Thêm kỳ tích y khoa Việt

Công trình khoa học về điều trị hiếm muộn của Việt Nam vừa được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới góp phần nâng tầm y học nước nhà

Đây là lần thứ hai, một công trình khoa học giá trị của Bệnh viện Mỹ Đức nói riêng và y khoa Việt Nam nói chung xuất hiện trên tập san y khoa danh giá nhất thế giới hiện nay - The Lancet.

Kỳ tích từ sự vượt khó

Theo các chuyên gia, hiện nay điều trị chuyển phôi trữ lạnh đã trở nên phổ biến hơn trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, với việc số chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh ngày càng tăng nhanh. Trong quy trình điều trị này, việc chuẩn bị nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng nhất nhằm bảo đảm cho sự đồng bộ giữa phôi và nội mạc tử cung. Việc chuẩn bị nội mạc tử cung giống như xây dựng một chiếc tổ ấm cho phôi, trước khi phôi được chuyển vào bên trong tử cung. Với một môi trường tốt, phôi có thể phát triển khỏe mạnh hơn, cơ hội đậu thai cũng tăng cao hơn. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân sẽ có một thể trạng khác nhau. Việc sử dụng một phác đồ duy nhất sẽ không thật sự phù hợp cho tất cả bệnh nhân.

Bác sĩ Hồ Ngọc Anh Vũ, Trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức, thực hiện phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung cho bệnh nhân hiếm muộn theo nghiên cứu mới

Bác sĩ Hồ Ngọc Anh Vũ, Trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức, thực hiện phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung cho bệnh nhân hiếm muộn theo nghiên cứu mới

Dù phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung đã, đang và sẽ được áp dụng rất nhiều trên thế giới, song bằng chứng khoa học về hiệu quả của các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung hiện nay lại rất ít. Vì vậy, công trình khoa học "So sánh hiệu quả 3 phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung được áp dụng phổ biến trên thế giới" của Bệnh viện Mỹ Đức sẽ hỗ trợ cho các bác sĩ có thêm nhiều chứng cứ khoa học, giúp đưa ra lựa chọn phác đồ theo hướng cá thể hóa, phù hợp cho từng bệnh nhân, nhằm tối ưu hóa kết quả điều trị.

ThS-BS Hồ Mạnh Tường tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn trước khi thực hiện quy trình theo phác đồ điều trị mới

ThS-BS Hồ Mạnh Tường tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn trước khi thực hiện quy trình theo phác đồ điều trị mới

Công trình khoa học này là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên thế giới được tiến hành với cỡ mẫu lớn 1.428 bệnh nhân, thiết kế chặt chẽ, đầy đủ các vấn đề liên quan mật thiết đến hiệu quả - tính an toàn của 3 phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung thường được sử dụng nhất hiện nay trong thực hành lâm sàng. Đây cũng là công trình khoa học đầu tiên có tiến hành phân tích giữa kỳ và được sự đánh giá của hội đồng phân tích dữ liệu quốc tế độc lập gồm các chuyên gia giáo sư như Lyle Gurrin (Anh), Jim Thorton (Úc) và Ernest Ng (Hồng Kông). Việc làm này bảo đảm các dữ liệu nghiên cứu luôn được giám sát và đánh giá khách quan, bảo đảm sự an toàn và hiệu quả cho các bệnh nhân, cũng như tăng tính khoa học và độ tin cậy của nghiên cứu.

Bác sĩ Hồ Ngọc Anh Vũ - Trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết khi nghiên cứu mới triển khai được 2 tháng, TP HCM bắt đầu chứng kiến đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Do ảnh hưởng của việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, việc tiến hành nghiên cứu đã bị tạm dừng. Các nghiên cứu viên phải tập trung tối đa vào việc bảo đảm an toàn cho hoạt động y tế của các hoạt động phòng chống dịch. Một yếu tố quan trọng nhất giúp nhóm nghiên cứu Bệnh viện Mỹ Đức vượt qua khó khăn đại dịch COVID-19 là sự hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả từ các bác sĩ, nữ hộ sinh, nhân viên y tế, khoa xét nghiệm, nhà thuốc và Trung tâm Nghiên cứu HOPE - Bệnh viện Mỹ Đức.

"Đây là nỗ lực lớn từ việc thu nhận bệnh nhân, hướng dẫn, theo dõi chuẩn bị nội mạc, lên lịch chuyển phôi và bảo đảm chuyển phôi được diễn ra trọn vẹn cho đến thu thập và lưu trữ mẫu máu…, bảo đảm các khâu đều thực hiện hoàn chỉnh, theo đúng quy trình. Trung tâm Nghiên cứu HOPE cũng đã làm việc chặt chẽ và tuân thủ nghiêm túc các quy định đạo đức và quy tắc tốt lâm sàng (GCP), giúp quá trình nghiên cứu diễn ra một cách trôi chảy và đúng quy chuẩn quốc tế" - bác sĩ Vũ nhớ lại.

Lan tỏa thành công y học nước nhà

Trước đó, công trình khoa học "So sánh hiệu quả kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) và thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển ở bệnh nhân vô sinh không có bất thường tinh trùng" của bệnh viện cũng đã được công bố trên Lancet vào tháng 4-2021.

ThS-BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP HCM (HOSREM), Đại diện Trung tâm Nghiên cứu HOPE - Bệnh viện Mỹ Đức, cho biết các kết quả và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề liên quan đến các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung rút ra từ công trình nghiên cứu này sẽ giúp việc lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân, tối ưu hóa an toàn và hiệu quả của quá trình điều trị, theo xu hướng cá thể hóa của y học hiện đại.

