Thị trường bất động sản quý I.2025: Nhiều lực đẩy từ kinh tế vĩ mô và chính sách
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường bất động sản Việt Nam quý I.2025 ghi nhận loạt tín hiệu khởi sắc đến từ đà tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô, dòng vốn đầu tư nước ngoài, chính sách tín dụng nới lỏng và kỳ vọng từ các chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Kinh tế ổn định tạo nền tảng cho thị trường bất động sản
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2025 tăng 6,9% so với cùng kỳ – mức cao nhất trong giai đoạn 2020–2025. Trong khi vốn FDI đăng ký đạt 5 tỷ USD, thì vốn FDI thực hiện lên tới 11 tỷ USD, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Lượng khách quốc tế cũng tăng trưởng ấn tượng với 6 triệu lượt trong quý đầu năm, góp phần thúc đẩy nhu cầu bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng.
Đáng chú ý, động thái mới về chính sách thuế của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư lo ngại. Tuy nhiên, sau ngày 10.4, Mỹ thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày và điều chỉnh mức thuế từ 50,6% xuống còn 14,6%.
Dù tác động cụ thể đến bất động sản còn chưa rõ ràng, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, những thay đổi này cần được theo dõi thận trọng, đặc biệt là trong mảng bất động sản công nghiệp, vốn phụ thuộc lớn vào dòng vốn FDI.

Mức độ quan tâm bất động sản tăng tại các tỉnh có sự tương đồng/bổ trợ về diện tích tự nhiên, quy mô dân số.
Sáp nhập tỉnh và hiệu ứng “siêu đô thị”
Một trong những yếu tố kích hoạt làn sóng quan tâm trên thị trường thời gian qua là thông tin liên quan đến đề án sáp nhập tỉnh.
Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm đến bất động sản trong tháng 3.2025 tăng mạnh so với tháng 2 tại nhiều địa phương có vị trí địa lý, quy mô dân số, kinh tế tương đồng hoặc có khả năng hỗ trợ lẫn nhau trong kịch bản sáp nhập.
Cụ thể, Đà Nẵng tăng 39%, Quảng Nam tăng 96%; Hưng Yên tăng 36%, Thái Bình tăng 75%; Quảng Bình tăng 45%, Quảng Trị tăng 8%. Đặc biệt, khu vực TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu, được đánh giá là vùng “siêu đô thị” tiềm năng với 12,5 triệu dân, ghi nhận lượt tìm kiếm tăng lần lượt 13%, 49% và 42%.
Tuy nhiên, nhìn lại trường hợp Hà Nội – Hà Tây sau sáp nhập cho thấy không phải mọi đợt tăng giá đều bền vững. Giá nhà đất tại Hà Tây cũ tăng từ 2,6 đến 15 lần giai đoạn 2016–2025, nhưng nhiều dự án vẫn rơi vào tình trạng bỏ hoang hoặc chậm tiến độ.
Do đó, ông Nguyễn Quốc Anh khuyến nghị: “Nhà đầu tư cần thận trọng, đánh giá kỹ các yếu tố kinh tế, hạ tầng, văn hóa – xã hội và năng lực quản trị địa phương. Cơ hội chỉ thực sự đến nếu có sự cải thiện thực chất về môi trường đầu tư và đòn bẩy kinh tế vùng. Tránh đầu cơ ngắn hạn, thay vào đó cần đầu tư có chọn lọc và dựa trên phân tích dữ liệu”.

Thị trường hiện tại đặt kỳ vọng lớn nhất ở các chính sách nới lỏng tín dụng vay bất động sản.
Tín dụng nới lỏng và nhà ở xã hội: Động lực phục hồi bền vững
Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) tiếp tục được thúc đẩy mạnh trong năm 2025. Tính đến cuối năm 2024, cả nước đã có 66.750 căn hoàn thiện, 114.600 căn khởi công, 412.000 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư và hơn 400.000 căn đang trong quá trình chuẩn bị triển khai.
Nhiều dự án NOXH sẽ được khởi công và mở bán trong giai đoạn 2025–2027 tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bình Dương, với mức giá dao động 13–25 triệu đồng/m². Việc điều chỉnh quy định tại Nghị định 100 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người mua NOXH tiếp cận nguồn cung và vốn vay.
Song song đó, thị trường kỳ vọng nhiều hơn vào chính sách nới lỏng tín dụng. Theo khảo sát quý I.2025 của Batdongsan.com.vn, 67,1% môi giới kỳ vọng vào chính sách vay mua bất động sản được nới lỏng, 47,9% kỳ vọng giảm thuế phí giao dịch và 43,4% mong đợi tiến độ pháp lý được cải thiện.
Trong quý I.2025, một số ngân hàng đã tung ra các gói vay ưu đãi, đặc biệt hướng đến người trẻ và người có thu nhập trung bình. Tăng trưởng tín dụng trong năm được dự báo đạt 16%, là mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định: “Những thay đổi về lãi suất và tín dụng đang tái kích hoạt dòng tiền cá nhân – một yếu tố rất quan trọng cho sự hồi phục bền vững. Nếu so sánh, đây là thời điểm có những đặc điểm tương đồng với giai đoạn 2014 – khi thị trường bắt đầu hồi phục mạnh sau chu kỳ trầm lắng”.
Thị trường bất động sản trong quý I.2025 đang có nhiều yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô, chính sách và dòng tiền. Dù vẫn còn những biến động cần theo dõi, nhưng với chiến lược đầu tư bài bản, phân tích dữ liệu kỹ lưỡng và chọn đúng phân khúc, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một chu kỳ phục hồi tích cực trong thời gian tới.