Thêm 2 nước có bệnh nhân đậu mùa khỉ tử vong
Mexico và Cuba đồng loạt thông báo về cái chết của 2 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ, mặc dù không kết luận nguyên nhân tử vong là do căn bệnh này.
Theo Reuters, Bộ Y tế Mexico cho biết hôm 23-8 rằng các chuyên gia đang điều tra cái chết của một bệnh nhân HIV, đã chết vì sốc nhiễm trùng và viêm phổi sau khi xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ.
Mexico trước đó đã báo cáo 386 ca đậu mùa khỉ đã được xét nghiệm khẳng định và 862 trường hợp nghi nhiễm (có triệu chứng lâm sàng nhưng chưa được xét nghiệm).
Trong khi đó, nhà chức trách Cuba cho biết một người đàn ông Ý 50 tuổi, là khách du lịch đến nước này từ hôm 15-8, đã tử vong sau khi được chẩn đoán mắc đậu mùa khỉ.
Tình trạng bệnh nhân đã trở nên không ổn định kể từ hôm 18-8 và xấu đi nhanh chóng, sau đó tử vong. Kết quả pháp y cho biết nguyên nhân cái chết là nhiễm trùng huyết liên quan đến viêm phổi và tổn thương nội tạng.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng những người bị suy giảm miễn dịch nằm trong nhóm nguy cơ dễ diễn tiến nặng và tử vong nếu mắc đậu mùa khỉ.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến 17 giờ chiều 23-8 (giờ GMT, tương ứng với 0 giờ ngày 24-8 theo giờ Việt Nam), toàn cầu đã có 44.503 ca đậu mùa khỉ được xác nhận (đã xét nghiệm, chưa tính số ca nghi nhiễm).
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học khắp thế giới đang nỗ lực trên mặt trận vắc-xin và thuốc điều trị. Nhóm nghiên cứu đang thực hiện thử nghiệm nổi tiếng RECOVERY từ Đại học Oxford - Anh vừa tuyên bố chuyển trọng tâm sang một phương pháp điều trị đậu mùa khỉ.
RECOVERY là nghiên cứu quy mô lớn nhằm nghiên cứu 4 phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả. Nhưng vào hôm 23-8, nhóm nghiên cứu RECOVERY cho hay họ sẽ thực hiện một thử nghiệm mới gọi là PLATINUM để xác nhận liệu loại thuốc tên tecovirimat của hãng dược SIGA có phải là phương pháp điều trị đậu mùa khỉ hiệu quả hay không.
Tecovirimat vốn là loại thuốc từng được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa. Trước đó, tecovirimat đã được nghiên cứu bởi một nhóm khác đến từ Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ và CDC.
Trong bài công bố hôm 18-8 trên tạp chí y học danh tiếng New England Journal of Medicine (NEJM), nhóm chuyên gia Mỹ này cho biết họ đã chứng minh được hiệu quả của tecovirimat trong thử nghiệm điều trị đậu mùa khỉ trên động vật linh trưởng cũng như độ an toàn của nó với người. Họ đang tiếp tục tiến đến các thử nghiệm lâm sàng.