'Theo dấu chân Người' đến Ngày Độc lập

Tiếp nối cuốn 'Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng' (xuất bản lần đầu năm 1996), đúng vào dịp Quốc khánh năm nay, Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn truyện, ký 'Theo dấu chân Người'.

Tác phẩm kể về hành trình 30 năm Bác bôn ba khắp các châu lục tìm đường cứu nước, hướng đến ngày độc lập cho dân tộc.

Quang cảnh lễ ra mắt tập truyện, ký “Theo dấu chân Người” của Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú. Ảnh: Mai Lữ

Quang cảnh lễ ra mắt tập truyện, ký “Theo dấu chân Người” của Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú. Ảnh: Mai Lữ

Những dấu chân mang hy vọng

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú chia sẻ, ông viết truyện, ký “Theo dấu chân Người” là thực hiện lời hứa với nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông kể, sau khi tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” in lần đầu ở Nhà Xuất bản Văn học năm 1996, ông mang cuốn sách đến tặng đồng chí Phạm Văn Đồng - người mà ông thường gọi thân thương là chú Tô.

Trong cuộc trao đổi thân mật đó, chú Tô dặn tác giả: “Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. 30 năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là một kho tàng rất hấp dẫn đó cháu”. Và từ đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú nung nấu ý định và tâm huyết, bền bỉ thực hiện lời dặn của chú Tô.

Truyện ký “Theo dấu chân Người” dày gần 600 trang, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, kể về hành trình chàng trai Nguyễn Tất Thành 21 tuổi rời bến Nhà Rồng (ngày 5-6-1911) bôn ba khắp năm châu bốn bể, tìm hiểu phong trào đấu tranh, con đường cách mạng ở nhiều nước, như Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc... cho đến ngày Người trở về Tổ quốc (ngày 28-1-1941), trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Quãng thời gian hoạt động sôi nổi, không ngừng nghỉ của Bác trong 30 năm ấy không chỉ tìm đường đi tươi sáng cho dân tộc mà còn mang lại viễn cảnh và hy vọng cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng trên thế giới.

Thông qua các bài viết trong cuốn sách, như “Ngọn lửa đỏ giữa trời Tây tuyết trắng”, “Bác Hồ trên quê hương Xô Viết”, “Bên dòng Châu Giang”, “Giữa rừng hoa Dương Tử Kinh”, “Mùa xuân Bác về Tổ quốc”…, độc giả biết được chi tiết về những nơi Bác đã đặt chân đến, những người Bác gặp gỡ hay việc Bác làm nghề gì, kết thân với ai, gắn bó với ý tưởng nào, xa lánh với suy nghĩ nào… Qua đó, tính cách, phẩm chất, tâm hồn cao đẹp của Người được khắc họa một cách giản dị, gần gũi.

Với ngòi bút của một nhà văn, tác giả Trình Quang Phú chọn viết tác phẩm theo thể truyện, ký, có những chi tiết, câu chuyện quen thuộc đã ghi trong tài liệu chính thống, nhưng có những chi tiết hư cấu một cách hợp lý, đem lại nhiều sự thích thú cho độc giả.

Cuốn sách còn có phần phụ lục với nhiều tư liệu quý giá như “Thư gửi Nguyễn Ái Quốc của Phan Châu Trinh”, “Bức thư của Phan Bội Châu gửi Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc)”, “Chúng tôi đến thăm người chiến sĩ cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc”, “Tờ Le Paria và Tổng Biên tập Nguyễn Ái Quốc”, “Nhân dân Trung Quốc luôn tưởng nhớ và kính trọng Hồ Chí Minh”… giúp người đọc thêm sáng rõ về hành trình của Người.

Một điển hình theo dấu chân Người

Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú nay ở tuổi 84, đã dành gần 30 năm theo dấu chân Người, đến những nơi mà Bác từng đi. Ông qua Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô ngày trước và Nga ngày nay, Trung Quốc (Quảng Châu, Hồng Kông)… để sưu tầm và đối chiếu, cảm nhận và đúc rút, rồi viết nên những trang sách quý giá, góp phần làm sáng rõ thêm về hành trình tìm đường cứu nước đầy gian khổ của Người.

Không chỉ cuốn sách này mà các tác phẩm khác, tác giả cũng thực hiện với sự chuyên tâm, đặc biệt là các tác phẩm viết về Bác Hồ của ông như “Miền Nam trong trái tim Người”, “Người là niềm tin”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, “Theo Bác Hồ đi kháng chiến”, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”. Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú chia sẻ: “Có lẽ, điều xúc động và thôi thúc tôi viết về Bác là cả thế giới dù thể chế chính trị nào họ đều tôn trọng Bác, dành sự trân quý với Bác và họ tự hào khi đất nước in dấu chân Bác”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, nhà văn Trình Quang Phú đã chọn đề tài sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh là con đường dài, xuyên suốt cuộc đời mình. Ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn rất trẻ và viết rất nhiều tác phẩm.

“Tác phẩm “Theo dấu chân Người” là cuốn truyện, ký với những tư liệu chính xác, có thật trong cuộc đời, sự nghiệp, tâm hồn, cốt cách, tư tưởng Hồ Chí Minh. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, chân thực, giản dị và có tình yêu mãnh liệt, vượt qua mọi rào cản, nhà văn Trình Quang Phú đã đem đến bạn đọc hôm nay một tình cảm lớn hơn, sâu sắc hơn, một cách nhìn rộng mở, khoa học, nhân văn và đầy tư tưởng về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Đã từng có chuyến công tác cùng nhà văn Trình Quang Phú sang Trung Quốc, chứng kiến cách làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ, kỹ càng của ông, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội chia sẻ, viết về Bác Hồ cần sự kính trọng bền bỉ và sự can đảm bền bỉ. Nhà văn Trình Quang Phú đã biến niềm kính trọng và sự can đảm thành những trang viết với góc nhìn mới, để khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thật gần gũi và vĩ đại.

Về cuốn sách này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Tấn Phát nhận định, tập truyện, ký “Theo dấu chân Người” cùng với những tác phẩm Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú viết về Bác Hồ đã mở rộng, đào sâu và nâng cao nhận thức, tình yêu thương của mỗi chúng ta đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc. “Tác giả phải có tâm, có tầm, có tài mới làm được việc ấy ở tuổi hoàng hôn của cuộc đời. Ông là một điển hình theo dấu chân Người”, nhà văn Nguyễn Tấn Phát bày tỏ.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/theo-dau-chan-nguoi-den-ngay-doc-lap-676479.html
Zalo