Thi thử, đánh giá thật
Trong 2 ngày 10 - 11/4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Kỳ thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) cho học sinh lớp 12 trên toàn thành phố.

Kỳ thi thử là dịp để học sinh làm quen với kỳ thi chính thức
Đảm bảo nghiêm túc
Sáng 10/4, hơn 13.478 học sinh ở 39 trường THPT và 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố bước vào kỳ thi. Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, chia sẻ trước giờ thi, em Nguyễn Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 12C2 cho hay: “Suốt tháng nay, em ôn tập thật tốt để chuẩn bị cho kỳ thi thử này. Đây là cơ hội để em có thể đánh giá được năng lực của bản thân cũng như làm quen với dạng đề mới, cách làm bài thi".
Theo ghi nhận, công tác tổ chức thi thử được tổ chức nghiêm túc như thi thật, đảm bảo đánh giá đúng năng lực của học sinh. Các trường thực hiện các quy trình tổ chức thi đúng như quy trình Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra trong tháng 6. Công tác xếp phòng thi và sao in đề thi, coi thi được thực hiện theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT được ban hành tại Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 và hướng dẫn tại Công văn số 1239/BGDĐT-QLCL ngày 24/3/2025 của Bộ GD&ĐT, phiếu trả lời trắc nghiệm cũng theo mẫu mới nhất của Bộ GD&ĐT.
Thầy giáo Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho biết, nhà trường tổ chức quy trình thi thử đúng theo Thông tư 24. Việc tổ chức nghiêm túc kỳ thi nhằm đảm bảo đánh giá đúng chất lượng, năng lực của học sinh. “Kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới, các em học sinh cần được thi thử để đánh giá năng lực ở mức độ nào, từ đó, tăng tốc cho quá trình ôn tập tiếp theo. Quy chế thi cũng có nhiều điểm mới nên các trường, giáo viên cũng cần được tập dượt trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, coi thi, chấm thi để thực hiện đúng trong kỳ thi chính thức”, thầy Ngô Đắc Dũng nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tại hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD&ĐT mới tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành tổ chức thi thử đối với 100% học sinh. Tinh thần tổ chức thi thử nhưng vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả thi thử để phân loại, bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh. Thi thử cũng là dịp để giáo viên làm quen với phương thức thi mới.

Cán bộ Sở GD&ĐT kiểm tra công tác tổ chức Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT 2025
Đợt tập dượt quan trọng
Ở TP. Huế, năm nào Sở GD&ĐT cũng tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT để giúp học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài và tự đánh giá năng lực học tập để có kế hoạch tự ôn tập. Đồng thời, giúp các đơn vị đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập cụ thể phù hợp hơn cho từng đối tượng học sinh, chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, do tính chất của kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới, công tác tổ chức Kỳ thi thử càng được chú trọng.
Từ tháng 3/2025, Sở GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025, cung cấp cho các trường phần mềm hướng dẫn cách lập danh sách phòng thi, cách xếp phòng thi đảm bảo các lượt thi của 2 bài thi lựa chọn. Sở GD&ĐT cũng quán triệt với lãnh đạo các cơ sở giáo dục những nội dung chính cần quan tâm để tổ chức Kỳ thi thử nghiêm túc, khoa học, từ công tác chuẩn bị, hướng dẫn đối với học sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất cho quá trình sao in đề, tổ chức coi thi… Về đề thi, Sở GD&ĐT huy động các chuyên viên, giáo viên cốt cán ra đề. Đề thi theo định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GD&ĐT.
Theo ông Nguyễn Vinh Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cấu trúc định dạng câu hỏi năm nay khác so với những năm trước. Những năm trước chỉ có một dạng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn thì năm nay có đến 3 dạng theo định dạng của Bộ GD&ĐT, gồm: Dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, dạng trắc nghiệm đúng sai và dạng trắc nghiệm trả lời ngắn. Cách tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm 3 dạng câu hỏi này cũng khác, đặc biệt là dạng câu trả lời ngắn. Học sinh sẽ phải làm quen với 3 cái dạng câu hỏi này và cách tô kết quả. Đây cũng là dịp để học sinh làm quen với các thiết bị được mang vào phòng thi. Năm nay, theo quy chế mới, học sinh không được sử dụng Atlat địa lý trong quá trình làm bài.
Về cấu trúc, nội dung câu hỏi, chương trình mới với cách đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh thì bộ câu hỏi cũng được thiết kế theo kiểu như vậy. Với môn ngữ văn, kỳ thi thử cũng là lần “test” cuối cùng để học sinh làm quen cách sử dụng các ngữ liệu mới, khác với ngữ liệu học sinh được học trong sách giáo khoa. Học sinh phải biết cách khai thác, phân tích những ngữ liệu mới.
Sau khi tổ chức thi thử, Sở GD&ĐT tiến hành phân tích để đánh giá kết quả của học sinh. Sở sẽ có bảng tổng hợp chung, từ đó, các trường đối sánh để thấy trường mình ở mức độ nào so với mặt bằng chung để điều chỉnh quá trình hỗ trợ, phương pháp ôn tập cho học sinh trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là một kênh để phụ huynh biết sức học của con em mình để có định hướng, đầu tư phù hợp.
Ông Nguyễn Vinh Hưng cho biết, những năm qua, Sở đã chỉ đạo các trường quan tâm đến phổ điểm. Việc tăng phổ điểm các môn là mục tiêu quan trọng giúp học sinh Huế tăng năng lực cạnh tranh với học sinh ở những tỉnh, thành khác để có thể đậu vào trường đại học tốt hơn. “Sở GD&ĐT muốn tạo tâm thế tốt nhất cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Khi các em được làm quen thì sẽ không bỡ ngỡ, thoải mái khi đi thi, ít nhất là trong quy trình làm bài, tránh vi phạm quy chế thi. Đợt thi thử này cũng tạo ra giai đoạn tăng tốc để ôn tập cho học sinh”, ông Hưng nhấn mạnh.