Thị trường bảo hiểm xe chưa thể phát triển khi gian lận còn 'đất diễn'
Tình trạng gian lận bảo hiểm xe ngày càng phổ biến, khi người mua, người bán và cả giám định viên cùng 'bắt tay' trục lợi từ những bộ hồ sơ được dàn dựng khéo léo...

Dù đã nhiều lần bị thanh tra và xử phạt, vi phạm trong công tác bồi thường bảo hiểm xe cơ giới vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí ngày càng tinh vi. Không chỉ có doanh nghiệp “lách luật”, thị trường còn chứng kiến không ít chiêu trò gian lận đến từ chính khách hàng.
HÀNG LOẠT SAI PHẠM ĐƯỢC ĐƯA RA
Mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm Hàng không (VNI), số tiền phạt là 260 triệu đồng.
Cụ thể, phạt 180 triệu đối với hành vi trích lập dự phòng không đúng quy định của pháp luật, phạt 50 triệu đồng do hành vi chậm giải quyết bồi thường cho khách hàng. VNI còn bị phạt 30 triệu đồng do thông tin số liệu trong báo cáo không đầy đủ, chính xác.
Quyết định này giao cho ông Nghiêm Xuân Thái, là người đại diện theo pháp luật của Bảo hiểm VNI để chấp hành.
Trước đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã công bố kết luận thanh tra đối với Bảo hiểm VNI. Hàng loạt tồn tại, vi phạm liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới như công tác bồi thường, việc trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đã được nhà chức trách chỉ ra.
Đối với bảo hiểm sức khỏe, VNI đã hạch toán giảm chi phí trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với phần nhượng tái bảo hiểm, số tiền gần 120 tỷ đồng chưa phù hợp với quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ.
Kết luận thanh tra nêu rõ, có 338 hồ sơ bồi thường VNI đã giải quyết xong trong năm 2023, tuy nhiên VNI vẫn thực hiện trích lập dự phòng đối với các hồ sơ đã giải quyết bồi thường nêu trên, chưa đúng quy định tại thông tư số 67/2023. Số tiền đã trích lập dự phòng là hơn 1,3 tỷ đồng.
Có 8 hồ sơ bồi thường VNI trích lập dự phòng không tương ứng với số liệu tổn thất. Ngoài ra, có 82 hợp đồng bảo hiểm chưa trích lập dự phòng phí chưa được hưởng.
Có 116 hồ sơ bồi thường đã phát sinh thông báo hoặc đã yêu cầu bồi thường trong năm 2023 nhưng chưa thực hiện trích lập dự phòng bồi thường. 220 hồ sơ bồi thường đã phát sinh thông báo hoặc đã yêu cầu bồi thường, tuy nhiên do việc thực hiện giám định hoặc báo cáo giám định phát sinh sau thời điểm 31/12/2023, nhưng VNI chưa thực hiện trích lập dự phòng bồi thường.
Đối với hành vi vi phạm chậm giải quyết bồi thường cho khách hàng, kết luận thanh tra chỉ rõ, thời gian xử lý bồi thường, tạm ứng bồi thường và thanh toán bồi thường cho chủ xe cơ giới rất chậm.
Khi chọn 5 mẫu hồ sơ theo báo cáo của VNI, có trường hợp mất hơn 300 ngày để giải quyết, thậm chí có hồ sơ kéo dài tới 544 ngày hoặc lâu nhất là 607 ngày. Trong khi thời hạn theo quy định chỉ từ 15 đến 30 ngày.
Bên cạnh đó, thanh tra thấy VNI thực hiện không đúng quy định về trách nhiệm lập và gửi báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, báo cáo tổng hợp nghiệp vụ năm 2023 của VNI không có thông tin, số liệu chi tiết về trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với từng nghiệp vụ thuộc bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm cháy, nổ.
Theo báo cáo của bảo hiểm VNI, năm 2023 công ty đã phát sinh doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới là hơn 625 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy đạt hơn 110 tỷ, còn của chủ xe ô tô là gần 515 tỷ đồng.
Còn đối với công tác bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, năm 2023, VNI đã giải quyết 2.017 hồ sơ bồi thường, tương ứng số tiền bồi thường là 108,5 tỷ đồng. Trong đó, 66 hồ sơ xe máy (bồi thường 4,4 tỷ) và 1.951 ô tô (tiền bồi thường 104,1 tỷ đồng).
