Thêm đối tượng thuộc Quân đội, Công an, Cơ yếu Chính phủ được tham gia bảo hiểm y tế

Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân và Cơ yếu Chính phủ có thêm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, nhiều chính sách về bảo hiểm y tế khác cũng được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 1-9-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu.

Thêm nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 74/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 2 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm y tế thuộc Bộ Quốc phòng quản lý gồm:

a) Sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ;

b) Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân đang tại ngũ, học viên Quân đội hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam;

c) Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 03 tháng trở lên chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

d) Học viên Quân đội hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài.

2. Người tham gia bảo hiểm y tế thuộc Bộ Công an quản lý gồm:

a) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân;

b) Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng Công an nhân dân;

c) Học viên Công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam;

d) Học viên Công an hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài.

3. Người làm công tác cơ yếu tham gia bảo hiểm y tế gồm:

a) Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ;

b) Học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam;

c) Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các bộ, ngành, địa phương trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

d) Học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài.

4. Dân quân thường trực.

5. Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ; cơ quan, tổ chức có liên quan đến thực hiện bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu và nhân dân quy định tại điểm c khoản 4 Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế.

Một buổi huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Dân quân thường trực xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: qdnd.vn

Một buổi huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Dân quân thường trực xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: qdnd.vn

Như vậy, so với quy định tại Nghị định số 70/2015/NĐ-CP, Bộ Quốc phòng có thêm 3 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là: Học viên quân đội hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam; học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 03 tháng trở lên chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; học viên quân đội hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài.

Tương tự, Bộ Công an có thêm nhóm đối tượng học viên công an hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài. Nhóm đối tượng học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước trước đây được sửa đổi thành học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam.

Đối với người làm công tác cơ yếu, Nghị định số 74/2025/NĐ-CP bổ sung thêm nhóm đối tượng học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài; sửa đổi nhóm học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội thành học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam.

Đáng chú ý nhất là Nghị định số 74/2025/NĐ-CP đã bổ sung lực lượng dân quân tự vệ thuộc vào nhóm tham gia bảo hiểm y tế và được hưởng các chính sách về bảo hiểm y tế. Đây là vấn đề được nhiều cử tri các địa phương quan tâm, kiến nghị với Bộ Quốc phòng; Báo Quân đội nhân dân phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua.

Quy định mới về mức đóng bảo hiểm y tế

Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP về mức đóng bảo hiểm như sau:

1. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc mức tham chiếu theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, cụ thể:

a) Bằng 4,5% tiền lương tháng đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 (sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ), điểm a khoản 2 (sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân), điểm a và điểm c khoản 3 (người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các bộ, ngành, địa phương trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) Điều 2 Nghị định này;

b) Bằng 4,5% mức tham chiếu đối với đối tượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 (hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân đang tại ngũ, học viên Quân đội hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam; học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 3 tháng trở lên chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; học viên Quân đội hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài), các điểm b, c và d khoản 2 (hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng Công an nhân dân; học viên Công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam; học viên Công an hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài), điểm b và d khoản 3 (học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người Việt Nam; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài), khoản 4 (dân quân thường trực) Điều 2 Nghị định này;

c) Bằng 4,5% mức tham chiếu đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 (sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ), điểm a khoản 2 (sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân), điểm a và điểm c khoản 3 (người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các bộ, ngành, địa phương trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) Điều 2 Nghị định này khi nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng hoặc khi nghỉ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Nghị định số 74/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2025, trừ các điều, khoản sau đây có hiệu lực từ ngày 1-1-2025: Các khoản 1, 11 và 12 Điều 1, Điều 2, khoản 1 Điều 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 4; các khoản 9 và 10 Điều 1, trừ mức hưởng, phạm vi hưởng bảo hiểm y tế đối với đối tượng quy định tại điểm c, d khoản 1, điểm d khoản 2, điểm d khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/them-doi-tuong-thuoc-quan-doi-cong-an-co-yeu-chinh-phu-duoc-tham-gia-bao-hiem-y-te-823788
Zalo