Theo dõi báo điện tử Kiên Giang trên Sản xuất bột men vi sinh khô xử lý môi trường tặng đồng bào phía Bắc

Bão số 3 (Yari) gây ra hậu quả nặng nề tại nhiều tỉnh phía Bắc. Sau bão, lũ, người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do nhiều loại rác thải, xác động vật phân hủy, nguồn nước dễ bị ô nhiễm. Nhận thấy thực trạng này, Trường Đại học Kiên Giang đã tổ chức sản xuất bột men vi sinh khô sử dụng xử lý môi trường gửi tặng đồng bào phía Bắc nhằm chung tay khắc phục ảnh hưởng sau bão, lũ.

Qua 10 ngày thực hiện, Trung tâm Học liệu - Thực hành Trường Đại học Kiên Giang sản xuất, đóng gói hoàn thành 160kg men vi sinh khô (gồm 640 túi nhỏ), chia thành 3 đợt gửi đến đồng bào phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua. Để người dân dễ sử dụng, mỗi gói bột men vi sinh khô trọng lượng 250g có kèm hướng dẫn sử dụng.

Khi dùng để phun xịt, bột men vi sinh có thể pha với 1,5 lít nước, để 30 phút cho hệ vi sinh được kích hoạt rồi chắt nước trong để pha tiếp với 10 lít nước, sau đó phun xịt quanh vùng bị ô nhiễm. Nếu sử dụng tắm, giặt, bột men vi sinh có thể pha với 20 lít nước, để lắng và sử dụng trong 10-15 ngày. Đối với rác thải hữu cơ, người dân có thể rắc trực tiếp bột men vi sinh để xử lý nhanh chóng.

Sinh viên ngành công nghệ và thực phẩm Trường Đại học Kiên Giang chụp ảnh khi tham gia đóng gói bột men vi sinh khô gửi tặng đồng bào phía Bắc sử dụng để xử lý môi trường.

Sinh viên ngành công nghệ và thực phẩm Trường Đại học Kiên Giang chụp ảnh khi tham gia đóng gói bột men vi sinh khô gửi tặng đồng bào phía Bắc sử dụng để xử lý môi trường.

Tiến sĩ Lê Hoàng Phượng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Học liệu - Thực hành Trường Đại học Kiên Giang cho biết bột men vi sinh khô được làm từ một số nguyên liệu phổ biến có chi phí thấp như cám gạo, bã trái cây, Lactobacillus acidophilus, Bacillus subtilis và các probiotics y tế khác. Ưu điểm của bột men vi sinh khô là dễ đóng túi vận chuyển xa, có thể nhân bản sử dụng để xử lý ô nhiễm nước, rác thải hữu cơ và xác động vật. Trung tâm Học liệu - Thực hành Trường Đại học Kiên Giang thấy được ưu điểm này và thực trạng cần thiết sử dụng đã tổ chức sản xuất và đóng gói bột men vi sinh khô.

Cùng các sinh viên ngành công nghệ thực phẩm và kinh tế Trường Đại học Kiên Giang tham gia quy trình đóng gói bột men vi sinh khô, em Nguyễn Phạm Minh Thư - sinh viên Trường Đại học Kiên Giang nói: “Em thấy hoạt động này có ý nghĩa thiết thực để giúp đỡ đồng bào phía Bắc bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả sau thiên tai”.

Kinh phí mua nguyên liệu sản xuất bột men vi sinh khô và vận chuyển dao động khoảng 4-5 triệu đồng. Sau khi gửi đến đồng bào vùng lũ, Trung tâm Học liệu - Thực hành Trường Đại học Kiên Giang đã nhận được phản hồi rất tích cực, bột men vi sinh có tác dụng hiệu quả trong việc xử lý môi trường. Đây là một tín hiệu đáng mừng và khẳng định hiệu quả thiết thực của sáng kiến này.

Hoạt động của Trung tâm Học liệu - Thực hành Trường Đại học Kiên Giang cùng giảng viên, sinh viên trường không chỉ hỗ trợ đồng bào phía Bắc khắc phục hậu quả sau bão số 3 mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm cộng đồng. Việc sản xuất và gửi tặng bột men vi sinh khô giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời thể hiện sự kết nối mạnh mẽ giữa trường học và cộng đồng, cùng đồng hành với đồng bào phía Bắc trong lúc khó khăn.

Trong tương lai, Trung tâm Học liệu - Thực hành Trường Đại học Kiên Giang mong muốn mở rộng quy mô hoạt động, phát động phong trào sản xuất bột men vi sinh đến các tổ chức đoàn thể và cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Chiến dịch chung tay bảo vệ môi trường không chỉ nhằm hỗ trợ đồng bào phía Bắc sau thiên tai mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Sự phối hợp giữa các đơn vị, đoàn thể và trường học sẽ tạo ra nhiều hoạt động ý nghĩa, lan tỏa giá trị nhân văn và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong toàn xã hội.

Bài và ảnh: NHƯ Ý

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/san-xuat-bot-men-vi-sinh-kho-xu-ly-moi-truong-tang-dong-bao-phia-bac-22664.html
Zalo