Thị trường carbon - Động lực xanh thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi bền vững
Không chỉ là một công cụ kiểm soát phát thải khí nhà kính, thị trường carbon đang định hình như một 'hạ tầng xanh' chiến lược, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Trong bối cảnh yêu cầu về phát triển bền vững và hội nhập xanh ngày càng rõ rệt, thúc đẩy vận hành thị trường carbon minh bạch, hiệu quả và có thể xác minh được đang trở thành ưu tiên trong chính sách khí hậu quốc gia.

Diễn đàn có nhiều phiên thảo luận mở, đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý, đại diện doanh nghiệp. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)
Ngày 10/4/2025, tại Hà Nội, Diễn đàn Thị trường Carbon Việt Nam năm 2025 đã chính thức được tổ chức với sự phối hợp của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Cơ quan Hợp tác Phát triển - Đại sứ quán Thụy Sĩ, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy). Diễn đàn thu hút sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, ngân hàng, quỹ đầu tư, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đang quan tâm đến thị trường carbon.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, nhấn mạnh, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới và Việt Nam, là ‘luật chơi’ mới về thương mại và đầu tư toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về đầu tư, tài chính khí hậu.
Theo ông Cường, Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết tại COP26, như ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, và Đề án triển khai cam kết Net Zero. Song song với nỗ lực chuyển đổi năng lượng, Việt Nam xác định thị trường carbon là công cụ quan trọng nhằm huy động nguồn lực xã hội cho giảm phát thải.
Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết tại COP26, như ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, và Đề án triển khai cam kết Net Zero. Song song với nỗ lực chuyển đổi năng lượng, Việt Nam xác định thị trường carbon là công cụ quan trọng nhằm huy động nguồn lực xã hội cho giảm phát thải.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã quy định rõ về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, hướng đến thí điểm trong năm 2025 và vận hành chính thức sau năm 2028. Theo Cục trưởng Tăng Thế Cường, để thị trường carbon phát triển hiệu quả, Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý, ban hành Nghị định về sàn giao dịch carbon, xây dựng quy định tiêu chuẩn tín chỉ carbon và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam được chia thành ba giai đoạn: trước tháng 6/2025 là giai đoạn xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 là giai đoạn vận hành thí điểm; và từ năm 2029 sẽ chính thức đưa thị trường vào vận hành toàn quốc. Song song với đó, việc phát triển thị trường carbon tự nguyện cũng đang được thúc đẩy, nhằm khuyến khích sự tham gia chủ động từ khu vực tư nhân.
Kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ tại diễn đàn cũng cho thấy, thị trường carbon không thể phát triển đơn độc mà đòi hỏi sự hợp tác xuyên biên giới. Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển-Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, cho biết, Thụy Sĩ là một nền kinh tế nhỏ nhưng có mức độ công nghiệp hóa cao và có sự kết nối mạnh mẽ với toàn cầu. Chính vì vậy, Thụy Sĩ nhận thức rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để đạt được các mục tiêu khí hậu.
“Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, Thụy Sĩ đã hoàn tất giao dịch tín chỉ carbon quốc tế đầu tiên theo cơ chế của Điều 6 trong Thỏa thuận Paris", bà Sibylle chia sẻ. Thụy Sĩ cũng tích cực hợp tác với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam, nhằm hỗ trợ phát triển thị trường carbon một cách minh bạch, hiệu quả và có thể xác minh, qua đó tạo ra các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý và thúc đẩy dòng tài chính khí hậu toàn cầu đến những nơi cần thiết nhất.
Theo bà Sibylle, để thị trường carbon có thể vận hành hiệu quả, rất cần có sự tham gia chủ động của khu vực tư nhân. Bà cho biết, hiện đã có khoảng 1/5 trong số 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới cam kết đạt Net Zero vào năm 2050; đồng thời, nhu cầu tín chỉ carbon từ người tiêu dùng và nhà đầu tư quốc tế cũng đang tăng lên nhanh chóng. Điều này tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp hành động, nhưng cũng đòi hỏi thị trường carbon phải minh bạch, dễ dự đoán và có quy định rõ ràng.
Tại diễn đàn, Cục Biến đổi khí hậu và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã công bố báo cáo kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của khối doanh nghiệp Việt Nam trong bốn ngành trọng điểm: Sản xuất lúa gạo, chế biến thực phẩm và đồ uống (F&B), chăn nuôi và quản lý chất thải. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đã nhận thức rõ vai trò và tiềm năng của thị trường carbon, đồng thời mong muốn được tiếp cận thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và thể chế để chuẩn bị sẵn sàng tham gia.
Thị trường carbon không chỉ là câu chuyện môi trường. Các đại biểu tại diễn đàn đồng thuận rằng, đây chính là cơ chế tài chính-kỹ thuật giúp doanh nghiệp giảm phát thải hiệu quả, đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng “xanh hóa” các tiêu chuẩn nhập khẩu, đầu tư và sản xuất.
Diễn đàn cũng diễn ra nhiều phiên thảo luận mở, đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý, đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và giới tài chính, nhằm phản ánh thực tiễn triển khai thị trường carbon, từ đó hoàn thiện chính sách và thúc đẩy hành động cụ thể trong thời gian tới.