Thị trường carbon Việt Nam sẽ giao dịch 2 loại hàng hóa chính
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định hướng dẫn việc tổ chức và vận hành thị trường sàn giao dịch carbon. Theo đó, 2 loại hàng hóa chủ lực sẽ được giao dịch gồm: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Dự thảo quy định rõ, hàng hóa giao dịch trên sàn carbon bao gồm: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở nằm trong danh mục phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và tín chỉ carbon, được xác nhận từ các chương trình, dự án trong nước hoặc quốc tế, như cơ chế phát triển sạch (CDM), cơ chế tín chỉ chung (JCM) và cơ chế trao đổi theo điều 6 của thỏa thuận Paris.
Cả hai loại hàng hóa này trước khi được đưa lên giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đều phải được xác nhận và ghi nhận trên hệ thống đăng ký quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý.

Việc xây dựng sàn giao dịch carbon là bước cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 21/1/2025.
Dự thảo nhấn mạnh: Giao dịch trên thị trường carbon phải tuân thủ nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, đồng thời đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch phải tự tìm hiểu quy định pháp luật, thông tin hàng hóa và chịu trách nhiệm với quyết định mua - bán của mình.
Các giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, tức là các bên tự đàm phán và nhập lệnh trên hệ thống. Có 2 hình thức: Thỏa thuận điện tử (nhập lệnh trực tiếp trên hệ thống) và thỏa thuận thông thường (thỏa thuận bên ngoài rồi báo cáo lên hệ thống để xác nhận).
Việc áp dụng phương thức thỏa thuận được xem là phù hợp với giai đoạn đầu của thị trường, khi số lượng chủ thể tham gia còn hạn chế, thanh khoản chưa cao và đặc điểm hàng hóa, đặc biệt là tín chỉ carbon chưa được chuẩn hóa. Đây cũng là phương thức đang được áp dụng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và công cụ nợ Chính phủ.
Để thực hiện giao dịch, các cơ sở phát thải được phân bổ hạn ngạch sẽ mở tài khoản tại thành viên giao dịch. Các thành viên này sẽ thực hiện giao dịch thay mặt khách hàng, báo cáo kết quả và cung cấp sao kê giao dịch định kỳ hoặc theo yêu cầu.
Ngay sau khi giao dịch được xác lập, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ chuyển thông tin kết quả cho Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) để thực hiện thanh toán theo cơ chế “tức thời theo từng giao dịch”, thay vì thông qua đối tác bù trừ trung tâm như thị trường chứng khoán.
Các giao dịch sẽ được thanh toán ngay trong ngày, thông qua ngân hàng thanh toán là các ngân hàng thương mại được Bộ Tài chính phê duyệt. Thành viên lưu ký phải mở tài khoản tiền tại ngân hàng này để thực hiện nghĩa vụ thanh toán. VSDC sẽ đối chiếu thông tin, phong tỏa hàng hóa, xác nhận giao dịch hợp lệ và gửi yêu cầu thanh toán đến ngân hàng.

Dự thảo cũng đề xuất Bộ Tài chính lựa chọn một số ngân hàng thương mại làm ngân hàng thanh toán theo từng thời kỳ, tùy theo quy mô thị trường, tránh đầu tư dư thừa về hạ tầng công nghệ thông tin khi thị trường còn nhỏ.
Việc đưa sàn giao dịch carbon đi vào vận hành thí điểm là một bước tiến quan trọng trong lộ trình xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam, một trong những công cụ kinh tế chủ lực để giảm phát thải, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Dù mới ở giai đoạn đầu, nhưng khuôn khổ pháp lý đang dần được hoàn thiện, với sự vào cuộc của nhiều bộ ngành liên quan. Khi vận hành ổn định, thị trường này sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp có công nghệ sạch, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh trong sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.