Thí điểm đèn tín hiệu thông minh tại 2 nút giao thông trọng điểm Đà Lạt

Để nâng cao hiệu quả điều tiết giao thông ở thành phố Đà Lạt, hệ thống đèn tín hiệu AI tại 2 nút giao thông trọng điểm của thành phố đã được triển khai thử nghiệm, thời gian dự kiến từ 30-60 ngày.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 28/5, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt triển khai thí điểm giải pháp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh (ITS) tại 2 nút giao thông trọng điểm của thành phố.

Đây là giải pháp áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đã được áp dụng hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới và một số thành phố lớn của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, việc triển khai hệ thống ITS tại các nút giao trọng điểm là nhu cầu cấp thiết, nhằm tăng cường hiệu quả điều tiết, góp phần giảm ùn tắc và phục vụ định hướng xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh của thành phố Đà Lạt trong tương lai.

Căn cứ vào kết quả làm việc giữa các đơn vị thuộc thành phố cùng VNPT Lâm Đồng (chi nhánh của Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông Việt Nam), cơ sở thực tiễn, pháp lý và tính khả thi của đề án, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt đã báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét, thống nhất chủ trương cho phép VNPT Lâm Đồng triển khai thí điểm giải pháp ITS tại 2 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố là nút giao Đinh Tiên Hoàng tại Ngã 5 Đại học Đà Lạt và nút giao 2 tại Ngã 4 Kim Cúc. Kinh phí lắp đặt hệ thống thí điểm này do VNPT Lâm Đồng thực hiện.

Thành phố Đà Lạt hiện có khoảng 15 nút giao thông được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển, chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm và các trục đường chính. Tuy nhiên, hệ thống này còn một số hạn chế như thiếu đồng bộ, chưa được kết nối về một trung tâm điều khiển, khó thích ứng linh hoạt với mật độ giao thông thực tế, đặc biệt vào giờ cao điểm, cuối tuần, dịp lễ hoặc mùa du lịch cao điểm.

Hệ thống hiện hữu chưa tích hợp các thiết bị ghi hình, phân tích tín hiệu giao thông hay hỗ trợ xử phạt vi phạm hành chính. Một số điểm nóng ùn tắc thường xuyên bao gồm Ngã 5 Đại học và Ngã 4 Kim Cúc.

Trước vấn đề ùn tắc giao thông cục bộ và nâng cao hiệu quả điều tiết giao thông trên địa bàn thành phố, VNPT Lâm Đồng đã đề xuất triển khai thử nghiệm hệ thống ITS tại 2 nút giao thông trọng điểm của thành phố. Giải pháp này áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, không can thiệp vào hệ thống hiện hữu, có thể lắp đặt song song, dễ dàng tháo dỡ và không sử dụng ngân sách nhà nước trong giai đoạn thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm dự kiến từ 30 đến 60 ngày.

Hiện nay, một số thành phố lớn trong cả nước đã triển khai ITS ở quy mô lớn và cho hiệu quả rõ rệt trong điều tiết giao thông. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng hệ thống tại hơn 500 điểm giao thông trọng yếu, giảm 15-20% ùn tắc giao thông tại nội đô; Thủ đô Hà Nội đã bắt đầu thử nghiệm ITS tại các khu vực giao thông trọng điểm từ đầu năm 2025.

Thành phố Đà Nẵng đã triển khai ITS giúp giảm thời gian chờ tại đèn giao thông khoảng 10-15%. Thành phố cảng Hải Phòng cũng đã hoàn thành lắp đặt hệ thống ITS đầu tiên trong tháng 5/2025, tăng hiệu suất vận chuyển hàng hóa lên 25% tại khu vực cảng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-diem-den-tin-hieu-thong-minh-tai-2-nut-giao-thong-trong-diem-da-lat-post1041139.vnp
Zalo