Thị trường bất động sản: 'Bão' dần tan, kỳ vọng giai đoạn tăng trưởng mới

Chuyên gia cho rằng từ kinh nghiệm các thời kỳ 2004-2007 và 2014-2018, sau thời trầm lắng, cùng với sự thay đổi theo hướng hỗ trợ của hệ thống thể chế, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ có giai đoạn tăng trưởng.

Nhiều chỉ dấu tích cực của thị trường BĐS

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm, trên thị trường BĐS có nhiều tín hiệu tích cực.

Theo đó, trong 6 tháng qua, nguồn cung nhà ở thương mại có 18 dự án hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có 32 dự án hoàn thành, 16 dự án được cấp phép mới và 519 dự án đang triển khai.

Về giá giao dịch, đối với giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến thời điểm hiện tại, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.

Ngoài ra, giá bán tăng ở các phân khúc nhà ở riêng lẻ và đất nền giá giao dịch cũng có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do giá bán căn hộ chung cư tăng cao và nguồn hàng khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng tăng mạnh.

Thị trường bất động sản dần tích cực

Thị trường bất động sản dần tích cực

Điểm nổi bật trên thị trường BĐS thời gian qua có thể thấy, dù giá tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng giao dịch thành công vẫn tăng cao.

Cụ thể, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, 6 tháng qua, có khoảng trên 253.000 giao dịch thành công, bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023. Lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.

Sôi động nhất trên thị trường BĐS trong 6 tháng đầu năm là chung cư Hà Nội. Nhu cầu tìm mua chung cư ở thủ đô đạt đỉnh vào tháng 3.2024, tăng gần 60% so với cuối 2023. Chung cư hiện vẫn là loại hình BĐS có thanh khoản tốt nhất thị trường.

Theo số liệu của CBRE, mặt bằng giá bán chung cư tại Hà Nội đang ngày càng tiệm cận mức giá ghi nhận được tại TP.HCM ở cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Tại thị trường sơ cấp, giá bán trung bình chung cư Hà Nội đạt xấp xỉ 60 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế GTGT và phí bảo trì), chỉ thấp hơn 3 triệu đồng so với mức giá trung bình hiện tại của TP.HCM. So với quý trước, giá bán đã tăng 6,5% và tăng gần 25% theo năm.

CBRE dự báo thị trường bất động sản gắn liền với đất tại Hà Nội trong nửa sau năm 2024 được kỳ vọng sẽ sôi động hơn với sự ra mắt của các dự án khu đô thị quy mô lớn ở phía tây và phía bắc của Hà Nội, khiến nguồn cung mở bán mới và mặt bằng giá bán dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với nửa đầu năm.

Thị trường BĐS bước vào giai đoạn tăng trưởng mới

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) kỳ vọng các luật liên quan đến thị trường BĐS có hiệu lực sớm, cũng như các văn bản hướng dẫn luật đang được tích cực xây dựng sẽ khơi thông được nhiều vướng mắc của thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch, đầu tư..., đồng thời tăng tính minh bạch của thị trường.

"BĐS là lĩnh vực có liên quan đến nhiều ngành nghề trong nền kinh tế. Khi thị trường BĐS được khơi thông, khởi sắc thì nền kinh tế cũng hưởng lợi", ông Thịnh nói.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận xét: Nguồn cung phục hồi, giá bán tiếp tục đà tăng và thanh khoản tích cực là các tín hiệu đáng mừng của thị trường BĐS nhà ở trong nửa đầu năm 2024.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam

Trong nửa cuối năm 2024, những dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam và nỗ lực đưa các luật sửa đổi mới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai sớm đi vào hiệu lực từ tháng 8.2024 sẽ góp phần củng cố tâm lý của nhà đầu tư và khơi thông các vướng mắc về mặt pháp lý.

"Tuy nhiên các chính sách vẫn luôn có độ trễ nhất định, Do đó, năm 2025 sẽ chứng kiến sự phục hồi rõ nét hơn của thị trường nhà ở, về cả nguồn cung, chất lượng sản phẩm và mức giá bán", bà Dung lưu ý.

PGS-TS Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng thị trường BĐS năm 2024 giống với năm 2014 nhiều hơn so với năm 2004.

“Năm 2014, dưới tác động của Luật Đất đai 2013, thị trường BĐS đã có những chuyển biến mạnh mẽ đến tháng 4.2014. Tuy nhiên, do nhiều lý do, thị trường đã điều chỉnh và đến năm 2015 mới tăng trưởng đúng kỳ vọng trong lĩnh vực BĐS”, ông Chung nêu.

Ông Chung cho rằng thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2024 được kỳ vọng có bước tăng trưởng mới.

Cụ thể, bộ ba Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 sẽ có hiệu lực thi hành sớm, khiến trạng thái chờ của thị trường BĐS được rút ngắn 5 tháng. Đặc biệt, Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, áp dụng kể từ ngày Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành. Theo đó, thị trường BĐS sẽ có hiệu ứng với các văn bản pháp luật mới sớm hơn 5 tháng so với quy định của các luật lúc thông qua.

PGS-TS Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

PGS-TS Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Cũng theo ông Chung, giai đoạn tới cũng vọng về một luồng vốn FDI lớn sẽ vào Việt Nam tác động tích cực vào thị trường BĐS công nghiệp; đầu tư công sẽ được đẩy nhanh… khiến thị trường BĐS hưởng lợi.

“Lượng giải ngân lớn sẽ thúc đẩy cầu cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS; các công trình liên kết với các dự án đầu tư công sẽ nhận được cú hích; các dự án khai thác địa bàn lân cận các công trình hạ tầng sẽ được thúc đẩy”, ông Chung nói.

Ngoài ra, ông Trần Kim Chung cho rằng sau thời kỳ trầm lắng (từ tháng 4.2022), thị trường đã tích lũy được một lượng đủ lớn nguồn lực để phục hồi. Kinh nghiệm các thời kỳ 2004-2007 và 2014-2018 cho thấy, sau giai đoạn trầm lắng, cùng với sự thay đổi theo hướng hỗ trợ của hệ thống thể chế, thị trường sẽ tăng trưởng.

Hoài Lam

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thi-truong-bat-dong-san-bao-dan-tan-ky-vong-giai-doan-tang-truong-moi-219529.html
Zalo