Thí sinh không cần ôn luyện riêng khi dự Kỳ thi đánh giá năng lực độc lập

Thí sinh yên tâm tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực độc lập của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mà không cần ôn luyện riêng.

Thí sinh tham dự Kỳ thi độc lập của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2024.

Thí sinh tham dự Kỳ thi độc lập của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2024.

3 điểm nhấn nổi bật

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh 3 điểm nổi bật của Kỳ thi đánh giá năng lực độc lập của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (SPT):

Thứ nhất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thiết kế kỳ thi bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời có tác động tích cực đến quá trình dạy – học tại phổ thông.

Thứ hai, học sinh không cần ôn luyện riêng mà vẫn yên tâm tham dự kỳ thi với kiến thức được học chính khóa;

Thứ ba, kỳ thi SPT tổ chức theo từng môn, phù hợp với định hướng học theo môn – thi theo môn.

 GS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.

GS.TS Nguyễn Ngọc Hà đề xuất, thời gian tới, việc thiết kế đề thi, chấm điểm và trả điểm nên “hồi quy theo từng môn” nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đối tác khi sử dụng kết quả thi để xét tuyển theo những cách thức linh hoạt, phù hợp với mục tiêu đào tạo riêng của từng đơn vị.

Để hỗ trợ tối đa cho công tác tuyển sinh tại các đơn vị đối tác, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã hoàn thiện hệ thống dữ liệu chia sẻ, cấp tài khoản truy cập riêng cho từng trường, đảm bảo công khai – minh bạch – bảo mật trong việc tra cứu, thống kê và xét tuyển. Các trường có thể theo dõi hồ sơ thí sinh theo thời gian thực, truy cập dữ liệu kết quả thi SPT và điểm quy đổi (ĐX3) phục vụ xét tuyển nội bộ.

“SPT đã và đang trở thành một phương thức tuyển sinh hiện đại, linh hoạt, khoa học và đầy tiềm năng. Với sự đầu tư bài bản, quy trình tổ chức nghiêm túc và mạng lưới phối hợp rộng khắp, SPT không chỉ khẳng định vai trò trong tuyển sinh đại học, mà còn góp phần tích cực thúc đẩy cải tiến kiểm tra – đánh giá trong giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam” - GS.TS Nguyễn Ngọc Hà ghi nhận.

Tăng cả chất và lượng

 PGS.TS Nguyễn Văn Tuân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội.

Là một trong những trường đối tác, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội khẳng định, kỳ thi SPT tiếp tục là một trong những phương thức được sử dụng rộng rãi trong công tác tuyển sinh đại học trong thời gian tới.

Nhấn mạnh, Kỳ thi này mở ra cơ hội để tuyển được những sinh viên có chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân mong muốn mạng lưới đối tác tham gia sâu hơn vào công tác truyền thông và tuyển sinh, trong đó có việc thành lập ban chỉ đạo chung, cùng chuẩn bị nội dung và tổ chức đánh giá năng lực.

Sau nhiều năm tổ chức, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, Kỳ thi SPT đã chứng minh tính hiệu quả trong công tác tuyển chọn đầu vào, góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học.

Kỳ thi mở ra thêm cơ hội cho thí sinh trong quá trình xét tuyển đại học. Từ năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn các trường đại học, cao đẳng đồng hành cùng triển khai kỳ thi này một cách kiên trì, nhất quán. Mục tiêu là tạo ra sự thuận lợi tối đa cho cả thí sinh và các trường sử dụng kết quả trong tuyển sinh.

Kỳ thi SPT được tổ chức lần đầu năm 2022, với định hướng đánh giá năng lực thực chất của thí sinh thông qua hệ thống đề thi chuẩn hóa, bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề thi được thiết kế theo mô hình tích hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận, chú trọng khả năng tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề của học sinh. Các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

 PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

“Từ năm 2026, dự kiến sẽ bổ sung các môn Tin học và Giáo dục kinh tế - pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu xét tuyển của các ngành mới” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn thông tin.

Từ một kỳ thi được tổ chức thử nghiệm, SPT nhanh chóng khẳng định được vị trí trong bản đồ tuyển sinh đại học khi thu hút ngày càng đông đảo thí sinh tham dự và được nhiều cơ sở giáo dục đại học công nhận.

Năm 2022, kỳ thi ghi nhận hơn 2.300 thí sinh đăng ký. Đến năm 2024, con số này đã tăng gần năm lần, với hơn 11.500 thí sinh và hơn 27.000 lượt môn thi. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội qua kỳ thi SPT cũng tăng đều qua các năm, chiếm 13,03% tổng số sinh viên nhập học năm 2024.

Không chỉ dừng lại ở số lượng, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay, chất lượng đầu vào của thí sinh qua kỳ thi SPT cũng được minh chứng rõ ràng bằng kết quả học tập trong các năm đầu đại học. Thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh viên đạt học lực Giỏi và Xuất sắc sau năm thứ nhất và năm thứ hai của nhóm trúng tuyển theo phương thức SPT luôn ở mức cao, chỉ sau nhóm học sinh giỏi quốc gia và học sinh trường chuyên. Đây là minh chứng cho thấy SPT không chỉ đánh giá đúng năng lực học sinh, mà còn tạo nền tảng cho quá trình đào tạo đại học hiệu quả.

Minh Phong. Ảnh: Thanh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thi-sinh-khong-can-on-luyen-rieng-khi-du-ky-thi-danh-gia-nang-luc-doc-lap-post729513.html
Zalo