Thị giá từng 'lao dốc' chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu, CTCP Đầu tư HVA (HVA) đang hoạt động ra sao?

Từ khi niêm yết trên sàn đến nay, mã HVA của CTCP Đầu tư HVA từng chạm đáy với chỉ 500 đồng/cổ phiếu. Đơn vị này cũng đã rất nhiều lần thay đổi định hướng kinh doanh.

Nhiều lần thay đổi định hướng kinh doanh

Theo dữ liệu của Chứng khoán BIDV thì tiền thân của CTCP Đầu tư HVA (Mã UPCoM: HVA) là CTCP Đầu tư Xây lắp An Hưng, được thành lập tháng 5/2010 với vốn điều lệ 4,5 tỷ đồng. Ban đầu thành lập đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực xây lắp.

Đến năm 2014, công ty đã tăng vốn lên 50 tỷ đồng và đổi tên thành CTCP Nông nghiệp xanh Hưng Việt địa chỉ tại số 13, ngõ 1, phố Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh của công ty từ chuyển sang thành chăn nuôi, trồng trọt. Cổ phiếu HVA cũng bắt đầu được niêm yết trên sàn HNX từ tháng 7/2015.

 CTCP Đầu tư HVA (Mã HVA) từng nhiều lần thay đổi định hướng kinh doanh, cổ phiếu cũng từng chạm đáy còn 500 đồng/cổ phiếu (Ảnh TL)

CTCP Đầu tư HVA (Mã HVA) từng nhiều lần thay đổi định hướng kinh doanh, cổ phiếu cũng từng chạm đáy còn 500 đồng/cổ phiếu (Ảnh TL)

Đến cuối năm 2017, công ty đã đổi tên thành CTCP Đầu tư HVA với định hướng kinh doanh thay đổi hẳn sang lĩnh vực mới là tư vấn và đầu tư tài chính. Cổ phiếu HVA đã được chuyển sang niêm yết trên sàn UPCoM từ giữa năm 2023.

Mới đây nhất, trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023, HVA còn chuyển sang sản xuất, chế biến cà phê, kinh doanh nông sản cà phê bên cạnh lĩnh vực đầu tư tài chính trước đó.

Có thể thấy rằng từ khi bắt đầu được thành lập đến nay, trải qua 13 năm hoạt động, HVA đã liên tiếp thay đổi ngành nghề kinh doanh trong các lĩnh vực không có nhiều sự liên quan. Từ xây dựng chuyển hướng sang chăn nuôi, sau đó chuyển sang đầu tư tài chính và mới đây nhất còn có cả buôn bán cà phê.

CTCP Đầu tư HVA đang kinh doanh ra sao?

Hiện tại, CTCP Đầu tư HVA có đăng ký kinh doanh tại địa chỉ Số 81 Nguyễn Hiền, KDC 91B, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ. Người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh. Chủ tịch HĐQT của công ty là ông Vương Lê Vĩnh Nhân.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, HVA đạt doanh thu 298,5 tỷ đồng, giảm 43,8% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm tới 296,1 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 2,5 tỷ, tương đương biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 0,8%.

Cơ cấu doanh thu không được thuyết minh rõ trên BCTC bán niên nên không rõ mảng đầu tư tài chính hay buôn bán cà phê đang mang là nguồn thu chính của công ty.

Doanh thu hoạt động tài chính chỉ vỏn vẹn 685 nghìn đồng trong khi chi phí tài chính trong kỳ tăng gần gấp rưỡi, lên 469 triệu đồng. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng của HVA lại rất thấp so với quy mô doanh thu, lần lượt chiếm 362 triệu và 868 triệu đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của HVA chỉ đạt gần 1,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Về cơ cấu tài sản, tại cuối Quý 2/2023, HVA đang có tổng tài sản 171 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền hiện chiếm 10,8 tỷ đồng. Ngoài ra công ty có khoản tiền gửi 13,6 tỷ tại NH TNHH MTV Public Việt Nam.

Trên thuyết minh BCTC, trong kỳ, HVA đã chi ra 60 tỷ đồng để mua 6.000.000 cổ phần của CTCP Tập đoàn cà phê Avina. Số cổ phần này tương đương 40% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn Cà phê Avina.

Ngoài ra, HVA cũng chi 5 tỷ đồng đầu tư vào Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Fundgo do CTCP Trustpay quản lý. Khoản đầu tư này tương đương 16,82% vốn điều lệ của quỹ. Hiện tại giá trị hợp lý của khoản đầu tư này chưa được xác định.

Quỹ đầu tư Fundgo cũng chính là đơn vị đã hoàn tất đầu tư cho Hanagold, một nền tảng được quảng cáo giúp cho người tiêu dùng mua vàng online. Tuy nhiên, trong thời gian qua Hanagold cũng đang vướng lùm xùm xung quanh việc huy động vàng không đúng quy định của pháp luật.

Cổ phiếu HVA từng chạm đáy chỉ... 500 đồng/cổ phiếu, chủ tịch HĐQT từng bị Thanh tra UBCKNN xử phạt

Kể từ khi bắt đầu lên sàn chứng khoán từ năm 2015 đến nay, thị giá của cổ phiếu HVA liên tục có những biến động thất thường. Nhưng đặc điểm chung vẫn là chưa bao giờ về được mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đỉnh điểm của mã HVA chỉ ở mức 9.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 1/4/2021. Thậm chí, đã từng có thời điểm mã cổ phiếu này lao dốc không phanh từ đỉnh 7.300 đồng/cổ phiếu tại ngày 1/8/2018 xuống chỉ còn vỏn vẹn 500 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 2/3/2020. Tương đương việc mất giá tới 14,6 lần chỉ trong hơn một năm.

Tại phiên giao dịch ngày 16/10/2023, cổ phiếu HVA giao dịch ở mức 4.800 đồng/cổ phiếu. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, mã HVA có 4 phiên đứng giá, 3 phiên tăng giá và 3 phiên giảm giá. Tổng cộng trong 10 phiên giao dịch, giá cổ phiếu HVA đã giảm 9,4%.

Đáng chú ý trong lịch sử giao dịch cổ phiếu của người nội bộ tại HVA, Chủ tịch HĐQT công ty là ông Vương Lê Vĩnh Nhân từng bị xử phạt do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Tại ngày 31/12/2020, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 343/QĐ-XPVPHC đối với ông Vương Lê Vĩnh Nhân. Ông Nhân bị phạt 27,5 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện được giao dịch cổ phiếu.

Cụ thể, ông Vương Lê Vĩnh Nhân, Chủ tịch HĐQT đã đăng ký bán 300.040 cổ phiếu HVA từ ngày 21/5/2020 đến ngày 18/6/2020. Tuy nhiên, đến ngày 29/6/2020, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới nhận được báo cáo về lý do không thực hiện giao dịch của ông Nhân.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-gia-tung-lao-doc-chi-con-500-dong-co-phieu-ctcp-dau-tu-hva-hva-dang-hoat-dong-ra-sao-post268795.html
Zalo