Thị trấn phố núi hút khách nhờ… động đất

Sống ở nơi mặt đất rung chuyển hằng ngày nên người dân Măng Đen (Kon Plông, Kon Tum) từ chỗ hốt hoảng, đến nay đã dần thích nghi. Cũng nhờ động đất, khách du lịch tò mò và tìm đến nơi đây ngày một đông.

"Sống chung" với động đất

Chỉ trong 2 ngày 28 - 29/7, Kon Tum ghi nhận 21 trận động đất, trong đó trận có cường độ lớn nhất là 5 độ richter.

Thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng nằm cách trung tâm huyện Kon Plông (Kon Tum) khoảng 50km - nơi vừa xảy ra trận động đất 5 độ richter.

Thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng nằm cách trung tâm huyện Kon Plông (Kon Tum) khoảng 50km - nơi vừa xảy ra trận động đất 5 độ richter.

Thị trấn Măng Đen ẩn mình giữa đại ngàn Trường Sơn, vốn được mệnh danh là "Đà Lạt 2" bỗng trở thành tâm điểm của dư luận khi thời gian qua báo chí liên tục đưa tin về dư chấn của hàng loạt trận động đất gần đây.

Hiện tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi đã kiến nghị Chính phủ quy hoạch tuyến cao tốc nối biển với rừng và trung điểm của dự án nằm ở Măng Đen. Tỉnh Kon Tum còn đề xuất dự án sân bay Măng Đen để phát triển du lịch. Đó cũng là mục tiêu xây dựng Măng Đen thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, khu vực.

Ông Nguyễn Văn Hà, chủ một nhà nghỉ ở thị trấn Măng Đen cho biết, trên địa bàn từng có nhiều trận động đất xảy ra. Người dân địa phương cũng quen dần, nên nhà cửa, đồ dùng trong nhà đều được thiết kế, lắp đặt chắc chắn để ứng phó với những rung lắc.

Ông Huỳnh Đức Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Bạch Dương Măng Đen (chủ homestay Bạch Dương) cho biết, từ ngày xảy ra tình trạng động đất, ông đã cho xây dựng hạ tầng kiên cố hơn.

"Hiện tại Măng Đen đang mùa cao điểm của khách du lịch. Dịp 2/9 sắp tới, homestay Bạch Dương đã được khách đặt phòng kín, đa phần là những người trẻ. Nhiều người đến Măng Đen không chỉ để nghỉ dưỡng, khám phá phố núi giữa đại ngàn, mà còn muốn một lần trải nghiệm "làng động đất" ra sao", ông Toàn nói.

Cũng chỉ mới đây thôi, ngành du lịch tại đây bỗng nhiên hút khách đến lạ kỳ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024, thị trấn đón hơn 700.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, năm 2024, huyện Kon Plông sẽ đón 1,2 triệu lượt khách doanh thu ước khoảng 240 tỷ đồng.

Du khách ùn ùn đổ về

Ông Bùi Viết Hà, Chủ tịch hiệp hội du lịch Kon Plông cho hay, nguồn khách đến Măng Đen chủ yếu ở gần, chẳng hạn như khu vực miền Trung - Tây Nguyên, di chuyển bằng ô tô. Tuy nhiên, cũng có nhiều khách từ Hà Nội, TP.HCM và cả nước ngoài cũng tìm đến đây. "Họ cho rằng động đất là một trải nghiệm mới, có thể đó là sức hút mới của du lịch tại Măng Đen", ông Hà nói.

Rừng thông Măng Đen là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Rừng thông Măng Đen là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Theo ông Hà, Măng Đen ngày càng hút khách du lịch là nhờ thiên nhiên ưu ái một phần, phần nữa là khi đến đây, có thể cảm nhận độ rung rinh nhẹ của động đất.

"Nhiều năm trước, khi các doanh nghiệp và tôi đến đây đầu tư cũng đã nghiên cứu về việc có thể xảy ra động đất. Quá trình đầu tư, chúng tôi đã kiên cố hóa để đảm bảo công trình an toàn, bảo vệ tài sản và giúp du khách an tâm", ông Hà lý giải.

