nhiên, với lượng cung lớn tiềm ẩn ở các vùng kháng cự trên, đà hồi phục sẽ khó có xác suất bật tăng mạnh.
Khi xu hướng ngắn hạn vẫn đang ở trạng thái trung tính, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì nắm giữ một vị thế an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá.
Thị trường trong ngắn hạn sẽ có các nhịp hồi phục chậm rãi
Chứng khoán Asean
Chúng tôi cho rằng thị trường trong ngắn hạn sẽ có thể tiếp tục các nhịp hồi phục chậm rãi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo sát diễn biến tỷ giá USD/VND và các động thái của Ngân hàng nhà nước trong thời gian tới để xác định xu hướng của thị trường trong ngắn hạn và nhận biết các dấu hiệu hồi phục chắc chắn hơn. Đồng thời, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực, chờ đợi giải ngân khi định giá về mức hấp dẫn.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.