Thêm góc nhìn vụ hiệu trưởng ở Cà Mau bị cáo buộc tham ô 10,7 triệu đồng
Việc tòa án cấp sơ thẩm tuyên ông hiệu trưởng ở Cà Mau mức án 7 năm tù về tội tham ô với số tiền 10,7 triệu đồng làm dư luận có cảm giác nặng về trừng phạt mà chưa thấy sự khoan hồng của pháp luật.
Đảng ta luôn xác định việc phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh quyết liệt. Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị cũng xác định phòng, chống tham nhũng là mục tiêu rất quan trọng.
Để làm được điều này phải nhận diện chính xác các biểu hiện của tham nhũng để từ đó phát hiện và xử lý nghiêm minh. Xử lý nghiêm minh tham nhũng không đơn thuần chỉ là trừng trị người vi phạm mà quan trọng hơn là tạo ra hiệu quả trong việc phòng ngừa chung.
Chế tài phù hợp với hành vi vi phạm, vừa có ý nghĩa răn đe, vừa có ý nghĩa giáo dục và sâu xa hơn mang tính cảnh báo đến mọi người.

Một số vật dụng, thiết bị mà ông Tâm và một giáo viên khác tự tay làm đang được sử dụng trong trường. Ảnh: TV
Ông hiệu trưởng suy nghĩ và hành động vì cái chung
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Tham nhũng có nhiều biểu hiện như tham ô tài sản, nhận hối lộ… nhưng nhìn chung phải thỏa mãn hai điều kiện tiên quyết: Chủ thể của tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn; (2) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.
Tùy vào tội danh cụ thể liên quan đến nhóm tội phạm tham nhũng được quy định trong Bộ luật Hình sự sẽ có các cấu thành đặc thù.
Điều 353 Bộ luật Hình sự quy định về tội tham ô tài sản với các dấu hiệu định tội như sau:
Về khách thể: Hành vi này xâm phạm hoạt động đúng đắn, xâm phạm đến quyền sở hữu của cơ quan, tổ chức.
Mặt khách quan: Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Mặt chủ quan: Hành vi được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Do là lỗi cố ý trực tiếp nên người phạm tội tham ô tài sản được xác định là có động cơ vụ lợi.
Về chủ thể: Người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn được giao quản lý tài sản.
Vừa qua, vào ngày 6-5-2025, TAND tỉnh Cà Mau đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án ông Trần Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ) bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù do phạm tội tham ô tài sản với số tiền 10,7 triệu đồng.
Tuy nhiên, bản án phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng các cơ quan tố tụng và tòa án cấp sơ thẩm đã bỏ qua việc định giá tài sản. Hội đồng xét xử đánh giá đây là một thiếu sót nghiêm trọng cần phải được điều tra lại.
Theo hồ sơ vụ án, trong năm học 2022-2023, Trường THCS Tam Giang Tây có nhu cầu mua sắm, sửa chữa một số trang thiết bị để phục vụ công tác dạy và học. Thiết bị cần mua là kệ đựng hồ sơ, kệ để tivi.
Ông Trần Văn Tâm (sinh 1971) là Hiệu trưởng của trường nhận thấy mình có tay nghề nên thay vì mua, ông này đã nhận việc tự tay chế tác kệ hồ sơ, kệ tivi... Vấn đề phát sinh khi đến khâu thanh toán, quyết toán thì không thể thực hiện được bởi các sản phẩm do chính ông Hiệu trưởng làm ra không có hợp đồng mua bán, không có hóa đơn đầu vào.
Để hợp thức hóa chi phí cho công sức và vật tư mình đã bỏ ra, ông Tâm liên hệ với các doanh nghiệp bên ngoài để mua hóa đơn, ghi khống nội dung mua bán.
Tòa sơ thẩm nhận định số tiền thực tế ông Tâm chi trả cho việc mua vật tư và công sức lao động thấp hơn nhiều so với số tiền ghi trên hóa đơn. Phần chênh lệch được tính toán là 10,7 triệu đồng và được xác định là số tiền ông Tâm chiếm đoạt.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi hợp thức hóa thanh toán bằng hóa đơn đi mua là sai. Điều này khó có thể biện minh.
Tuy nhiên, việc hợp thức hóa này cũng có thể cảm thông dưới góc độ đạo lý, bởi sức lao động là một loại hàng hóa. Nhà nước mua hay tư nhân mua đều phải trả bằng tiền.

TS Cao Vũ Minh, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính - Nhà nước, Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM.
