Thị trường chứng khoán đã sẵn sàng cho chu kỳ tăng trưởng mới?

Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) - ông Chung Jae Hoon cho biết: dù vẫn còn những yếu tố bất định trên thế giới, nhưng Việt Nam với ưu thế riêng như tăng trưởng cao và ổn định, lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, thị trường chứng khoán đã tạo được mức nền vững chắc, trong bối cảnh niềm tin vào thị trường còn được củng cố bởi những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của các nhà quản lý… Vì vậy thị trường đã sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới trong năm 2025.

Ông Chung Jae Hoon - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)

Ông Chung Jae Hoon - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)

Nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng 2025

Nhận định về triển vọng nền kinh tế Việt Nam năm 2025, ông Hoon cho biết, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,09%, là mức tăng trưởng cao thứ hai trong 5 năm trở lại đây (chỉ sau 2022). Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ cấu phần sản xuất khi xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt.

Sang năm 2025, BSC kỳ vọng GDP sẽ có động lực chính chuyển từ thương mại sang giải ngân đầu tư công và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Việt Nam đã thực hiện một số công tác để chuẩn bị cho động lực tăng trưởng này. Theo quyết định số 1508, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 790 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7%, mức tăng cao thứ hai trong nhiều năm trở lại đây.

Đồng thời, việc thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp bộ máy không chỉ giảm bớt khoảng 10% - 15% số lượng đầu mối cơ quan hành chính mà còn tiết kiệm ngân sách nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Sự tinh gọn này bao gồm việc cắt giảm các phòng ban chồng chéo, tối ưu hóa quy trình làm việc, và ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính. Đây là yếu tố nền tảng giúp giải ngân đầu vốn NSNN được hanh thông.

Ngoài ra, việc hỗ trợ cấu phần tiêu dùng trong nước, chính sách đã giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được giữ gần như toàn bộ trong giai đoạn ba năm 2022 - 2024 sau đại dịch covid. Chính sách này tiếp tục được Quốc hội gia hạn đến hết 6/2025. Chính vì vậy, BSC dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 nghiêng theo kịch bản tăng trưởng cao từ 7 - 7,4%.

Triển vọng nâng hạng thị trường và cơ hội đón nhận 1,5 tỷ USD từ các quỹ

Cũng theo ông Hoon, bên cạnh những yếu tố vĩ mô thuận lợi, còn có những điểm sáng khác củng cố niềm tin vào sự bứt phá của thị trường chứng khoán năm 2025. Đầu tiên phải kể đến những phiên giảm điểm trong năm 2024 là cơ hội để thị trường tự điều chỉnh, củng cố nền tảng và định giá lại cổ phiếu. Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán đã sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới với định giá hấp dẫn và tâm lý vững vàng hơn.

Niềm tin vào thị trường còn được củng cố bởi những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Luật Chứng khoán sửa đổi với những quy định mới về giao dịch, thanh toán bù trừ, vân vân… sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, an toàn và chuyên nghiệp, thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cơ quan quản lý cũng đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi. Nếu thành công, đây sẽ là cú hích lớn, mở ra cơ hội thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, kỳ vọng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp sẽ tạo động lực cho dòng vốn chuyển dịch sang thị trường chứng khoán. Đồng thời, các kênh đầu tư truyền thống như vàng hay bất động sản đã ghi nhận mức tăng giá đáng kể trong năm 2024, khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm những kênh đầu tư mới tiềm năng hơn. Với triển vọng tăng trưởng tích cực và khả năng sinh lời hấp dẫn, thị trường chứng khoán nổi lên như một lựa chọn thay thế lý tưởng trong năm 2025.

Về triển vọng nâng hạng thị trường, ông Hoon cho biết, trong báo cáo đánh giá phân loại thị trường định kỳ vào tháng 9 năm 2024, FTSE Russell đã ghi nhận sự thay đổi của Việt Nam sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 68 nhằm gỡ nút thắt “pre-funding”, cũng như lộ trình công bố thông tin song ngữ nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khi tham gia thị trường. Tuy nhiên, FTSE cũng đề cập nhiều vấn đề mà Việt Nam cần phải lưu ý, trong đó như là tính khả thi cũng như trải nghiệm của NĐTNN khi sử dụng giải pháp Non-pre-funding là yếu tố quan trọng.

