Đề nghị mức án với 45 bị cáo vụ cưỡng đoạt tài sản bằng thủ đoạn thu hồi nợ trái phép

Ngày 25/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 45 bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản. Hội đồng xét xử nghe đại diện Viện Kiểm sát trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo.

Bị cáo Trần Hồng Tiến tại phiên tòa.

Bị cáo Trần Hồng Tiến tại phiên tòa.

Viện Kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an.

Các bị cáo đã sử dụng các biện pháp uy hiếp tinh thần ép buộc các bị hại trả nợ. Dù các khoản nợ là có thật, các bị cáo là nhân viên công ty nhưng đã biến tướng hành vi thu hồi nợ thành các hành vi vi phạm pháp luật.

Các nhân viên thu hồi nợ đã đe dọa bị hại và người thân các bị hại, cắt ghép hình ảnh và đưa thông tin không đúng sự thật về họ. Đây là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên cần thiết cách ly các bị cáo khỏi xã hội một thời gian để bảo đảm tính răn đe.

Quá trình truy tố, Viện Kiểm sát đã cân nhắc nhân thân và các tình tiết, đánh giá cả 45 bị cáo đều chỉ có vai trò làm thuê cho Lê Quốc Thống (hiện đang bỏ trốn).

Đa số các bị cáo đã chủ động khắc phục hậu quả, đến nay tổng số tiền khắc phục là gần 1 tỷ đồng, nhiều hơn số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt (904 triệu đồng).

Bị cáo Trần Hồng Tiến, Tổng Giám đốc điều hành toàn hệ thống được ghi nhận khắc phục nhiều nhất (500 triệu đồng).

Bị cáo Tiến bị cáo buộc có vai trò cao nhất, điều hành toàn bộ hoạt động công ty thay Thống. Bị cáo Tiến biết việc nhân viên đòi nợ trái pháp luật nhưng vẫn đốc thúc chỉ tiêu, gây sức ép để họ đạt doanh số đòi nợ.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát xét thấy bị cáo này chỉ là người làm thuê hưởng lương (40 triệu đồng/tháng), làm việc theo chỉ đạo của ông chủ Thống. Do đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Trần Hồng Tiến mức án 12-14 năm tù.

Đối với bị cáo Nguyễn Đức Khoa (Tổng giám đốc 3 công ty) và các trưởng các bộ phận cùng nhiều bị cáo liên quan, Viện Kiểm sát đánh giá, dù không trực tiếp đòi nợ nhưng các bị cáo biết nhân viên đòi nợ trái pháp luật, song vẫn hỗ trợ cho hành vi trái pháp luật. Bị cáo Khoa bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 13-14 năm tù, các trưởng bộ phận bị đề nghị từ 11-13 năm tù.

Các trưởng nhóm đòi nợ và các nhân viên, tùy số tiền bị quy kết cưỡng đoạt, lần lượt bị đề nghị từ 2 năm 6 tháng tù đến 10 năm 6 tháng, cùng về tội cưỡng đoạt tài sản. Không bị cáo nào trong vụ án được đề nghị cho hưởng án treo.

Theo Viện Kiểm sát, năm 2018, Lê Quốc Thống mua lại 238.160 khoản nợ xấu cá nhân vay tín chấp của một doanh nghiệp với giá bằng 12-15% giá trị khoản nợ (tổng trị giá 3.500 tỷ đồng) và được bàn giao thông tin cá nhân của người vay.

Thống từ đó lập 7 công ty, chiêu mộ nhân viên và đòi nợ bằng thủ đoạn đe dọa, ép buộc, cắt ghép hình ảnh người vay hoặc người thân của họ vào các hình ảnh nhạy cảm và đưa ra các thông tin không đúng sự thật rồi đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự.

Viện Kiểm sát xác định bằng thủ đoạn này, nhóm công ty của Thống đã đòi được 571 tỷ đồng, nhưng đến nay mới xác định được 26 người bị đe dọa, cưỡng đoạt tổng tiền 904 triệu đồng. Quá trình xét xử, 26 bị hại trong vụ án không có mặt tại tòa, không đòi bồi thường nhưng đề nghị xử lý nghiêm các bị cáo.

Những trường hợp còn lại, cơ quan tố tụng đã ủy thác cho công an các tỉnh, thành tiếp tục tìm thông tin, tách hồ sơ xử lý.

Quá trình xét hỏi tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như truy tố nhưng cho rằng, họ phạm pháp do hiểu biết hạn chế.

Đối với Lê Quốc Thống đã bỏ trốn nên Cơ quan điều tra quyết định tách, rút hồ sơ vụ án và sẽ xử lý nghiêm khi bắt được.

HƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-nghi-muc-an-voi-45-bi-cao-vu-cuong-doat-tai-san-bang-thu-doan-thu-hoi-no-trai-phep-post896440.html
Zalo