'Thêm thời gian' cho dự luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước

Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra xem xét thảo luận tại kỳ họp ngày 26/9 tuần qua.

Luật cần tạo ra các động lực tăng trưởng và không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp nhà nước

Luật cần tạo ra các động lực tăng trưởng và không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp nhà nước

Dự luật mới tiếp thu nhiều nội dung

Ngày 22/9/2024, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại kỳ họp ngày 26/9. Tuy nhiên, do dự luật chưa được thẩm tra, lấy ý kiến đầy đủ nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa xem xét tại cuộc họp tuần qua.

Trong dự thảo luật bản cập nhật lần thứ năm, nhiều nội dung, ý kiến đóng góp đã được Ban soạn thảo tiếp thu, cũng như thay mới một số quy định. Dù vậy, một số nội dung mới vẫn chưa nhận được sự đồng tình và tiếp tục có ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp.

Theo dự thảo lần 5, đối tượng áp dụng luật đã thu hẹp xuống doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên (doanh nghiệp F1 - PV). Dự thảo ban đầu đưa cả nhóm doanh nghiệp có vốn của F1.

Nội dung về chi lương, thưởng, thù lao của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế từng bị phản đối mạnh từ ý kiến doanh nghiệp, nay được sửa là: khoản chi này do doanh nghiệp chi trả và thực hiện hạch toán vào chi phí doanh nghiệp.

Liên quan đến quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp, dự thảo mới quy định, quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp sử dụng để đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp; số dư quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có nhu cầu, không có kế hoạch sử dụng được nộp về ngân sách nhà nước tương ứng với tỷ lệ phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về quy định này, lãnh đạo một số công ty cổ phần có tỷ lệ vốn nhà nước chi phối nhìn nhận, rất khó có thể thực hiện.

Một lãnh đạo doanh nghiệp lấy ví dụ, Quỹ đầu tư phát triển của Petrolimex (mã PLX) tính đến cuối quý II/2024 đạt gần 2.100 tỷ đồng. Nếu phải nộp về ngân sách nhà nước 78%, tương ứng với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, liệu các cổ đông khác như nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản hay các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có chấp nhận hay không, bởi khi họ mua cổ phiếu PLX có tính định giá doanh nghiệp bao gồm cả số tiền của quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp (thực chất là lợi nhuận sau thuế để lại).

Chủ tịch một công ty cổ phần khác cho rằng, Nhà nước cũng là một cổ đông trong doanh nghiệp và bình đẳng như các cổ đông khác, không thể làm trái các quy định của Luật Doanh nghiệp, nên việc điều chuyển quỹ đầu tư phát triển không có căn cứ pháp lý để thực hiện. Muốn chia tiền cho các cổ đông, doanh nghiệp phải thực hiện tăng vốn hoặc chia cổ tức và đảm bảo chính sách công bằng giữa các cổ đông.

Vấn đề được quan tâm nhất là các quy định gỡ khó cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), hội đồng thành viên doanh nghiệp được quyết định đầu tư dự án có quy mô vốn dưới 50% vốn điều lệ, không quá dự án nhóm B (2.300 tỷ đồng).

Phân loại dự án nhóm A hay B thường áp dụng với các dự án đầu tư công dẫn chiếu theo Luật Đầu tư công, trong khi thực tế hiện nay có nhiều hình thức đầu tư, ví dụ tăng vốn cho doanh nghiệp. Với các quyết định đầu tư tài chính, như cổ đông nhà nước tham gia tăng vốn tại các doanh nghiệp, do không có căn cứ dẫn chiếu theo dự án nhóm A hay B nên doanh nghiệp hiện bị “bó tay, bó chân”.

Ở các phiên bản trước, dự thảo Luật quy định, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị doanh nghiệp được quyết định đầu tư dự án có quy mô vốn tối đa 1.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, quy định như vậy quá thấp, hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp.

Nay dự thảo mới quy định: Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định chủ trương dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước 100% vốn điều lệ thuộc nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công hoặc có tổng mức đầu tư bằng mức từ 50% vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn có ý kiến để người đại diện vốn biểu quyết quyết định chủ trương dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ thuộc nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công hoặc có tổng mức đầu tư bằng mức từ 50% vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Doanh nghiệp quyết định phê duyệt và thực hiện dự án còn lại ngoài thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Cần tạo ra các động lực tăng trưởng và không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp

Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn cần được sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Là luật chuyên ngành tài chính, lại có tính bao trùm nên dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận được nhiều ý kiến đóng góp và phải cập nhật liên tục.

Trước một số ý kiến sửa vài điều gỡ vướng cho doanh nghiệp thay vì xây dựng luật mới thay thế luật cũ, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, không nên có tư duy vụn vặt, sự việc như vậy, mà nên có tư duy tổng thể, xây dựng luật mới nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới, không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp nhà nước.

Việc sửa Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn là cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này cần phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Trong tờ trình gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ ra nhiều hạn chế của Luật số 69/2014/QH13.

Thứ nhất, chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; còn đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước; can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp; có các quy định làm hạn chế quyền của doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện và xây dựng hành lang pháp lý thống nhất để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, chưa đảm bảo “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.

Thứ hai, đối tượng áp dụng chưa bao gồm vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư dưới 100% vốn điều lệ; các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đầu tư vốn dẫn đến khoảng trống về pháp lý, việc tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng, không rõ nhiệm vụ, không đảm bảo thống nhất. Quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan quản lý trong quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh.

Thứ ba, việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt (như việc đầu tư vốn trong thời gian qua của Vietnam Airlines, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Công ty Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM). Lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vốn nhà nước còn bị bó hẹp, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy mô đầu tư phát triển và sự tham gia của doanh nghiệp có vốn nhà nước vào các dự án trọng điểm quốc gia còn khiêm tốn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thứ tư, việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp cũng như việc đánh giá bảo toàn vốn của doanh nghiệp được đánh giá chung trên kết quả hoạt động của doanh nghiệp và từng dự án đầu tư (phải có hiệu quả), trong khi đó doanh nghiệp xét trên tổng thể là có hiệu quả và còn phải thực hiện một số nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, không vì mục tiêu lợi nhuận (các nhiệm vụ này thường có hiệu quả kinh tế không cao mà chủ yếu hiệu quả về mặt xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng).

Một bất cập khác liên quan đến các cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện khi chưa có Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) là cơ quan chuyên trách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn, được thành lập từ năm 2018 và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp được chuyển giao từ các bộ, ngành, địa phương. Các nội dung quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của CMSC là cơ quan chuyên trách chưa được quy định trong luật (do Luật số 69/2014/QH13 được ban hành trước khi CMSC được thành lập).

Anh Việt - Hà Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/them-thoi-gian-cho-du-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-post354809.html
Zalo