Thị trường chứng khoán biến động mạnh, đầu tư thế nào hiệu quả?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những phiên biến động mạnh đi xuống, xen kẽ với những phiên tăng điểm, hoặc đi ngang. Trong lúc thị trường hiến động mạnh, chuyên gia đưa ra những khuyến cáo giúp nhà đầu tư giữ vững tâm lý, tránh hao tổn tải sản.
Tính kết nối của thị trường cơ sở và thị trường phái sinh
Việc khi khối lượng giao dịch ở thị trường phái sinh tăng cao tại vùng đáy là tín hiệu khá tin cậy cho việc thị trường cơ sở tạo đáy đi lên. Đây chính là tính kết nối của thị trường cơ sở và thị trường phái sinh.
Thị trường hiện tại đang hình thành mô hình hồi phục 2 đáy ngắn hạn được thể hiện khá rõ nét, khá giống với giai đoạn tháng 4/2020 và lặp lại vào tháng 4/2022. Sau một thời gian đi ngang thị trường gãy mạnh và sau đó hồi phục bằng việc hình thành 2 đáy ngắn hạn với thanh khoản phái sinh ở 2 đáy đều cao đột biến. Hiện tại, thanh khoản thị trường phái sinh đang lập kỷ lục ở đáy số 2.
Thị trường năm 2020 gãy mạnh vì Covid-19 và hồi phục lại rất mạnh, vượt cả đỉnh cũ cũng chính trong giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh. Vậy liệu thị trường năm 2022 gãy mạnh do lạm phát thì có hồi phục mạnh do lạm phát hay không? Khi lạm phát đạt đỉnh thì thị trường chứng khoán có tạo đáy? Đó là câu hỏi khá nhiều người đặt ra.
Theo chuyên gia chứng khoán tại Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo giai đoạn tiếp theo VN-Index sẽ có nhịp hồi ngắn hạn hướng về vùng 1.400 điểm tương ứng với biên độ dưới giai đoạn đi ngang phía trước (từ tháng 10/2021 - 4/2022). Trong quá trình hồi phục thì 2 ngưỡng kháng cự trên khá quan trọng. VN-Index lần lượt là 1.250 điểm và 1.305 điểm. Tại đây VN-Index sẽ xảy ra phản ứng rung lắc khá mạnh.
Nhà đầu tư hành động thế nào khi thị trường biến động mạnh?
Theo SSI Research, ở giai đoạn hiện tại, nhiều nhà đầu tư (NĐT) có tâm lý chán nản khi đón nhận các thông tin bi quan về cổ phiếu mà mình đang nắm giữ càng làm mất lòng tin vào thị trường chứng khoán.
Trước những biến động theo cả chiều tăng và giảm, chuyên gia khuyến cáo NĐT cần quan sát thị trường kỹ lưỡng và hàng động mỗi khi cần thiết. Cụ thể, khi thị trường có những phiên tăng điểm mạnh, để tránh việc nhận các thông báo call margin NĐT chỉ cần chốt lời, hoặc cắt lỗ một phần cổ phiếu không có triển vọng kinh doanh trong tương lai, hạ bớt lượng margin để không còn nhận các thông báo call margin khi thị trường điều chỉnh mạnh.
Thoát khỏi một số room tư vấn chứng khoán chứa nhiều thông tin lộn xộn, khiến NĐT bị dao động tâm lý. Những hành động tuy đơn giản này cũng có thể làm giải tỏa tâm lý bi quan cho NĐT ở thời điểm này. Sau những hành động trên, NĐT có thể quan sát và nhìn lại những quyết định trong quá trình đầu tư của mình để có được những kinh nghiệm và tinh thần vững hơn trước những biến động của thị trường.
Điều quan trọng nhất là NĐT không hoảng loạn bán tháo hoặc mua đuổi cổ phiếu quá mức. Dù tài khoản có hòa vốn, lỗ nhiều hay lỗ ít thì NĐT cần nhìn nhận rõ bản chất tài khoản của mình, tích lũy thêm kiến thức để có thể giao dịch hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới.
Sau khi bán chốt lời hoặc cắt lỗ một cổ phiếu nào đó trong danh mục, việc cần làm không phải là tìm ngay cổ phiếu mới để mua với kỳ vọng "gỡ gạc lại" mà NĐT nên bình tâm, giải tỏa tâm lý và nhìn lại chặng đường đã qua để có những quyết định mới khách quan hơn. Điều quan trọng khi thị trường đi xuống, NĐT nên tích lũy thêm kiến thức đầu tư cho bản thân và kiên trì chờ đợi cơ hội khi thị trường tăng điểm để tìm kiếm lợi nhuận.
Theo SSI, trong các ngành nghề kinh doanh, đều có những cổ phiếu tốt, khả quan trong đầu tư tại thời điểm này. Những cũng có những cổ phiếu đang gặp khó khăn khi doanh nghiệp đó chịu ảnh hưởng do dịch bệnh và lạm phát.
Tại thời điểm này, ngành bất động sản hạ “nhiệt” trước nhiều thách thức những vẫn có những cổ phiếu tích cực.
Cụ thể, so với đầu năm 2022, chỉ số giá cổ phiếu ngành bất động sản đã giảm 25%, tương đương với mức giảm của chỉ số VN-Index tính đến giữa tháng 6. Theo đó, SSI cho rằng giá cổ phiếu bất động sản đã được chiết khấu xuống mức hấp dẫn để nắm giữ dài hạn.
Tuy nhiên, với nhiều thách thức của thị trường trong thời gian tới, SSI cho rằng NĐT nên thận trọng đối với cổ phiếu ngành này, ít nhất là trong năm 2022 và cần chờ thời điểm thích hợp để giải ngân.
Tuy nhiên, ngành này vẫn có 3 cổ phiếu tích cực đó là NLG, KDH và VHM. Bởi tình hình tài chính mạnh, với tỷ lệ đòn bẩy tài chính hợp lý, các công ty này còn có khả năng đa dạng hóa nguồn vốn và huy động vốn quốc tế. Các công ty đều có vị thế tốt để tiếp tục phát triển trong bối cảnh ngành bất động sản đang gặp những thách thức, khó khăn.
SSI khuyến nghị, NĐT quan sát cổ phiếu từ quý 3/2022 trở đi, khi tâm lý thị trường được kỳ vọng sẽ ổn định hơn và doanh số bán hàng tại các dự án có kết quả rõ ràng hơn thì nên giải ngân vào cổ phiếu ngành bất động sản.