Thêm phì nhiêu những bãi bồi

Ảnh hưởng của đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp rất nặng nề nhưng nếu nhìn một góc độ khác thì mưa lũ mang theo lượng phù sa lớn bồi đắp những đồng bãi, để vùng châu thổ thêm phì nhiêu, trù mật. Chúng tôi đã có những ghi nhận như thế tại một số vùng sản xuất chuyên canh ven bờ sông Hồng của huyện Bảo Thắng.

 Vùng rau chuyên canh Soi Cờ bị san phẳng bởi phù sa sau lũ.

Vùng rau chuyên canh Soi Cờ bị san phẳng bởi phù sa sau lũ.

Vùng rau chuyên canh thôn Soi Cờ, xã Gia Phú trải dài theo bãi bồi bờ hữu sông Hồng, đây cũng là vùng rau an toàn lớn nhất huyện Bảo Thắng hiện nay. Thôn Soi Cờ có 17 ha rau chuyên canh, trong đó 7,3 ha bị ngập sâu trong nước lũ sông Hồng từ 3 đến 4 ngày, gây thiệt hại toàn bộ diện tích rau màu là dưa chuột, mướp, mướp đắng, bí, bầu, đậu các loại, ớt, hành.

 Phù sa bồi đắp cho các thửa ruộng, mịn màng, bóng như âu mỡ.

Phù sa bồi đắp cho các thửa ruộng, mịn màng, bóng như âu mỡ.

Ghi nhận đầu tiên của chúng tôi tại đây sau cơn lũ đi qua là cánh đồng rau vốn xanh quanh năm thì nay chỉ còn lại màu nâu của đất phù sa. Mảnh ruộng nào phù sa ít cũng dày tới 20 - 30 cm; nơi trũng, thấp bồi lắng tới 40 - 50 cm.

 Bao nhiêu năm cánh đồng Soi Cờ mới được bồi đắp lượng phù sa lớn như thế.

Bao nhiêu năm cánh đồng Soi Cờ mới được bồi đắp lượng phù sa lớn như thế.

Bỏ dép lội những chỗ nước đọng, nơi bùn còn nhão, tôi cảm nhận đó là thứ đất mềm, mịn, bùn mơn man từng lỗ chân lông, mát như kem dưỡng da. Chỗ đất khô hơn, bề mặt phẳng, bóng như âu mỡ, dưới nắng hanh vàng đất bắt đầu nứt như mắt quả na, dẫm chân lên cảm giác lún êm...

 Người nông dân hiểu rõ hơn ai hết về giá trị của những hạt phù sa.

Người nông dân hiểu rõ hơn ai hết về giá trị của những hạt phù sa.

Trên một tràn ruộng ngập phù sa, nơi được đầu tư chôn những cọc bê tông, bắc giàn là các ống thép thẳng tắp, ông Khổng Duy Chinh và vợ ngẩn ngơ tiếc đám dưa chuột vừa trồng hơn nửa tháng. Dưa đang leo giàn, ước chừng 1 tháng sau sẽ cho thu hoạch quả nhưng sau nước ngập, những gì còn lại chỉ là cột bê tông và phù sa phẳng phiu, phù sa đắp dày nên những luống rau giờ là mặt phẳng như trải chiếu.

 Chị Nguyễn Thị Thanh chờ đất se là cuốc để ải. Như thế, ngay trong vụ tới rau sẽ tươi tốt hơn mà lại hạn chế được bón phân hóa học, phân hữu cơ.

Chị Nguyễn Thị Thanh chờ đất se là cuốc để ải. Như thế, ngay trong vụ tới rau sẽ tươi tốt hơn mà lại hạn chế được bón phân hóa học, phân hữu cơ.

Ruộng của ông Chinh trũng thấp hơn xung quanh nên sau 1 tuần nước rút, ông vẫn chưa thể làm đất. Sau đây trồng cây gì, rau gì để kịp bán dịp tết Nguyên đán là điều khiến ông trăn trở. Ông Chinh giãi bày: "Đất phù sa mới mịn, dẻo như bánh giầy. Đất se là phải cuốc lên phơi ải độ 10 ngày đến 2 tuần mới làm rau được".

Ở tuổi ngoài 60 mươi, mấy chục năm trồng rau hàng hóa, hơn ai hết ông Chinh hiểu rằng phù sa sẽ mang đến sự tươi tốt cho rau màu những vụ về sau, vụ đầu sẽ khó làm hơn vì đất chưa tơi, xốp.

 Nông dân vùng quê cách mạng Soi Cờ miệt mài làm việc dưới trời nắng, giữa đám ruộng ngập phù sa mới bồi đắp.

Nông dân vùng quê cách mạng Soi Cờ miệt mài làm việc dưới trời nắng, giữa đám ruộng ngập phù sa mới bồi đắp.

May mắn hơn ông Chinh, phần đất ruộng của chị Nguyễn Thị Thanh và anh Đoàn Văn Hòa cao hơn, đất khô sớm nên gia đình tranh thủ cuốc đất phơi ải.

Đợt lũ vừa qua được những người dân Soi Cờ cho là tương đương đỉnh lũ năm 1971, lũ khiến 5.000 m2 rau của chị Thanh ngập sâu 2,5 m, toàn bộ số rau, hành, mướp đắng, bầu chết sạch, hơn 1.000 m2 giàn mướp đang cho thu hoạch cạnh đó nước chạm mặt giàn, đến nay quả bắt đầu chuyển sang cong queo, vẹo vọ.

