Thêm chính sách hỗ trợ người TPHCM sinh con ngoài khoản 'thưởng' 2-3 triệu đồng
Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM nhìn nhận khoản hỗ trợ 3 triệu đồng với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi chắc chắn không bao giờ giải quyết được câu chuyện mức sinh thấp.
Bộ Y tế ước năm 2024 mức sinh của Việt Nam là 1,91 con/phụ nữ (tiếp tục giảm so với năm 2023), mức thấp nhất chưa từng có trong lịch sử.
TPHCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, nhiều năm liền dưới 1,5 con. Chi cục Dân số TP cho biết năm 2024, tổng tỷ suất sinh ước đạt 1,4 con/phụ nữ, có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023 là 1,32 con.
"Kinh phí hỗ trợ không bao giờ giải quyết được bài toán mức sinh thấp"
Ngày 11/12, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.
Trong đó, hỗ trợ 3 triệu đồng đối với phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi tại thành phố và hỗ trợ 2 triệu đồng đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống tại xã đảo khi thực hiện tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM, tại Hội nghị tổng kết công tác dân số 2024 diễn ra ngày 27/12 cho hay kinh nghiệm chỉ ra rằng các đô thị phát triển trong cùng khu vực châu Á đã dùng giải pháp kinh tế để giải quyết câu chuyện mức sinh thấp, nhưng chưa từng có đô thị nào thành công.
Nhìn nhận thẳng thắn với phần kinh phí hỗ trợ của thành phố như vậy chắc chắn không bao giờ giải quyết được câu chuyện mức sinh thấp, ông Trung khẳng định số tiền này "không phải là hỗ trợ về kinh tế" mà thể hiện sự quan tâm. Đây là giải pháp đầu tiên trong rất nhiều giải pháp để giải quyết bài toán mức sinh thấp của thành phố đông dân nhất nước này.
Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM cho biết trong kỳ họp HĐND cuối năm 2024, TPHCM thông qua nghị quyết hỗ trợ miễn học phí cho gần 500.000 học sinh THCS. Dự kiến ngay trong kỳ họp đầu năm, sẽ tiếp tục xem xét để thông qua nghị quyết đặc thù về hỗ trợ miễn phí bậc học mầm non và THPT cho toàn bộ học sinh.
Bên cạnh đó, ngành y tế TPHCM đang khẩn trương trình nghị quyết đặc thù về hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn cho tất cả cặp đôi đăng ký kết hôn và hỗ trợ toàn bộ chi phí sàng lọc trước sinh - sàng lọc sơ sinh cho người dân.
Khuyến sinh không thể làm bằng cách giục giã các cặp vợ chồng sinh con
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 11 về thực trạng, xu hướng mức sinh tại Việt Nam và các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác dân số giai đoạn 2025-2045, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết có 8 tỉnh/thành gồm: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu và Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ hai con đối với tập thể, cá nhân.
Đây là các địa phương có mức sinh thấp và mức sinh thay thế. Hình thức khuyến khích gồm: hỗ trợ tiền (từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng) hoặc hiện vật; hỗ trợ các chi phí y tế 1 lần (sinh con) đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; hỗ trợ giảm học phí từ bậc học mầm non đến bậc THPT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; khen và thưởng tiền cho các xã, phường, thị trấn đạt và vượt tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con.
Nhìn nhận về vấn đề này, Giáo sư Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho biết trong khu vực châu Á, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã và đang tích cực thực hiện các chính sách nhằm khuyến sinh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho hay việc thưởng hay hỗ trợ khi sinh - như một số nước đã thực hiện - có thể nói là chưa (hoặc thậm chí là không) hiệu quả như dự định của chính phủ các nước này bởi quá nhiều thứ mà các cặp vợ chồng phải “căn cơ, đo đếm” hơn là món tiền thưởng.
Việc thưởng tiền sẽ không đảm bảo khuyến sinh mà khoản kinh phí này chỉ có tính động viên về tinh thần, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ niềm vui của chính quyền và cộng đồng nơi hộ gia đình sinh sống, ông Long nói.
Theo GS Long, việc khuyến sinh không thể làm trực tiếp bằng cách giục giã các cặp vợ chồng sinh con, mà phải gián tiếp qua cải thiện đủ lớn điều kiện sống cũng như các cơ hội phát triển trong cả một quãng đường dài của đời người. Đồng bộ chính sách luôn là điều quan trọng nhất - đôi khi không phải là số lượng (ví dụ như khoản tiền “treo thưởng”) mà là chất lượng (cải thiện các dịch vụ giáo dục, y tế…).
Báo cáo chính sách Dân số Thế giới năm 2021 cho thấy tính đến năm 2019, trên toàn cầu có 55 chính phủ có chính sách tăng mức sinh, 19 chính phủ tập trung vào việc duy trì mức sinh hiện tại.
Chính sách phổ biến nhất được các quốc gia áp dụng là chế độ nghỉ thai sản có lương hoặc không lương được bảo đảm việc làm; tiếp đó là dịch vụ chăm sóc trẻ em do nhà nước trả tiền; trợ cấp cho trẻ em hoặc gia đình; nghỉ phép chăm con (cho bố và mẹ) có lương hoặc không lương kèm bảo đảm việc làm.
Hơn một nửa quốc gia áp dụng các chính sách cho phép giờ làm việc linh hoạt hoặc làm việc bán thời gian, ưu đãi thuế cho trẻ em phụ thuộc, tiền thưởng cho em bé (chi trả 1 lần).