Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán thế giới trong những ngày gần đây phản ánh nhiều hơn đến việc các nhà đầu tư giảm bớt các giao dịch chênh lệch lãi suất chứ không phải là sự thay đổi mạnh mẽ trong triển vọng kinh tế của Mỹ.

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) trước giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/8. Nguồn: AFP.

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) trước giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/8. Nguồn: AFP.

Yếu tố cốt lõi

Các nhà phân tích cho rằng, yếu tố dữ liệu việc làm của Mỹ yếu hơn dự kiến không đủ để trở thành động lực chính cho những biến động mạnh mẽ đang diễn ra, mặc dù nó được cho là chất xúc tác cho đợt bán tháo trên thị trường, khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã phải chịu đợt bán tháo lớn nhất trong 1 ngày (5/8) kể từ đợt bán tháo thứ Hai đen tối năm 1987.

Thay vào đó, câu trả lời có thể nằm ở một yếu tố sắc nét hơn đó là hủy bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất - nơi các nhà đầu tư đã vay tiền từ các nền kinh tế có lãi suất thấp như Nhật Bản hoặc Thụy Sĩ để tài trợ cho các khoản đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở những nơi khác.

Một nhà đầu tư có trụ sở tại châu Á cho biết, một số quỹ đầu cơ có hệ thống lớn nhất giao dịch mua vào và bán ra cổ phiếu dựa trên các tín hiệu từ thuật toán, đã bắt đầu bán cổ phiếu khi Ngân hàng Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất vào tuần trước làm dấy lên kỳ vọng về việc thắt chặt hơn nữa.

Mặc dù khó có thể tìm thấy các con số chính xác và sự thay đổi vị thế cụ thể làm cơ sở cho các động thái này, nhưng các nhà phân tích nghi ngờ rằng, các vị thế đông đúc trong các cổ phiếu công nghệ của Mỹ được tài trợ bởi các giao dịch chênh lệch lãi suất, giải thích lý do tại sao chúng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Đến 21 giờ 23 ngày 5/8 (theo giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán Nasdaq của Mỹ - thiên về công nghệ đã giảm hơn 8% trong tháng 8, so với 6% của chỉ số S&P.

Giao dịch chênh lệch lãi suất, được thúc đẩy bởi nhiều năm chính sách tiền tệ cực kỳ mềm của Nhật Bản, đã thúc đẩy sự bùng nổ trong hoạt động vay đồng yên xuyên biên giới để tài trợ cho các giao dịch ở nơi khác, ngân hàng Hà Lan ING cho biết. Dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, hoạt động vay đồng yên xuyên biên giới đã tăng 742 tỷ đô la kể từ cuối năm 2021.

Dữ liệu hàng tuần mới nhất từ cơ quan quản lý thị trường Mỹ cho thấy, những nhà đầu cơ đã cắt giảm mạnh các khoản cược giảm giá đối với đồng yên trong những tuần gần đây, đưa vị thế bán ròng đồng yên xuống còn 6,01 tỷ đô la, mức thấp nhất kể từ tháng 1, giảm so với mức cao nhất trong 7 năm là 14,526 tỷ đô la của tháng 4.

Nỗi đau của quỹ đầu tư

Một số nhà đầu tư cho biết, vì các quỹ đầu cơ thường tài trợ cho các khoản cược thông qua việc đi vay, nên việc điều chỉnh đang làm trầm trọng thêm các biến động của thị trường. Việc các ngân hàng cung cấp đòn bẩy cho các quỹ đầu cơ có thể khuếch đại lợi nhuận của họ nhưng cũng có thể làm tăng tổn thất.

Một lưu ý do Goldman Sachs gửi cho khách hàng vào cuối tuần trước cho thấy, đòn bẩy gộp từ công ty môi giới chính của Goldman Sachs, hay tổng số tiền mà các quỹ đầu cơ đã vay, đã giảm trong tháng 6 và tháng 7, nhưng vẫn ở mức gần mức cao nhất trong 5 năm.

Tuần trước đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp mà các quỹ đầu cơ cược rằng cổ phiếu sẽ giảm vượt xa các khoản cược cổ phiếu tăng, Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý riêng. Theo Goldman Sachs, tính đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch tại châu Á vào ngày 5/8, các quỹ đầu cơ tập trung vào Nhật Bản đã giảm 7,6% trong 3 phiên giao dịch liên tiếp.

Trong khi đó, theo nhiều nhà đầu tư, trong khi các quỹ vĩ mô có thể đã tham gia vào các giao dịch tiền tệ liên quan đến đồng yên, nhiều quỹ đầu cơ giao dịch chứng khoán đã chuyển trọng tâm sang Nhật Bản do lệnh cấm bán khống vào tháng 6 tại Hàn Quốc và những rào cản pháp lý đối với hoạt động tương tự ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, theo một phân tích trên CNN, luôn có độ trễ giữa thời điểm lãi suất tăng và thời điểm nền kinh tế chứng kiến toàn bộ tác động. Khoảng cách đó thường là từ 9 - 15 tháng và được gọi là độ trễ tiền tệ. Hiện tại, các đợt tăng lãi suất tích lũy của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đè nặng lên việc làm, vốn luôn là một trong những phần cuối cùng của nền kinh tế cảm nhận được tác động.

Có thể thấy “thuốc” của Fed đã đè bẹp lạm phát, nhưng nó cũng khiến các công ty sa thải hoặc không tuyển thêm nhân viên. Vậy Fed có cần bắt đầu cắt giảm “liều thuốc” tăng lãi suất của mình trước khi có bất kỳ thiệt hại thực sự nào đối với nền kinh tế không? Câu hỏi này sẽ không được giải đáp trong nhiều tháng tới vì nền kinh tế Mỹ đã được thiết lập trong thời điểm hiện tại.

Ngay cả khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng tới, hãy lưu ý đến độ trễ tiền tệ. Một lần cắt giảm sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào. Nhưng nếu là 2 hoặc 3 lần trước khi kết thúc năm, nó sẽ có tác động ngay đầu năm sau.

Theo các nhà phân tích, mối nguy hiểm lớn nhất là mọi người thấy thị trường giảm và trở nên hoảng loạn. Chi tiêu dừng lại, lo lắng tăng lên, nhiều việc làm bị mất hơn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhưng có 1 mặt tích cực: Quay trở lại năm 2022, khi lãi suất ở mức 0, nỗi lo là Fed không có nhiều không gian điều động để thúc đẩy nền kinh tế. Thời điểm này, có 500 điểm cơ bản lãi suất có thể được cắt giảm, vì vậy, Fed chắc chắn có thể đưa nền kinh tế vào trạng thái tốt hơn nhưng không phải ngay lập tức.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thi-truong-chung-khoan-toan-cau-lao-doc-10287479.html
Zalo