Bản án sơ thẩm nặng về trừng phạt mà chưa thấy sự khoan hồng, giáo dục
Do đó, công sức của ông Tâm bỏ ra để tự tay chế tác kệ hồ sơ, kệ tivi cũng cần phải được thanh toán bằng tiền, dẫu biết rằng thanh toán bằng cách ông đã làm là sai. Vì lẽ này, nên cáo buộc của cấp sơ thẩm đối với ông Tâm cần phải được xem xét lại một cách kỹ lưỡng.
Về mặt nhận thức, ông Tâm hoàn toàn có thể nhận thức được việc mua hóa đơn để hợp thức hóa là sai, nhưng để cáo buộc ông cố ý chiếm đoạt tài sản do mình quản lý là chưa thỏa đáng. Có lẽ, ông chỉ giản đơn cho rằng mình có làm thì phải có hưởng.
Nhiều người có thể cho rằng ông có động cơ vụ lợi và vì vụ lợi nên ông mới có thể “bỏ túi” 10,7 triệu đồng. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm đã bác bỏ điều này bởi các cơ quan tiến hành tố tụng và cấp tòa sơ thẩm đã không định giá toàn bộ tài sản mà ông Tâm đã làm.
Chỉ khi định giá được các loại tài sản này thì mới có thể biết được số tiền dôi dư ra là bao nhiêu mà có kết luận vững chắc cuối cùng. Cứ thử cho rằng số tiền chênh lệch là có thì việc kết luận ông Tâm có động cơ vụ lợi vẫn cần xem xét một cách khách quan với diễn biến toàn cục.
Trên thực tế, với số tiền nhận được từ hoạt động thanh toán, quyết toán, ông Tâm cũng đã bỏ tiền mua vật liệu sửa và mua sơn để sơn lại hàng rào của nhà trường. Số tiền này cũng là để lo cho cái chung chứ ông Tâm không tư túi - tức là không vụ lợi.
“Một ngàn lời nói hoa mỹ không bằng một hành động chân thành”. Hành động bỏ tiền để gia cố và làm mới hàng rào của nhà trường tự thân nó đã cho thấy ông Tâm là người suy nghĩ và hành động vì cái chung. Vì lẽ đó, cái gọi là vụ lợi cần phải được nhìn nhận một cách thật công tâm.
Tham nhũng xảy ra khắp nơi, đặc biệt là “tham nhũng vặt”. Tham nhũng vặt đâu đâu cũng có. Thế nhưng ở một ngôi trường nghèo tại nơi cực Nam tổ quốc, hành vi tự tay chế tác đồ dùng và quyết toán theo cách phi truyền thống khó có thể thỏa mãn dấu hiệu của tội tham ô tài sản.
Việc tòa sơ thẩm tuyên bản án 7 năm tù làm cho nhiều người cảm thấy nặng nề về trừng phạt mà chưa thấy sự khoan hồng, giáo dục.
So với lời tự bào chữa “đen thôi, đỏ quên đi” của bị cáo Trần Văn Dự trong vụ án chuyến bay giải cứu (nhận hối lộ 7,6 tỉ đồng), nhận thức của ông Tâm hoàn toàn mang tính sơ khai.
So với số tiền khủng mà ông Lê Viết Chữ nhận hối lộ trong vụ Tập đoàn Phúc Sơn (6 tỷ đồng) thì số tiền mà ông Tâm “tự chiếm đoạt” (nếu có) thực sự “chỉ như cái móng tay”. Vậy mà số năm tù ông Tâm phải lãnh lại bằng số năm tù mà bị cáo Trần Văn Dự và Lê Viết Chữ bị tuyên.
Rõ ràng, việc áp dụng pháp luật của Tòa sơ thẩm không khỏi làm người ta chạnh lòng khi không xét đến tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
Áp dụng tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị có đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo”.
Tuy nghị quyết này chỉ áp dụng đối với lĩnh vực kinh tế tư nhân nhưng thiết nghĩ tinh thần của nghị quyết là rất nhân văn và cần được nhân rộng. Đối với trường hợp của ông Tâm, việc xử lý thế nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, nếu có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì vẫn mong các cơ quan tiến hành tố tụng không đưa ông vào vòng lao lý.
Con người làm ra pháp luật, con người cũng là chủ thể áp dụng pháp luật. Việc áp dụng pháp luật ngoài quy phạm khuôn mẫu, con người còn có trái tim, có xúc cảm và có niềm tin nội tâm.
Hy vọng sẽ một kết thúc có hậu cho ông Tâm, kết thúc này được kết tinh từ tính nhân bản của con tim và khối óc của những người cầm cân nảy mực.