Thêm hình thức mới trong buôn lậu xăng dầu trên biển
Như một quy luật, vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán tình trạng buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam luôn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính vẫn là do nhu cầu tiêu dùng thời điểm này tăng cao. Các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi khiến nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu của lực lượng chức năng càng trở nên khó khăn, đòi hỏi phải có phương án đấu tranh bài bản để triệt phá thành công các đường dây mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép.
Để hiểu rõ về tình hình buôn lậu cũng như các biện pháp nghiệp vụ được lực lượng triển khai ra sao, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Văn Khánh, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm, vi phạm, Bộ tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4.
Phóng viên (PV): Bằng các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình đồng chí nhận định như thế nào về tình trạng buôn lậu trên vùng biển Tây Nam, nhất là trong dịp Tết?
Thượng tá Lê Văn Khánh: Thông qua các biện pháp nghiệp vụ cũng như trao đổi thông tin với lực lượng phối hợp, hiệp đồng có liên quan tại địa phương, có thể xác định vào mỗi dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán các đối tượng thực hiện hành vi mua bán vận chuyển hàng hóa trên biển thường nhiều hơn nên giai đoạn này nếu không đấu tranh tốt sẽ rất phức tạp.
Qua nắm tình hình thì hàng hóa không có gì khác nhiều so với mọi năm nhưng khi nhu cầu tăng thì cung sẽ tăng. Các mặt hàng chủ yếu vẫn tập trung vào các nhóm hàng liên quan đến tiêu dùng dịp Tết như: Đường, nước ngọt hoặc một số mặt hàng cấm như thuốc lá lậu, đặc biệt trên biển thì mặt hàng xăng dầu DO vẫn luôn là chủ yếu vì phục vụ tàu cá hoạt động trên biển.
Vào các dịp Tết, sức nóng của tình trạng buôn lậu xăng dầu vẫn không hạ nhiệt. Bởi hầu hết ngư dân các địa phương vùng biển Tây Nam đều có thông lệ tổ chức xuất bến khai thác đầu năm. Theo kinh nghiệm của họ thời điểm cuối tháng Chạp đến giữa tháng Giêng thường đánh bắt được nhiều hải sản hơn, do vậy, nhu cầu nhiên liệu cho các tàu cá hoạt động thời gian này là rất lớn. Bên cạnh đó, dịp Tết những kẻ buôn lậu thường có suy nghĩ các lực lượng chức năng sẽ lơ là, thiếu cảnh giác vì thế họ thường lợi dụng để vận chuyển xăng dầu trái phép.
PV: Về các mặt hàng không mới, tuy nhiên phương thức, thủ đoạn của các đối tượng có gì mới so với trước đây không thưa đồng chí?
Thượng tá Lê Văn Khánh: Về phương thức, thủ đoạn các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, khu vực có nhiều cửa sông, cửa biển, các vùng, các đảo để luồn lách, tránh lực lượng chức năng phát hiện. Khi gặp lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển các đối tượng sẵn sàng tăng tốc bỏ trốn, thậm chí đâm va vào lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, gây nguy hiểm cho người và phương tiện thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Tuy nhiên trong năm nay, phát hiện điểm mới là trước đây dầu DO mua bán trôi nổi trên biển và bán lại cho các tàu cá ngay ở trên biển nhưng thời gian qua, bằng các biện pháp nghiệp vụ lực lượng Cảnh sát biển cũng đấu tranh, phát hiện một vài vụ dầu DO mua trôi nổi trên đất liền rồi hợp thức hóa các hồ sơ thủ tục để bán cho các tàu cá hoạt động ngoài biển.
Cụ thể là mới đây, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiếp nhận, xử lý 2 vụ, 3 tàu với hơn 100.000 lít dầu DO do Đoàn Trinh sát số 2, Cảnh sát biển Việt Nam bàn giao. Ban đầu, các đối tượng xuất trình hồ sơ về hàng hóa vận chuyển trên tàu, xong bằng các biện pháp nghiệp vụ, với tinh thần kiên quyết đấu tranh, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ số dầu DO vận chuyển trên 3 tàu được mua trôi nổi ở trong đất liền sau đó hợp thức hóa hồ sơ để bán cho các tàu cá. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
PV: Theo như đồng chí nói thì riêng mặt hàng xăng dầu phức tạp khi hàng loạt tàu cá ra khơi đầu năm. Với cán bộ, chiến sĩ, vừa ăn Tết xong tâm lý Tết vẫn còn vậy có ảnh hưởng gì đến thực hiện nhiệm vụ không, thưa đồng chí?
Thượng tá Lê Văn Khánh: Cũng như mọi năm thời điểm trước Tết, đồng chí Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có chỉ thị mở các đợt cao điểm đấu tranh trước trong và sau Tết.
Cùng với đó quán triệt, triển khai chỉ thị cao điểm của Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Đảng ủy-Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã có nghị quyết chuyên đề, tích cực triển khai các biện pháp cũng như phát động quần chúng trong việc phát hiện, cung cấp thông tin đồng thời chủ động lực lượng để triển khai ngay sau Tết vì đánh giá tình hình đây là thời điểm đối tượng sẽ hoạt động mạnh để bảo đảm nguồn hàng cho các tàu cá ra khơi những ngày đầu năm.
Quân đội lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, vui Xuân, đón Tết vẫn không quên nhiệm vụ nên chúng tôi luôn có sự chuẩn bị với tinh thần chủ động, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó phát hiện, ngăn chặn thành công với các đối tượng có hành vi mua bán, sang mạn, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển cũng như các hành vi khác.
PV: Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những biện pháp sắp tới mà đơn vị triển khai thực hiện để góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đảm bảo bình yên cho vùng biển Tây Nam?
Thượng tá Lê Văn Khánh: Đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị mở đợt cao điểm của đồng chí Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng như kế hoạch triển khai của Ban chỉ đạo 1389 Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 ra nghị quyết chuyên đề có kế hoạch triển khai thực hiện rất cụ thể, sát tình hình vùng biển đơn vị quản lý. Chúng tôi đã chủ động đánh giá tình hình và căn cứ thực tiễn các năm trước để tham mưu, đề xuất các biện pháp nghiệp vụ.
Cụ thể là làm tốt công tác nắm tình hình, tập trung vào các đối tượng, địa bàn trọng điểm, tuyến, khu vực trọng điểm để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật; tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là ngư dân hoạt động trên biển kịp thời phát hiện các đối tượng có hành vi vi phạm để thông báo tới lực lượng cảnh sát biển; triển khai các biện pháp nghiệp vụ kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp bí mật với lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát công khai để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng như các tội phạm, vi phạm khác trên biển.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
THÚY AN (thực hiện)
* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.