"Chờ vận may ở giàn mướp nhưng chắc không thành rồi, một vài bữa nữa phải cắt gốc, trồng đợt mới thôi" - nông dân Đoàn Văn Hòa, thôn Soi Cờ nói.

Không thể mãi ngồi đó than vãn, ngay khi đất se nứt là vợ chồng anh Hòa, chị Thanh ra đồng cuốc lật đám phù sa, chờ vài bữa lên luống trồng đợt rau chính vụ, làm kịp sẽ cho thu vào cuối năm. Vất vả khâu làm đất vụ này nhưng những vụ sau phù sa bồi làm cho rau tốt, mỡ màng, phân bón dùng ít hơn, cỏ dại cũng thưa hơn. Kể đến đây thì chị Thanh tươi cười như đã quên lâu rồi ngày nước lũ.

 Cán bộ khuyến nông nói về độ dinh dưỡng của phù sa sông Hồng.

Cán bộ khuyến nông nói về độ dinh dưỡng của phù sa sông Hồng.

Có mảnh ruộng cũng chừng 5.000 m2 ngay cạnh vườn nhà anh Hòa, khi nước rút, ông Nguyễn Văn Dũng còn không nhận ra phần đất nhà mình vì vừa được tôn lên bằng phù sa cao tới 30 - 40 cm.

Mất toàn bộ số bầu, bí, đỗ mới trồng nhưng ông Dũng không quá buồn vì mấy chục năm rồi đất mới được đại cải tạo như thế. Những vụ rau, màu bội thu năm sau, năm sau nữa đang chờ đón người nông dân Soi Cờ.

 Với những chỗ cao hơn ít bị ảnh hưởng bởi lũ, người dân Soi Cờ đã gieo hạt vụ rau mới.

Với những chỗ cao hơn ít bị ảnh hưởng bởi lũ, người dân Soi Cờ đã gieo hạt vụ rau mới.

Ông Dũng 58 tuổi, về sống tại Soi Cờ năm 1990, từ đó đến nay gia đình vẫn làm rau màu trên mảnh đất màu mỡ này. Là người ở miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới, lại chứng kiến nhiều lần nước sông Hồng lên cao nên ông Dũng bình thản đón nhận những gì trong nước lũ. Ông bảo: Cứ nghĩ tích cực đến đất đai được phù sa bồi lắng là tôi quên hết nỗi buồn mùa lũ.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp, cán bộ khuyến nông thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Thắng được phân công phụ trách xã Gia Phú cho hay, vùng rau chuyên canh của xã thuộc 3 thôn, tổng diện tích 22 ha, trong đó thôn Bến Phà 0,5 ha, thôn Chính Tiến 4,5 ha, số còn lại (17 ha) tập trung tại thôn Soi Cờ.

 Soi Cờ có 10 ha rau không bị ngập nước.

Soi Cờ có 10 ha rau không bị ngập nước.

Thôn Soi Cờ có khoảng 170 hộ thì quá nửa số đó trồng rau chuyên canh, gối vụ quanh năm, một số cấy lúa, trồng ngô, cây ăn quả trên đất bãi bồi ven sông.

Sau lũ ngập, xã Gia Phú và ngành nông nghiệp huyện Bảo Thắng đang hướng dẫn, đôn đốc bà con khẩn trương làm đất, không để phù sa khô sẽ bết dính, đất chặt, khó làm. Ông Hiệp cho hay, ngành nông nghiệp cũng sẽ đề xuất với UBND huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất, nhất là vùng chuyên canh lớn như Soi Cờ để ổn định nguồn cung rau xanh, thực phẩm trên địa bàn và cung ứng cho thành phố Lào Cai.

 Một giàn mướp bị hỏng sau lũ.

Một giàn mướp bị hỏng sau lũ.

Nói về giá trị của phù sa, ông Hiệp cho biết vùng rau chuyên canh Soi Cờ vốn nằm trên nền phù sa cổ, hình thành qua quá trình bồi đắp của nhiều đợt sông nước dâng cao. Phù sa có nguồn gốc các bề mặt phong hóa, chứa nhiều khoáng chất, vi chất tự nhiên và chất dinh dưỡng nguồn gốc hữu cơ rất có lợi cho cây trồng, đặc biệt là các loại rau, màu.

"Đây là mặt hữu ích với sản xuất nông nghiệp của nước lũ trên sông Hồng" - ông Nguyễn Hồng Hiệp, cán bộ khuyến nông huyện Bảo Thắng cho biết.

Một vài tài liệu, các bài báo mà tôi đọc được có nói đến thông tin năm nào Đồng bằng sông Cửu Long (nơi thiếu những con đê như đồng bằng Bắc Bộ) không có nước lũ thì sản lượng thóc giảm khoảng 2%.

 Hình ảnh thân thuộc của vùng rau chuyên canh Soi Cờ. (Ảnh chụp sau lũ lịch sử)

Hình ảnh thân thuộc của vùng rau chuyên canh Soi Cờ. (Ảnh chụp sau lũ lịch sử)

Mưa lũ là hiện tượng tự nhiên. Nước lũ quá lớn gây hại cho sản xuất, đời sống là thiên tai nhưng nước lũ cũng mang đến hàng triệu tấn phù sa bồi đắp cho những bến bờ thêm phì nhiêu. Rời xã Gia Phú, trong ánh ráng chiều, chúng tôi thấy lấp ló bên những hàng cây, cạnh các giàn rau, màu là những ngôi nhà biệt thự mái Thái khang trang, bức tranh của ấm no, phồn thịnh...

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/them-phi-nhieu-nhung-bai-boi-post390971.html
Zalo