Bên cạnh đó, quy trình và chi phí liên quan đến các giao dịch thất bại cần sẽ cần được đánh giá thêm để xem xét nâng hạng. Mặt khác, những vẫn đề còn tồn tại như quy trình đăng ký hay mở tài khoản cho NĐTNN, tỷ lệ sở hữu nước ngoài, lộ trình rõ ràng trong việc thực thi các quy định mới cũng cần sớm được thay đổi.

Nếu Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng thị trường, thị trường chứng khoán. Đồng thời, các kênh đầu tư truyền thống như vàng hay bất độ sẽ đón nhận tối thiểu 0,7 - 1,5 tỷ USD từ các quỹ ETF chủ động tham chiếu theo bộ chỉ số do FTSE ban hành. Bộ phận nghiên cứu của BSC dự báo kịch bản cơ sở rằng FTSE sẽ ra thông báo chấp thuận nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 09/2025. Thì thông thường trong bối cảnh đó, NĐTNN sẽ mua ròng từ 3-4 tháng trước khi FTSE đưa ra thông báo. Vì vậy, nhà đầu tư trong nước cũng cần lưu ý về yếu tố này để đánh giá về khả năng Việt Nam được nâng hạng trong thời gian tới.

“Chúng tôi đánh giá 2025 là thời điểm thích hợp để thị trường chứng khoán Việt Nam được chấp thuận nâng hạng lên thị trường mới nổi khi “chiếc áo” Frontier đã không còn tương xứng, đồng thời việc nâng hạng thành công sẽ cải thiện niềm tin nhà đầu tư, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế, tăng cường uy tín quốc gia, giai đoạn rất phù hợp theo tư tưởng lớn mà Tổng bí thư Việt Nam đã đề ra: “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Chung Jae Hoon bày tỏ.

Hóa giải thách thức từ bên ngoài

Về những khó khăn thách thức đến từ bên ngoài như áp lực tỷ giá, Fed có thể giảm lãi suất chậm hơn dự báo, dòng tiền khối ngoại vẫn còn bán ròng trên thị trường… ông Hoon cho rằng, những tháng cuối năm 2024, chỉ số đô la Mỹ đã mạnh lên do lạm phát của Mỹ giảm chậm, trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định.

Thứ hai là những lo ngại về việc ông Donald Trump sẽ đưa ra một chính sách thương mại và thúc đẩy kinh tế mạnh hơn, khiến cho kỳ vọng về đồng USD gia tăng. Bên cạnh đó, tương quan tốc độ cắt giảm lãi suất giữa các khu vực như ECB đã cắt giảm lãi suất 4 lần kể từ thời điểm tháng sáu năm ngoái và sẽ tiếp tục cắt giảm trong thời gian tới do dữ liệu kinh tế tại khu vực châu Âu đang rất yếu, khiến USD mạnh lên.

Tuy nhiên, nhìn về năm 2025, ông Hoon kỳ vọng áp lực từ tỷ giá sẽ giảm dần do Fed sẽ tiếp tục chu kỳ nới lỏng tiền tệ, khi mà có những dấu hiệu bất thường trong nền kinh tế Mỹ như PMI sản xuất thường xuyên duy trì ở vùng thu hẹp, các nhà sản xuất vẫn còn e ngại về lãi suất cao ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, từ đó trì hoãn trong việc mở rộng sản xuất, kéo theo xu hướng việc làm sẽ suy giảm theo thời gian.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đón nhận một lượng tiền USD chảy vào nền kinh tế từ kiều hối cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp, điều này có thể sẽ khiến cho cân bằng cung cầu USD trong nền kinh tế Việt Nam trở nên tốt hơn. Điều này cũng giúp làm giảm áp lực bán ròng từ khối ngoại và cơ hội đảo chiều dòng tiền khi Việt Nam được nâng hạng.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-chung-khoan-da-san-sang-cho-chu-ky-tang-truong-moi-160046.html
Zalo