Thị trường BĐS muốn phát triển cần phải minh bạch

Thị trường bất động sản (BĐS) đồng thời có tác động ảnh hưởng đến 40 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường khó đoán định, thường xuyên thay đổi với sự tham gia của nhiều đối tượng, thành phần.

Những cuộc đấu giá với mức trúng bị đẩy cao bất thường tại một số vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức… rồi bỏ cọc.

Những dự án mới được triển khai có mức giá cao phi lý. Lượng booking tăng vùn vụt nhưng thực tế thì không như vậy.

Những dự án đã qua sử dụng nhiều năm, thậm chí cả nhà ở xã hội, cũng tăng giá một cách bất thường.

Tất cả đang tạo nên sự thiếu minh bạch của thị trường bất động sản, khiến người dân rơi vào vòng xoáy của giá ảo, giao dịch ảo, của chiêu trò đẩy giá, thông tin sai lệch. Và từ đó, ảnh hưởng rất lớn đến tính thanh khoản của thị trường.

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho hay: “Đây là những dấu hiệu của hoạt động thao túng và đầu cơ, thổi giá lên. Không có gì khác cả. Tất cả sẽ lại đổ xô đi mua buôn bất động sản và tiền nong tất cả rút hết trong hệ thống, như vậy hậu quả là hệ thống ngân hàng phải nâng lãi suất để giữ lại tiền trong ngân hàng nếu không sẽ mất hết. Mà khi đã nâng lãi suất thì bất động sản sẽ lại thành vấn đề nguy hiểm và tất cả những người đầu tư ở tầm này mà không đúng kiểu thì sẽ chết hết”.

Câu chuyện về đấu giá đất vừa qua được coi là điển hình trong việc thao túng gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Nhìn từ đó để thấy rằng, công tác đấu giá đất đang còn nhiều hạn chế từ xác định giá khởi điểm đến cách thức đấu giá. Cần phải có những chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn để tình trạng đấu giá cao rồi bỏ cọc không tái diễn.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng: “Trong trường hợp người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận đấu giá bị hủy từ hai lần trở lên trong thời hạn 1 đến 2 năm liên tục thì mới áp dụng quy định về cấm tham gia đấu giá. Điều này vẫn có ý nghĩa trong việc ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tình trạng bỏ cọc thổi phồng giá trị tài sản mà vẫn có sự mềm mỏng hơn, tôn trọng thỏa thuận dân sự giữa các bên trong hoạt động đấu giá”.

Mới đây, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất. Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng; nghiên cứu có chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh mục tiêu xây dựng hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Để thực hiện cần sớm cụ thể hóa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện chính sách để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Mỹ Lan

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thi-truong-bds-muon-phat-trien-can-phai-minh-bach-280609.htm
Zalo