"Đây cũng chính là điều Bệnh viện Mỹ Đức luôn quan tâm và hướng đến. Hơn 1 năm nay, bệnh nhân đến điều trị tại đây đã bắt đầu hưởng lợi ích từ các hiểu biết mới, điều chỉnh phác đồ, đúc kết từ kết quả nghiên cứu này. Sau khi kết quả nghiên cứu được công bố trên tập san The Lancet, các kiến thức và hiểu biết mới của đề tài sẽ được lan tỏa trên toàn thế giới" - bác sĩ Tường nhấn mạnh.

Tăng cơ hội cho nhiều cặp vợ chồng

The Lancet được xem là tạp chí y khoa hàng đầu trên thế giới hiện nay, phản ánh và thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực y khoa toàn cầu. Với hơn 200 năm lịch sử (từ năm 1823), The Lancet đã xuất bản nhiều bài báo đánh giá và nghiên cứu chất lượng cao trong các lĩnh vực như lâm sàng, y học cộng đồng, y tế công cộng và nghiên cứu cơ bản của các nhóm nghiên cứu và trường đại học nổi tiếng thế giới. Tạp chí này được coi là một trong những nguồn thông tin uy tín và tiên tiến nhất trong cộng đồng y học và khoa học y tế toàn cầu với chỉ số ảnh hưởng khoa học (impact factor) hiện tại là cao nhất trên thế giới. Chính vì vậy, các yêu cầu của tạp chí này là rất nghiêm ngặt với tiêu chuẩn rất cao. The Lancet chỉ chấp nhận đăng những công trình nghiên cứu chất lượng cao với phẩm chất khoa học vượt trội.

Công trình của Việt Nam mới này được xem là công trình khoa học so sánh các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung để cá thể hóa quá trình điều trị, hỗ trợ thêm nhiều căn cứ giúp đưa ra lựa chọn phác đồ phù hợp nhất nhằm nâng cao tỉ lệ thành công cho từng cặp vợ chồng hiếm muộn. Công trình hàng trăm trang nghiên cứu hoàn thành việc nhận mẫu từ tháng 3-2023 với tổng cộng 111 yêu cầu, tiêu chí, khía cạnh, dữ liệu khoa học… cần làm rõ, bổ sung. Sau nhiều phản biện độc lập, góp ý tích cực, bình duyệt của nhóm chuyên gia hàng đầu trên thế giới cùng tất cả sự nỗ lực, dày công nghiên cứu của bác sĩ Việt Nam, đến tháng 6-2024, công trình khoa học này được chính thức công nhận, mở thêm tầm y học nước nhà ra với thế giới.

Gần 8% dân số vô sinh, hiếm muộn

Thông tin này được công bố tại chương trình ra mắt "Chính sách phúc lợi dành cho nhân viên thực hiện hỗ trợ sinh sản theo chỉ định y khoa" do Công ty Merck Việt Nam (viết tắt Merck) vừa tổ chức tại TP HCM. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam ước tính có khoảng 7,7% dân số bị vô sinh, hiếm muộn. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15%-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tuy nhiên, chi phí điều trị hiếm muộn khá cao, lại không nằm trong danh mục BHYT chi trả.

Trước gánh nặng tâm lý và tài chính mà bệnh lý hiếm muộn có thể gây ra cho gia đình, Merck tiên phong áp dụng chính sách phúc lợi dành cho nhân viên trên toàn cầu (64.000 nhân viên trên 65 quốc gia), trong đó có Việt Nam. Thông qua chương trình, Merck cũng đang đóng góp thiết thực vào sự tiến bộ chung của xã hội, cải thiện mức sinh và phát triển bền vững. Không chỉ là nguồn động viên mà còn là nghĩa cử hết sức nhân văn thiết thực dành cho những nhân viên chưa may mắn trên hành trình thực hiện ước mơ làm cha mẹ của mình. Cụ thể, tất cả người lao động nơi đây sẽ được chi trả chi phí điều trị đối với các phương pháp hỗ trợ sinh sản, bao gồm: Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); bơm tinh trùng vào buồng tử cung; tiêm tinh trùng vào bào tương của noãn; gây rụng trứng; điều trị vô sinh nam; trữ đông trứng; các tiền xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm dự trữ buồng trứng, xét nghiệm tinh dịch đồ , khám tử cung & xét nghiệm/tình trạng hormone.

Theo Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP HCM (HOSREM), ở Việt Nam, gánh nặng gia đình, áp lực sinh con thường đè nặng lên vai người phụ nữ. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ trên 30 tuổi khả năng sinh sản giảm. Do đó, nếu có điều kiện nên kiểm tra sức khỏe sinh sản càng sớm càng tốt. Kết quả điều trị hỗ trợ sinh sản tùy thuộc vào độ phức tạp của bệnh lý và độ tuổi của người phụ nữ. "Hiện nay, việc thăm khám và điều trị hiếm muộn ngày càng phổ biến và kỹ thuật càng chuẩn hóa. Các cặp vợ chồng nên tìm đến các bệnh viện, cơ sở điều trị có chuyên khoa hỗ trợ sinh sản thì chất lượng và kết quả điều trị tốt hơn, đỡ mất thời gian hơn" - lãnh đạo HOSREM nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/them-ky-tich-y-khoa-viet-196240729203721957.htm
Zalo