Thêm dư địa giảm lãi suất cuối năm

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ mang đến 'làn gió mát' cho nền kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp hy vọng sẽ có nguồn vốn rẻ để đầu tư sản xuất những tháng cuối năm. Ảnh: Quốc Hải

Doanh nghiệp hy vọng sẽ có nguồn vốn rẻ để đầu tư sản xuất những tháng cuối năm. Ảnh: Quốc Hải

Kỳ vọng này khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ. Đó là hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều DN ở khu vực phía Bắc đang bị tác động bởi cơn bão số 3.

Duy trì lãi suất thấp

Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, đến ngày 17/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 7,38% so với cuối năm 2023, lượng vốn đưa ra thị trường khoảng gần 1 triệu tỷ đồng.

Như vậy, trong 3 tháng còn lại của năm 2024, hệ thống ngân hàng sẽ phải thực hiện đẩy ra lượng vốn cũng tương đương 1 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi tháng bơm ra nền kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng là một thách thức không hề nhỏ.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng bên cạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, lãi suất giảm sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp. Đặc biệt, điều thị trường đang rất mong đợi là một quyết định giảm lãi suất điều hành, như trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu.

Bởi, nếu các chính sách này được thực thi sẽ là một quyết sách tác động mạnh đến thị trường và phần nào giúp kìm hãm đà tăng lãi suất tiền gửi đã khởi phát từ đầu quý II/2024 đến nay.

Trong báo cáo mới phát hành, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo NHNN có nhiều dư địa hơn để tiếp tục nới lỏng chính sách. Lạm phát trong nước hiện đang trong tầm kiểm soát và áp lực từ lãi suất USD đã giảm. Điều này cho phép NHNN giảm lãi suất mà không gây ra những biến động lớn đối với tỷ giá. Bởi, nếu so sánh với các giai đoạn trước, NHNN đã có kinh nghiệm ứng phó với các cú sốc bên ngoài, đồng thời điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

“Trong thời gian tới, NHNN có thể tiếp tục thực hiện các gói tín dụng ưu đãi để kích thích tiêu dùng và đầu tư, từ đó hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và các biến cố như bão lũ. Đồng thời, những biện pháp như giãn nợ, giảm lãi suất cho vay cũng được áp dụng để giúp các doanh nghiệp và người dân phục hồi sau bão lũ”, chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng nhận định.

 Khách hàng vay vốn tại Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Thuận.

Khách hàng vay vốn tại Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Thuận.

Giảm áp lực tỷ giá, thêm dư địa hạ lãi suất?

Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương nhận định, khi Fed giảm lãi suất, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có NHNN Việt Nam sẽ cân nhắc trong việc hạ lãi suất để tương đồng với mặt bằng chung. Bởi “luật bất thành văn”, lãi suất của Fed luôn là mức tham chiếu dành cho các ngân hàng trung ương trên thế giới để điều tiết các công cụ tiền tệ, công cụ tỷ giá.

“Khi Fed giảm lãi suất thì không những giảm lần này mà cũng đã mở ra một chu kỳ sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Nguyên nhân là vì mục tiêu của Fed là sẽ đưa mức lãi suất về mức như cũ là quanh ngưỡng +-3%. Hiện tại mức lãi suất của Fed vẫn là 4,5% - 4,75% nên sẽ phải điều chỉnh thêm.

Khi Fed điều chỉnh thêm thì chắc chắn các ngân hàng trung ương sẽ có động thái giảm lãi suất điều hành và NHNN Việt Nam ngoài dư địa giảm lãi suất thì còn có thêm nhiều dư địa, khoảng trống để điều tiết, kể cả công cụ tỷ giá một cách linh hoạt… Cho nên đây là tín hiệu tốt cho kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam”, ông Phương nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, khi lãi suất điều hành giảm thì chắc chắn các DN sẽ dễ dàng tiếp cận được dòng vốn vay với chi phí rẻ hơn. Từ đó các DN sẽ mạnh dạn vay vốn để tái đầu tư, phát triển kinh doanh sản xuất và nền kinh tế sẽ phục hồi, phát triển mạnh hơn dựa trên sự đẩy mạnh đầu tư, phát triển của DN.

“Khi lãi suất giảm thì dòng vốn vay cũng giảm, dẫn đến chi phí vốn đi vay cũng giảm. Lúc đó, người dân được hưởng lợi khi có nhu cầu vay vốn tiêu dùng cá nhân, sửa chữa nhà, mua sắm… Họ sẽ mạnh dạn vay vốn nhiều hơn. Đây cũng là nền tảng kích hoạt nền kinh tế chi tiêu nhiều hơn, sức mua tăng.

Chưa kể, khi lãi suất giảm thì lãi suất huy động đầu vào cũng giảm, từ đó lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn nên các nhà đầu tư sẽ có xu hướng chuyển dịch dòng vốn sang các kênh đầu tư khác có lợi hơn như bất động sản, chứng khoán… Nhờ vậy mức luân chuyển dòng vốn trong nền kinh tế sẽ linh hoạt hơn và nền kinh tế sẽ hưởng lợi nhiều hơn”, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương lý giải.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế tài chính cũng nhận định, Fed giảm lãi suất có tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam ở nhiều khía cạnh. Trước hết, việc Fed giảm lãi suất sẽ làm thu hẹp lại khoảng cách giữa lãi suất USD và VND.

“Lãi suất chúng ta dùng để so sánh là lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng. Trước đây, có lúc khoảng cách này rất cao, tới 5%. Chênh lệch càng lớn thì đồng Việt Nam càng mất giá và đẩy tỷ giá lên. Giờ đây, chênh lệch đó thu hẹp lại, giúp giảm áp lực mất giá của VND. Như vậy, chúng ta có dư địa để giảm lãi suất mà không sợ đồng Việt Nam mất giá”, ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Tiếp đến, việc Fed giảm lãi suất cũng tạo điều kiện cho NHNN tiếp tục giảm lãi suất. Bởi vì trước đây khi chênh lệch giữa lãi suất USD và VND lớn thì khi đó nếu Việt Nam giảm lãi suất sâu sẽ tác động lên tỷ giá và cả đầu tư nước ngoài.

“Khi Fed giảm lãi suất thì NHNN có thể tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, tức là hạ lãi suất để hỗ trợ DN, đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều DN ở miền Bắc đang bị tác động bởi siêu bão Yagi. Giảm lãi suất tại thời điểm này là phù hợp mà không sợ đẩy lạm phát hoặc làm mất giá tiền đồng như trước kia”, ông Hiếu nói thêm.

Về tác động gián tiếp, chuyên gia này cho hay, việc Fed hạ lãi suất có thể làm giảm tỷ giá và điều đó tác động đến hàng nhập khẩu của Việt Nam. Phần lớn hàng nhập khẩu được thanh toán bằng USD. Khi hàng nhập khẩu được thanh toán bằng USD mà tỷ giá giữ nguyên, ổn định hoặc giảm thì giá hàng nhập khẩu tính ra tiền Việt Nam có thể ổn định hơn. Điều đó có lợi cho các nhà nhập khẩu và cho nền kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những thiệt hại từ bão Yagi và hoàn lưu sau bão có thể khiến tăng trưởng GDP quý III của cả nước giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có cơn bão này. Theo đó, GDP năm 2024 có thể thấp hơn 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8 - 7%).

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/them-du-dia-giam-lai-suat-cuoi-nam-post703345.html
Zalo