Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh, trong khi giá vàng tiếp tục giảm
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt dưới tác động của những thông tin tích cực, thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư, ngược lại, giá vàng đi xuống phiên thứ hai liên tiếp và giá dầu thế giới giảm 1%.

Giao dịch viên làm việc tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Thị trường chứng khoán tăng điểm
Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên 27/5, khi quyết định hoãn áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump và mức tăng bất ngờ của chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã thúc đẩy tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đi lên, trong đó chỉ số Nasdaq dẫn đầu đà tăng nhờ sức mạnh của nhóm "bảy ông lớn" trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 740,58 điểm, hay 1,78%, lên 42.343,65 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 118,72 điểm, tương đương 2,05%, lên 5.921,54 điểm, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 461,96 điểm, hay 2,47%, lên 19.199,16 điểm.
Chỉ số S&P 500 hiện chỉ còn cách mức đóng cửa kỷ lục ngày 19/2/2025 khoảng 3,6%. Trước đó, chỉ số S&P 500 đã giảm tới 18,9% so với mức đóng cửa kỷ lục này do những tuyên bố thất thường về thuế quan của ông Trump đã khiến thị trường chao đảo.
Ông Paul Nolte, cố vấn tài sản cấp cao và là chiến lược gia thị trường tại Murphy and Sylvest ở Elmhurst, Illinois, cho biết thị trường đã phản ứng rất mạnh khi ông Trump đưa ra những tuyên bố cứng rắn hôm 2/4.
Đà bán tháo khi đó diễn ra mạnh và nhanh đến mức một sự phục hồi là điều có thể dự đoán được. Tuy nhiên, chính sự phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ này lại khiến người ta e ngại về một đợt điều chỉnh sắp tới, khi các nhà đầu tư cần thời gian để hấp thụ thông tin và đánh giá lại tình hình thực tế.
Trong động thái mới nhất, Tổng thống Trump đã hoãn việc áp thuế 50% đối với Liên minh châu Âu đến ngày 9/7 để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và khối 27 quốc gia này.
Về mặt kinh tế, mức tăng 14,4% trong chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng này đã tiếp sức cho thị trường. Số liệu này đã giúp các nhà đầu tư bỏ qua mức giảm mạnh hơn dự đoán trong lượng đơn đặt hàng mới cho hàng hóa tư liệu sản xuất cốt lõi, vốn được coi là thước đo cho kế hoạch chi tiêu của các doanh nghiệp Mỹ.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, cho biết dữ liệu kinh tế vẫn chưa cho thấy áp lực giá cả hoặc tình trạng thất nghiệp gia tăng. Đây cũng là quan điểm của nhiều quan chức Fed, với dự đoán rằng lãi suất cơ bản sẽ được giữ nguyên cho đến khi Fed nhìn thấy được toàn bộ tác động từ chính sách thuế quan của ông Trump.
Tại Việt Nam, khép phiên 27/5, chỉ số VN-Index tăng 7,30 điểm (0,55%) lên 1.339,81 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 2,38 điểm (1,08%) lên 221,79 điểm.
Giá vàng đi xuống
Giá vàng tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch ngày 27/5, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp khi tâm lý nhà đầu tư được cải thiện sau quyết định hoãn áp thuế với Liên minh châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cuối phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay giảm 1,2%, xuống còn 3.302,10 USD/ounce, sau khi đã tăng gần 5% trong tuần trước. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ chốt phiên giảm 1,9%, xuống 3.300,40 USD/ounce.
Ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities, nhận định thị trường vàng đang biến động mạnh vì các thông tin liên tục thay đổi liên quan đến thuế quan. Hiện tại, giới đầu tư có thể đang kỳ vọng vào khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại, và điều này tạo sức ép giảm lên giá vàng.
Một cuộc điện đàm cuối tuần qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen được Liên minh châu Âu đánh giá là mang lại “xung lực mới” cho đàm phán thương mại, sau khi Tổng thống Mỹ rút lại đe dọa áp thuế 50% với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu vào tháng tới.
Đồng USD mạnh lên và tâm lý ưa rủi ro quay trở lại khiến vàng - tài sản được định giá bằng USD và được ưa chuộng trong thời điểm bất ổn kinh tế hoặc địa chính trị - chịu áp lực giảm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, kêu gọi duy trì lãi suất ổn định cho đến khi có thêm dữ liệu rõ ràng về tác động của các mức thuế cao hơn đối với lạm phát.
Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed dự kiến sẽ được công bố vào ngày 28/5 (giờ địa phương). Trong tuần này, thị trường cũng đang chờ đợi các số liệu kinh tế quan trọng khác của Mỹ, bao gồm ước tính tăng trưởng GDP quý 1/2025, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi.
Cùng ngày, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 33,21 USD/ounce, bạch kim mất 0,1% còn 1.084,02 USD/ounce, trong khi palladium giảm 1,2% xuống 975,49 USD/ounce.
Giá dầu giảm nhẹ
Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày 27/5, khi giới đầu tư lo ngại về nguy cơ dư cung sau các tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran, cùng kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ quyết định tăng sản lượng trong cuộc họp tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu Brent giảm 65 xu Mỹ (tương đương 1%), xuống còn 64,09 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng giảm 64 xu Mỹ, tương đương khoảng 1,04%, xuống 60,89 USD/thùng.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ OPEC+ cho biết rằng một cuộc họp của nhóm này vào ngày 31/5 tới nhiều khả năng sẽ thông qua kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 7/2025.
Trong khi đó, các phái đoàn Mỹ và Iran đã kết thúc vòng đàm phán thứ năm tại Rome, Italy vào tuần trước. Dù đã xuất hiện một số dấu hiệu về tiến triển trong đàm phán, vẫn còn nhiều bất đồng khó vượt qua, đặc biệt là vấn đề làm giàu uranium của Iran.
Ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, nhận định rằng việc OPEC+ có thể thống nhất tăng thêm sản lượng trong cuộc họp sắp tới sẽ là lực cản lớn đối với giá dầu trong ngắn hạn, nhất là trong trường hợp Iran có thể bổ sung nguồn cung nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ. Còn nếu đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran thất bại, các biện pháp trừng phạt với Iran có thể được duy trì, qua đó hạn chế nguồn cung dầu của nước này.
Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát sơ bộ của Reuters hôm 27/5, lượng tồn kho dầu thô của Mỹ có thể đã tăng thêm khoảng 500.000 thùng trong tuần trước.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gia hạn đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu đến ngày 9/7 đã làm dịu bớt lo ngại về các mức thuế mới có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Phố Wall cũng tăng điểm sau động thái này của ông Trump./.