Theo những mùa hoa nở...

Khi những cánh rừng keo hoa vàng bắt đầu nở rộ trên các triền đồi ở xã Kim Ngân, đó cũng là thời điểm người nuôi ong lấy mật từ nhiều địa phương khác tới đây để bắt đầu cuộc sống 'du mục' của mình. Ngoài phải vượt hàng trăm cây số từ tỉnh này sang tỉnh khác, len lỏi sống giữa các cánh rừng đang có hoa để 'đánh mật', với họ, cuộc sống 'du mục' cùng những đàn ong thấm đẫm bao vất vả, nhọc nhằn, lo toan...

Anh Hứa Văn Thao với cuộc sống “du mục”, xa gia đình nhiều năm qua - Ảnh: N.H

Anh Hứa Văn Thao với cuộc sống “du mục”, xa gia đình nhiều năm qua - Ảnh: N.H

Cuộc sống “du mục”...

Căn chòi tạm bợ được che bốn phía chủ yếu bằng bạt nilon xanh nằm cao trên ngọn đồi sát Quốc lộ 9C thuộc bản Chuôn, xã Kim Ngân; vật dụng bên trong ngoài một chiếc giường gỗ cũ kĩ thì chủ yếu là công cụ của nghề nuôi ong. Chủ nhân của căn chòi này là 3 anh em đến từ tỉnh Gia Lai. Thấy có khách lạ, người đàn ông có dáng người gầy guộc, nhỏ nhắn phải bỏ dở công việc quay sáp mật ong của mình lại. Sau vài câu chào hỏi xã giao, mới biết họ là người đưa ong đi tìm những mùa hoa nở.

Anh Hà Văn Quốc (SN 1978), “dân gốc” Hà Nội, những năm 80 của thế kỷ trước theo cha mẹ vào Gia Lai làm kinh tế mới. Trước khi đến với nghề nuôi ong, anh Quốc là công nhân khai thác mủ cao su tại một đơn vị kinh tế ở địa phương.

Có thâm niên hơn 10 năm trong nghề khai thác ong mật, anh Quốc cùng với hai người em bên vợ của mình là Lê Song Hào và Lê Quảng Cường (cùng ở Gia Lai) không quản đường sá xa xôi đã đưa gần 900 đàn ong đến xã Kim Ngân, mượn rừng trồng của người dân để “đánh mật”.

Theo chia sẻ của anh Quốc, việc đầu tiên của nghề nuôi ong mật theo những mùa hoa là phải liên hệ, tìm hiểu được địa điểm thuận lợi cho đàn ong cư ngụ. Sau khi chọn được địa điểm, mới quyết định hạ lán trại, đưa đàn ong đến. Xã Kim Ngân là điểm dừng chân quen thuộc trong mấy năm gần đây của anh khi đưa đàn ong đến khai thác mật.

“Với những người nuôi ong mật như chúng tôi, mỗi năm có khoảng 3 lần cho ong di cư theo những mùa hoa nở ở các vùng miền trong cả nước. Từ tháng 3 - 4 âm lịch hàng năm, chúng tôi chọn tỉnh Quảng Trị để đặt điểm nuôi ong. Đến gần cuối tháng 7 âm lịch, khi mùa mưa bắt đầu đến, chúng tôi lại đưa đàn ong trở lại Gia Lai. Xen những lần di chuyển cố định đó, có năm tôi đưa đàn ong ra các tỉnh phía Bắc khai thác mùa hoa vải, hoa nhãn...”, anh Quốc chia sẻ.

Cũng theo anh Quốc, những ngày sống “du mục” với đàn ong dưới tán rừng trồng là những ngày phải sống xa vợ con, sinh hoạt hàng ngày rất thiếu thốn vì địa điểm đặt xa khu dân cư. Nhưng, khó khăn nhất chính là thời điểm phải di chuyển ong đi địa phương khác.

Việc di chuyển đàn ong phải thực hiện vào ban đêm để không bị thất thoát về số lượng. Lo lắng nhất là di chuyển đàn ong ra các tỉnh phía Bắc đánh mật hoa vải, hoa nhãn, nhiều khi mất cả nửa đàn ong, bởi, quãng đường di chuyển xa và ong bị dính thuốc bảo vệ thực vật từ những vườn cây, chưa kể chi phí cho mỗi đợt di cư là rất lớn...