Theo ông Hà, du lịch Măng Đen không có đủ sự xa hoa, sang trọng và nhiều tiện ích như những điểm đến lớn. Tuy nhiên thiên nhiên, khí hậu và cảnh quan lại là lợi thế mà ít nơi nào có được.

"Để chuẩn bị đón lượng du khách về với Măng Đen ngày càng nhiều, chính quyền, người dân, doanh nghiệp đang gấp rút tạo ra các sản phẩm du lịch mới. Chẳng hạn, như thành lập các làng du lịch cộng đồng, hướng dẫn đồng bào bản địa tham gia làm du lịch bền vững", ông Hà thông tin.

Điểm đến du lịch sinh thái

Ông Phạm Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, hiện Măng Đen có khoảng 100 cơ sở lưu trú với quy mô hơn 1.000 phòng khách sạn, homestay. Ngoài ra, có thể tận dụng thêm các phòng nghỉ tại các làng du lịch cộng đồng nếu khách tăng cao. Với lợi thế tự nhiên về thổ nhưỡng, cảnh quan và khí hậu, tỉnh Kon Tum định hướng phát triển Măng Đen là điểm đến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa kết hợp nông nghiệp.

Phố núi Măng Đen ẩn mình dưới những hàng thông.

Phố núi Măng Đen ẩn mình dưới những hàng thông.

"Hiện nay, các công trình xây dựng ở đây đều đạt chuẩn để phòng tránh rủi ro. Trong đó, có việc quy định xây dựng kết cấu hạ tầng đảm bảo chống được ảnh hưởng động đất", ông Thắng nói.

Thị trấn Măng Đen nằm trên cao nguyên và cũng là dải phân cách chính giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, thuộc địa phận huyện Kon Plông. Măng Đen nằm ở độ cao khoảng 1.300m với khí hậu mát mẻ trong lành.

Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp từng có ý định xây dựng nơi này thành khu nghỉ dưỡng như Sa Pa, Đà Lạt. Họ đã trồng rất nhiều cây thông 3 lá, loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Nhờ vậy, Măng Đen bây giờ không chỉ có rừng nguyên sinh bạt ngàn mà còn được bao bọc bởi những cánh rừng thông xanh mướt.

Cùng đó, quốc lộ 24 nối biển Quảng Ngãi với rừng vắt mình qua vùng đất tạo nên một địa thế thuận lợi để biến nơi đây thành "cái rốn" của du lịch ở khu vực.

Hơn chục năm trước, từ trung tâm Kon Tum theo quốc lộ 24 lên đến Măng Đen rất khó khăn vì đường quanh co, nhiều đèo dốc. Còn trung tâm huyện Kon Plông lưa thưa vài căn nhà, hàng quán lèo tèo khách. Đến nay, quốc lộ 24 về Măng Đen đã được bạt núi, phá đá thông tuyến với cung đường dài hơn 30km, rộng 10m.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, để phát triển du lịch, điều quan trọng là con đường huyết mạch từ Quảng Ngãi lên.

"Nếu có cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, Măng Đen sẽ là "cái túi" đón khách ở duyên hải miền Trung. Người miền Bắc và miền Nam có thể đáp máy bay về sân bay Chu Lai, trưa thưởng thức hải sản, tắm biển ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đến chiều, chỉ cần 2 tiếng ngược cao tốc là đến được với Măng Đen thơ mộng", ông Hà nói.

Bốn năm, xảy ra hơn 700 trận động đất

Từ tháng 4/2021 đến nay, huyện Kon Plông và vùng lân cận xảy ra hơn 700 trận động đất gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, tinh thần của người dân vùng tâm chấn.

Mới nhất, ngày 28/7, tại xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông xảy ra trận động đất 5 độ richter. Tuy nhiên chính quyền cho biết, người dân đã quen với những trận động đất như vậy.

Viện Vật lý địa cầu xác định, các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Tạ Vĩnh Yên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thi-tran-pho-nui-hut-khach-nho-dong-dat-192240816001012185.htm
Zalo