Thí sinh tham dự nhiều kỳ thi riêng để xét tuyển đại học: Lợi hay hại?

Trong mùa tuyển sinh năm 2023, bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, các trường đại học còn tổ chức nhiều kỳ thi riêng khiến thí sinh không khỏi hoang mang, khó lựa chọn.

Hiện có gần 80 trường công bố phương án tuyển sinh năm 2023, trong đó 9 trường đại học, đại học quyết định tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (gọi chung là kỳ thi riêng) để xét tuyển đầu vào bao gồm: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, kỳ thi của Bộ Công an.

Việc có thêm nhiều kỳ thi riêng độc lập với kỳ thi tốt nghiệp một mặt sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội vào đại học song đồng thời cũng dễ dẫn đến việc ôn thi bị phân tán, gây căng thẳng mà hiệu quả lại không cao nếu thí sinh tham dự quá nhiều kỳ thi riêng.

Để lưu ý với các trường trong công tác tổ chức cũng như lưu ý thí sinh khi tham dự kỳ thi riêng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn vừa có những chia sẻ về vấn đề này.

Thí sinh cần tỉnh táo lựa chọn kỳ thi riêng phù hợp nhất để tránh hoang mang, quá tải.

Thí sinh cần tỉnh táo lựa chọn kỳ thi riêng phù hợp nhất để tránh hoang mang, quá tải.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện nay, đa số các trường vẫn tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Chỉ thí sinh muốn thi vào những trường, ngành cạnh tranh cao mới lựa chọn 1 đến 2 kỳ thi để tăng cơ hội đỗ. "Thí sinh thi nhiều hơn chưa chắc thêm được cơ hội. Chỉ cần điểm thi tốt nghiệp THPT cùng với điểm của một kỳ thi riêng là đủ".

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trước hết, nhìn nhận dưới góc độ thí sinh, việc các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng sẽ tạo thêm cơ hội cho thí sinh, em nào mong muốn có thêm cơ hội có thể đăng ký tham gia thêm. Tuy nhiên, đa số các trường vẫn tiếp tục xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành có tính cạnh tranh cao mới nên lựa chọn tham gia 1 hoặc 2 kỳ thi.

Năm nay, có một số kỳ thi riêng mang tính đặc thù cao như kỳ thi khối các trường công an quân đội, thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm. Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội thiên về mảng kỹ thuật, kỳ thi riêng có tính dùng chung nhiều hơn như thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý: "Thí sinh không cần tham gia nhiều kỳ thi, khi thi quá nhiều chưa chắc các em đã có thêm cơ hội. Thí sinh chỉ cần xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp và điểm của 1 kỳ thi riêng là hoàn toàn đủ".

Ở góc độ cơ sở đào tạo, các trường tổ chức các kỳ thi riêng vì một số ngành có tính cạnh tranh cao cần có thước đo đánh giá có độ tin cậy cao hơn, phù hợp với yêu cầu của trường mình. Các trường cũng sẽ thấy nếu tổ chức 1 kỳ thi mà kết quả đó không được nhiều trường khác sử dụng, không hiệu quả thì cũng sẽ không có nhiều thí sinh dự thi.

Các trường tổ chức kỳ thi riêng trong khi vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có đúng với tinh thần giảm gánh nặng thi cử?

Theo TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), việc tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng trong nhiều năm qua. "Nhiều trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong khi vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này liệu có đúng với tinh thần giảm gánh nặng thi cử cho người học?".

Trước băn khoăn về việc các trường có xu hướng mở các kỳ thi riêng trong tương lai sẽ khiến thí sinh hoang mang, khó lựa chọn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, trong một vài năm tới sẽ không có quá nhiều kỳ thi, xu hướng nở rộ các kỳ thi riêng cũng sẽ không xảy ra. Bởi chắc chắn các trường khi tổ chức sẽ phải tính đến tính hiệu quả trong công tác tổ chức cũng như xét tuyển, sẽ chỉ còn một phần rất nhỏ các trường đứng ra tổ chức.

"Định hướng của Bộ GD&ĐT là các trường nên thống nhất và dừng lại ở một vài kỳ thi, kết quả đó thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Không nên sa lầy ở lò luyện thi

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, tâm lý của một thí sinh là khi bước vào kỳ thi, việc đầu tiên sẽ nghĩ là mình cần luyện thi ở đâu, sẽ ôn tập như thế nào để đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, bài thi Đánh giá năng lực không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa mà hoàn toàn kiểm tra năng lực và kiến thức của thí sinh. "Đề thi là rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú. Tôi có thể cam kết rằng không một trung tâm nào, một đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi hết đối với bộ đề thi khổng lồ của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vì vậy, thí sinh cần có một kế hoạch học tập nghiêm túc, nghiêm chỉnh và nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình trung học phổ thông chứ không nên sa lầy ở lò luyện thi.

Qua thống kê những năm vừa qua, những học sinh bị sa lầy vào trung tâm luyện thi gây lãng phí về thời gian và kinh tế, dễ rơi vào tình trạng học lệch, học tủ; kết quả là nhiều em chỉ đạt điểm ở mức trung bình.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thi-sinh-tham-du-nhieu-ky-thi-rieng-de-xet-tuyen-dai-hoc-loi-hay-hai-16923021515072031.htm
Zalo