Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 được mang những dụng cụ nào vào phòng thi?
Những dụng cụ bị cấm mang vào phòng thi/phòng chờ gồm: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy;...
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức nhằm mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông/ giáo dục thường xuyên và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.
Bên cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Do vậy, để kỳ thi năm 2025 được diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng cần đảm bảo thực hiện theo đúng Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành.
Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý về quy định chung; tổ chức và quản lý kỳ thi; đăng ký dự thi và tổ chức kỳ thi trong Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Về số lượng buổi thi, năm 2025, tổ chức kỳ thi gồm 3 buổi thi: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi của bài thi tự chọn gồm 2 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Công nghiệp), Công nghệ định hướng Nông nghiệp (gọi tắt là Công nghệ Nông nghiệp), Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn).
Nội dung thi bám sát nội dung của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cấp trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Về tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi: những người tham gia tổ chức kỳ thi phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao; nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi; không đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật hoặc xóa án tích.
Cùng với đó, những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ (gọi chung là người thân) dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không được tham gia công tác ra đề thi cho kỳ thi và không được tham gia tổ chức thi tại địa phương nơi có người thân dự thi.
Về thành phần tổ chức và quản lý kỳ thi bao gồm: Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Hội đồng ra đề thi, Hội đồng thi, Ban Thư ký, Ban in sao đề thi, Ban Coi thi, Điểm thi, Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi, Ban Làm phách, Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo.
Mỗi ban có thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn riêng nhằm đảm bảo công tác diễn ra kỳ thi được an toàn, bảo mật, minh bạch và công bằng.
Về đối tượng, điều kiện dự thi tốt nghiệp trung học phổ thôngđược quy định như sau:
Đối tượng dự thi gồm người đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông/ giáo dục thường xuyên trong năm tổ chức kỳ thi; người đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông/ giáo dục thường xuyên nhưng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông ở những năm trước; người đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh; người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh.
Đồng thời, các đối tượng dự thi phải đảm bảo hai điều kiện. Thứ nhất, các đối tượng dự thi phải đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ đúng thời hạn. Thứ hai, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Quy định về đăng ký môn thi, để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh phải đăng ký dự thi môn Ngữ văn, môn Toán và 1 bài thi tự chọn gồm 2 môn thi trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ Công nghiệp, Công nghệ Nông nghiệp, Ngoại ngữ.
Thí sinh chọn 2 môn thi của bài thi tự chọn trong số các môn đã được học ở lớp 12. Thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.
Ngoài ra, với các thí sinh đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng tốt nghiệp trung cấp, chỉ đăng ký môn thi theo nguyện vọng. Riêng đối với bài thi tự chọn, thí sinh chỉ được chọn tối đa 2 môn thi.
Về thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh nộp hồ sơ theo thời gian được quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khi hết hạn nộp hồ sơ, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho nơi đăng ký dự thi hoặc thông báo cho điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Những dụng cụ thí sinh được phép mang vào phòng thi gồm: bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.
Những dụng cụ bị cấm mang vào phòng thi/phòng chờ gồm: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.