Đáng chú ý, khoản chi bồi thường cho bảo hiểm xe máy của VNI rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 4% doanh thu loại hình bảo hiểm bắt buộc này.
Không riêng gì Bảo hiểm VNI, theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Công ty Bảo hiểm Liên hiệp (UIC) - với sự góp vốn của ba "ông lớn" trong và ngoài nước là Bảo hiểm Bảo Minh (Việt Nam), Bảo hiểm Sompo Japan (Nhật Bản) và Bảo hiểm KB (Hàn Quốc) - cũng có nhiều sai phạm trong năm 2023. Theo đó, thanh tra phát hiện hãng bảo hiểm này đã tự ý "xén" bớt số tiền bồi thường thiệt hại không đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, sau khi bị tai nạn, có người đã yêu cầu bồi thường bảo hiểm, thay vì chi trả gần 40 triệu đồng thiệt hại về tài sản, công ty lại tự ý “cắn bớt” 50%, với lý do khách hàng "va chạm với bên thứ ba, không có hồ sơ công an giao thông”.
Có một hồ sơ khác, công ty cũng áp dụng giảm trừ 15% số tiền bồi thường cho khách hàng, với lý do khấu hao tài sản.
Về bảo hiểm vật chất xe ô tô, Bảo hiểm Liên hiệp đã tự “cắn” bớt tiền của khách đối với bốn hồ sơ bồi thường, mức giảm trừ 30%.
Điển hình, một khách hàng bị tai nạn xe, thiệt hại tài sản thuộc phạm vi bảo hiểm là hơn 75 triệu đồng, công ty chỉ trả 58 triệu đồng.
KHI NGƯỜI MUA VÀ NGƯỜI BÁN CÙNG… LÁCH LUẬT
Trên thị trường bảo hiểm xe cơ giới, chuyện vi phạm trong công tác bồi thường dường như đã trở thành “căn bệnh mãn tính”. Không ít người trong ngành thừa nhận, đây không phải là vấn đề mới mẻ, mà thực tế đã tồn tại nhiều năm.
Những cuộc thanh tra chuyên đề trước đây từng phanh phui hàng loạt sai phạm, buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu xử phạt hành chính, đồng thời bị yêu cầu rà soát, chấn chỉnh quy trình nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra mới nhất, các sai phạm vẫn tiếp tục tái diễn với quy mô và tính chất không hề thuyên giảm.
Không chỉ từ phía các công ty bảo hiểm, những hành vi gian lận còn đến từ chính... khách hàng. Một lãnh đạo doanh nghiệp khác thẳng thắn cho biết: “Có những trường hợp khách hàng và đại lý bảo hiểm bắt tay nhau để qua mặt hệ thống. Xe tai nạn nhưng không mua bảo hiểm tổn thất, hoặc bảo hiểm đã hết hạn từ lâu – vậy là họ tìm cách lùi ngày hiệu lực bảo hiểm, hoặc thay đổi ngày xảy ra tai nạn để hợp thức hóa hồ sơ”.
Thậm chí, một số chủ xe còn “cao tay” hơn khi cấu kết với giám định viên để... “phù phép” hồ sơ bồi thường. Họ khai khống thiệt hại, kê tăng số lượng phụ tùng bị hư hỏng hoặc nâng mức độ tổn thất nhằm hưởng số tiền bồi thường cao hơn thực tế. Những chiêu trò này đặc biệt phổ biến ở các hợp đồng bảo hiểm vật chất xe và bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ ba.
Một cán bộ giám định tiết lộ thêm: “Có khách hàng đưa xe vào xưởng, tự ý tháo dỡ phụ tùng, rồi thay vào đó những bộ phận hư cũ từ trước, sau đó mới gọi chúng tôi đến giám định. Có trường hợp còn móc nối cả chủ xưởng và giám định viên để làm đẹp hồ sơ".
Những hành vi tinh vi, có tổ chức như vậy đang khiến thị trường bảo hiểm xe cơ giới ngày càng méo mó, làm giảm niềm tin của những khách hàng chân chính và gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giữ gìn sự minh bạch, công bằng của thị trường.