Thị trường bán lẻ 'vượt chướng ngại vật'
Trong năm 2024, ngành bán lẻ đã đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với tỷ trọng luôn duy trì từ 60 - 70% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao ở châu Á và xếp thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.
Chuyển động khởi sắc hơn
Bà Lê Việt Nga, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, từ khi đất nước mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là từ khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hệ thống phân phối Việt Nam (bao gồm cả bán buôn, bán lẻ, đại lý thương mại hàng hóa và nhượng quyền thương mại) đã từng bước hiện đại hóa, tiệm cận với chuẩn mực của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, đến cuối năm 2024, các hệ thống phân phối, bán lẻ do doanh nghiệp Việt Nam sở hữu đã lớn mạnh không ngừng. Điển hình là 3 doanh nghiệp phân phối uy tín về bán lẻ, gồm Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan) và Bách Hóa Xanh (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động). Trong đó, Saigon Co.op là một trong 3 đơn vị bán lẻ tạp hóa nội có thị phần lớn nhất Việt Nam, xét theo doanh thu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành bán lẻ vẫn đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ thuật nên sự tăng trưởng không đồng đều. Việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp cho lao động trong ngành bán lẻ đang là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt. Ngoài ra, áp lực chuỗi cung ứng; logistics có chất lượng; đáp ứng số lượng và thời gian sản phẩm ra thị trường cũng đang là thách thức không nhỏ. Đặc biệt, thị phần của khu vực kinh tế trong nước trong kênh bán lẻ hiện đại có xu hướng giảm.
Vượt khó để chạm “đỉnh của kỳ vọng”
Trong năm 2025, ngành bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2025 với mức tăng trưởng được duy trì khoảng 12,05%. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam chia sẻ, các xu hướng mới từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử, đến sự phân hóa hành vi tiêu dùng không chỉ hình thành lại thị trường, mà còn tạo ra cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh, nắm chắc sự chuyển đổi xu hướng tiêu dùng để đáp ứng cho phù hợp; Phối hợp trực tiếp với các nhà sản xuất để lựa chọn sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, cạnh tranh trên thị trường lành mạnh. Đồng thời, phối hợp với các sở đào tạo để tuyển dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong xu hướng hội nhập.
Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, năm 2025 sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt, định hình lại thị trường bán lẻ. Khái niệm “xanh hóa” còn được tích hợp với “số hóa”, AI hóa, góp phần hình thành mô hình kinh doanh đa kênh-nơi mà ranh giới giữa mua sắm trực tuyến và tại cửa hàng sẽ ngày càng được rút ngắn. Các công nghệ mới như AI, điện toán nhận thức (Cognitive Comuting) đang ở giai đoạn “đỉnh của kỳ vọng” mang đến cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện tổ chức, cơ cấu sản phẩm, trải nghiệm khách hàng, dự đoán xu hướng mua sắm và thói quen của người tiêu dùng... giúp giảm thiểu tối đa chi phí đầu tư hạ tầng và tăng độ linh hoạt cho doanh nghiệp khi mở rộng hoạt động. Do đó, trong chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững và lâu dài, ứng dụng công nghệ và nâng cao trải nghiệm khách hàng đang được đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, TS. Tô Thị Thùy Trang, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường bằng giải pháp đa kênh bán hàng, hay đồng bộ hệ thống phân phối đa kênh không thể không chuyển đổi số trong phân phối, bán lẻ; chú trọng hoạt động marketing kể cả kênh truyền thống và hiện đại, bởi đó là điểm tạo ra sự lan tỏa sản phẩm tốt ra bên ngoài. Đồng thời, cần có các chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử và kênh bán lẻ hiện đại nhằm tạo sân chơi công bằng, bảo vệ các thương nhân trong nước và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa.
Cùng chung nhận định này, bà Lê Việt Nga cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh thực thi và xây dựng mới cơ chế, chính sách, pháp luật, đối sách mới để bảo vệ thị trường phân phối trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển và phù hợp với các cam kết quốc tế. Tập trung vào giải quyết các vấn đề cạnh tranh đang nổi cộm tại thị trường trong nước giữa các kênh phân phối (đặc biệt là trên không gian mạng và tại các chợ truyền thống), tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực phân phối, bảo vệ người tiêu dùng. Ban hành các chiến lược về phát triển ngành phân phối Việt Nam (bán buôn, bán lẻ) trong tình hình mới.