Cách điểm “đánh mật” của anh Hà Văn Quốc không xa, anh Hứa Văn Thao (SN 1986) ngụ tại tỉnh Bắc Giang (cũ) cũng mượn rừng keo hoa vàng của người dân địa phương đặt gần 600 thùng ong mật. Đây là mùa thứ 2, anh Thao phải xa gia đình, ăn ngủ dưới rừng keo để kiếm kế mưu sinh. Với anh, cuộc sống “du mục” cùng đàn ong, đối mặt với khó khăn do không điện, không nước sinh hoạt, chỗ ăn ngủ tạm bợ... đã trở thành quen thuộc.

“Với tôi, nghề nuôi ong mật rong ruổi suốt khắp nơi, chẳng mấy khi được ở bên gia đình, con cái. Nghề này, gắn với câu “ăn gió, nằm sương”, nếu thời tiết thuận lợi thì có thu nhập ổn định, nếu không cũng rất vất vả. Sắp tới, khi ở xã Kim Ngân hết mùa hoa nở tôi lại trở về quê để tiếp tục “đánh mật” tại vườn mượn của người dân...”, anh Thao thông tin.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Ngân Trần Duy Bình cho hay, hiện trên địa bàn xã có khoảng 40 - 50 hộ từ các tỉnh khác đến mượn đất rừng trồng của người dân địa phương để nuôi ong mật theo mùa hoa. Đa số họ là người dân các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên, có cuộc sống nay đây, mai đó. Khi đến địa phương, họ được đăng ký thủ tục tạm trú, tạm vắng. Do sống trong rừng, cuộc sống hàng ngày còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; đồng thời giá mật ong mùa này không cao, sản lượng thấp do thời tiết, sản phẩm làm ra không được tiêu thụ nên họ còn nhiều vất vả, lo toan...

...vương thì nặng...”

Mỗi tháng, các chủ trại nuôi ong theo mùa hoa tiến hành lấy mật hai lần, mỗi lần cách nhau khoảng 15 ngày, nếu chăm sóc tốt có thể lấy mật ong sớm hơn. Năm nay, thời tiết bất lợi, mưa nhiều nên sản lượng mật ong không cao bằng vụ trước; giá mật ong bấp bênh, không tiêu thụ được sản phẩm... là những khó khăn mà người nuôi ong lấy mật theo mùa hoa ở xã Kim Ngân đang phải đối mặt.

Một góc trang trại nuôi ong theo mùa hoa của anh Hứa Văn Thao - Ảnh: N.H

Một góc trang trại nuôi ong theo mùa hoa của anh Hứa Văn Thao - Ảnh: N.H

Anh Hà Văn Quốc bảo rằng, ong nuôi của trang trại anh chủ yếu là ong ngoại nên thị trường tiêu thụ mật chủ yếu do các công ty thu mua để xuất ngoại. Trung bình mỗi đàn ong, người chủ phải bỏ vốn đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng.

“Mỗi vụ nuôi ong theo mùa hoa thu được gần 40 tấn mật, trung bình mỗi tháng khoảng 3 - 4 tấn. Với giá thu mua khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chúng tôi có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Cái khó nhất trong nghề nuôi ong chính là đầu ra cho mật ong. Nếu mật ong bán cho thương lái thì giá rất rẻ, còn tự bán lẻ giá sẽ cao hơn nhưng rất khó bởi tâm lý người dân còn e ngại về chất lượng...”, anh Quốc chia sẻ.

Theo khẳng định của anh Hứa Văn Thao, mỗi tháng, trang trại của anh cũng thu được khoảng 4 - 5 tấn mật, nếu mật ong đặc, vàng sánh thì thương lái thu mua với giá 8.500 đồng/kg; thu về khoảng gần 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chi phí thức ăn thêm cho đàn ong, như: Bột đậu nành, phấn hoa cà phê và mật ong lớn nên lời lãi cũng không nhiều...

“Ở đây, khi đến ngày lấy mật, vợ tôi phải lặn lội từ ngoài quê Bắc Giang (cũ) vào để phụ giúp, chứ không có người làm công hàng ngày. Giờ, nếu bỏ thêm chi phí thuê nhân công thì lời lãi cũng không nhiều. Sau khi thu hoạch mật xong, vợ lại phải bắt xe ra với các con...”, anh Thao thông tin.

Hiện, đối với người nuôi ong lấy mật tại xã Kim Ngân thách thức lớn nhất, đó là sản phẩm mật ong làm ra không bán được trên thị trường. Nhiều trang trại vẫn còn sản lượng mật rất lớn, có trang trại tồn hàng từ 7 - 8 tấn mật chưa được thương lái thu mua...

Ngọc Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/theo-nhung-mua-hoa-no-196143.htm
Zalo