Thị trường chứng khoán ngày 22/1: ghi nhận sức ép từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn
Thị trường chứng khoán ngày 22/1 ghi nhận sức ép từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trái lại, cổ phiếu vừa và nhỏ, tiêu biểu là YEG lại 'nổi sóng'. VN-Index tiếp tục mất điểm trong những ngày cận Tết Nguyên đán.
VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 22/1 tăng nhẹ nhưng chỉ giữ sắc xanh được ít phút đầu giờ. Áp lực bán lan rộng, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu VN30, gây áp lực lên thị trường chung. Thanh khoản thấp, cùng tâm lý nghỉ Tết, khiến mức độ phân hóa ngày càng mạnh. VN-Index biến động trong biên độ hẹp, đóng cửa phiên sáng giảm 0,11%.
Giao dịch trong phiên chiều vẫn diễn ra ảm đạm và thị trường thiếu đi động lực để thoát khỏi biến động nhàm chán như hiện tại. Lực cầu yếu trong khi bên cầm cổ phiếu đẩy mạnh bán ra khiến VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu, sắc đỏ áp đảo.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.242,53 điểm, tương ứng giảm 3,56 điểm (-0,29%) so với phiên trước. Toàn sàn HoSE có 127 mã tăng, 311 mã giảm và 75 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,01 điểm (-0,46%) xuống 220,67 điểm, với 68 mã tăng, 90 mã giảm và 48 mã đứng giá. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (0,26%) lên 93,08 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt gần 509 triệu cổ phiếu (chỉ tăng 2,7% so với phiên trước), tương ứng tổng giá trị giao dịch trên 12.000 tỷ đồng (tăng 4,8%). Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn này tăng 9,5% lên 9.324 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch ở UPCoM giảm 2,3% xuống còn 592 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị giao dịch sàn HNX tăng 59% lên 1.227 tỷ đồng nhờ đột biến giao dịch thỏa thuận.
Số lượng mã giảm chiếm áp đảo trong phiên hôm nay, đặc biệt là nhóm cổ phiếu trụ cột, cho thấy nhu cầu chốt lời những ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong nhóm VN30 phiên hôm nay chỉ có 3 mã tăng giá là SSB, STB và SAB. Trong khi đó, nhóm này ghi nhận đến 24 mã giảm giá. HDB tiếp tục gây chú ý khi giảm gần 2,9%. Bên cạnh đó, BVH giảm 2,5%. Các mã như VHM, GVR, PLX, VRE hay BCM đều có mức giảm giá trên 1%.
Các nhóm cổ phiếu có thanh khoản cao như chứng khoán hay bất động sản cũng biến động kém tích cực ở phiên hôm nay khi sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn. Ở nhóm bất động sản, NVL tiếp tục phá đáy khi giảm gần 4% xuống 8.680 đồng. Bên cạnh đó, HDG cũng giảm 2,8%, HPX giảm 2,3%, SCR giảm 1,9%, CEO giảm 1,6%.
Trong nhóm chứng khoán, VND giảm gần 2,1%, VIX giảm 1,6%, CTS giảm 1,2%... Chứng khoán là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi diễn biến thị trường chứng khoán nói chung. Trong bối cảnh thị trường tiếp tục biến động khó khăn với thanh khoản thấp, diễn biến này có thể tác động xấu đến kết quả kinh doanh của nhóm ngành này trong quý I/2025.
Chiều ngược lại, dù thị trường gặp khó nhưng vẫn ghi nhận một số cổ phiếu hay nhóm ngành đơn lẻ có biến động tích cực. Trong đó, các mã nhóm Viettel tiếp tục là nhóm được nhiều nhà đầu tư chú ý. VTP chốt phiên tăng 2,8% lên mức cao nhất lịch sử. Bên cạnh đó, CTR, VTK và VGI cũng đều ghi nhận mức tăng giá mạnh. Ở nhóm cổ phiếu hàng không, SCS tăng đến 3,8%, HVN tăng 2,5%.
Ngoài ra, một số mã khác đi ngược thị trường như YEG, LPB, BSR… Trong đó, YEG tiếp tục được kéo lên mức giá trần. LPB lập đỉnh mới khi tăng 4,87% lên 33.400 đồng.