Thị trường chứng khoán 2025: Đón sóng nâng hạng, VN-Index dự báo sẽ bùng nổ
Dù đánh giá những yếu tố bên ngoài vẫn còn nhiều biến động khó lường, tuy nhiên, báo cáo chiến lược được các công ty chứng khoán đưa ra mới đây dự báo về chỉ số VN-Index đều khá tích cực, thậm chí có dự báo VN-Index có thể chạm tới mốc 1.540 hay hơn 1.600 điểm.
VN-Index sẽ bùng nổ?
Dù VN-Index đã có những phiên khó khăn trắc trở ngay đầu năm 2025. Chỉ trong vài phiên giao dịch, chỉ số đã “bay” hơn 20 điểm hiện tại quay về vùng giá 1.246 điểm. Mặc dù vậy, hầu hết các công ty chứng khoán đều đồng thuận cho rằng thị trường sẽ bật tăng mạnh trong năm 2025.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, nhờ xu hướng nới lỏng tiền tệ thế giới, dư địa nới lỏng tài khóa trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng và động thái quyết liệt từ Chính phủ trong việc cải cách khuôn khổ pháp lý sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Thêm vào đó, vĩ mô Việt Nam đã và đang dần cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế khi GDP năm 2024 đứng đầu khu vực ASEAN, đem đến kỳ vọng lớn cho năm 2025. Cùng với đó là triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi khi Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE.
“Lợi nhuận toàn thị trường tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, ở mức 12%, với động lực từ ngân hàng và bất động sản. Với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index được dự báo có thể đạt 1.555 điểm với P/E của VN-Index đạt 14,6x và EPS thị trường +12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường”, chuyên gia của VCBS dự báo.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng chỉ số VN-Index đạt mức 1.460 điểm, tương ứng mức tăng trưởng EPS toàn thị trường 16,7% và định giá P/E ở mức 14,6 lần. Động lực đến từ dự báo nền tảng vĩ mô Việt Nam ổn định dưới góc độ tỷ giá (USD/VND tăng 1-2%), mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế vẫn sẽ duy trì ở mức thấp so với lịch sử (với mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,3- 0,5%, trong khi lãi suất cho vay đi ngang hoặc tăng nhẹ) và Việt Nam được nâng hạng thị trường theo FTSE.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBanks) kỳ vọng, chứng khoán vẫn có thể gập ghềnh trong nửa đầu năm, nhưng câu chuyện tích cực có thể bắt đầu vào nửa cuối năm. Theo quan điểm của chuyên gia, mức điểm của VN-Index đến cuối năm có thể đạt từ 1.400 đến 1.420 điểm.
Trong ngắn hạn, với yếu tố khó lường từ việc ông Donald Trump sắp bước vào Nhà Trắng và có thể đưa ra các quyết sách khó lường trong quý I và quý II, tỷ giá ở hầu hết các thị trường vẫn căng thẳng, USD vẫn tăng và lợi suất trái phiếu vẫn neo cao, đặc biệt Fed hạ lãi suất ít hơn so với kỳ vọng (hai lần) thì nhiễu động thị trường sẽ vẫn còn.
Về diễn biến khối ngoại, mặc dù nhà đầu tư nước ngoài có thể không bán mạnh như năm 2024, nhưng lực bán vẫn sẽ kìm hãm đà tăng của VN-Index trong năm nay. Trong nửa đầu 2025, biên giao động chính của VN-Index mà chuyên gia dự báo sẽ xoay quanh khoảng 1.200 đến 1.300 điểm.
Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, thị trường có thể tạo ra vùng trũng trong tháng 5. Tháng 5 thường là giai đoạn nhà đầu tư trong nước và quốc tế “Sell in May” do trũng thông tin sau mùa BCTC quý I. Thị trường sẽ tích cực dần trong tháng 8 – 9, khi Việt Nam chuẩn bị đón những yếu tố tích cực trong con sóng nâng hạng.
Trong năm 2025, yếu tố kinh tế vĩ mô cũng sẽ diễn ra trong nửa đầu năm do những lo ngại từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng chính từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump.
"Kết hợp với yếu tố nâng hạng, quý 3 và quý 4 sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn, nhà đầu tư quốc tế trở lại mua ròng và thị trường sẽ diễn ra tích cực. Giai đoạn điều chỉnh giữa năm có thể là cơ hội tốt để giải ngân. Chúng ta chỉ có cơ hội tốt khi giá cổ phiếu có sự chiết khấu tốt", ông Trần Hoàng Sơn nhận định.
Kỳ vọng đột phá từ những đổi mới
Tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; triển khai Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Trước đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương công bố lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Trong đó, nhiều đề xuất đáng chú ý như rút ngắn quy trình niêm yết từ 90 ngày xuống còn 30 ngày; hồ sơ niêm yết/đăng ký giao dịch, thay đổi niêm yết/đăng ký giao dịch được lược bỏ “giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán đã được điều chỉnh do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cấp”.
Việc cho phép công ty đại chúng có quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thấp hơn tỷ lệ quy định khi đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại điều lệ công ty trước đây cũng được loại bỏ. Thay vào đó, cơ quan soạn thảo đề xuất việc “room ngoại” thấp hơn quy định chỉ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, nhằm giảm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ không lường được các thay đổi từ doanh nghiệp.
Cùng với việc tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và nhà đầu tư, nhiệm vụ năm 2025 do tư lệnh ngành tài chính đưa ra đặc biệt chú trọng khâu giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm trên các thị trường cổ phiếu, phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và nghĩa vụ công bố thông tin.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu ngành chứng khoán chú trọng công tác truyên truyền, nâng cao năng lực cho nhà đầu tư cá nhân, cung cấp thông tin kịp thời cho nhà đầu tư, hạn chế tác động tâm lý do tin xấu trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tư lệnh ngành Tài chính đặt kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2025 phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng.
“Việc thực hiện nhiệm vụ của ngành chứng khoán sẽ cần sự nỗ lực không ngừng của tất cả các thành viên trên thị trường, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Chúng ta cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn để thị trường chứng khoán trở thành điểm đến tin cậy của nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.