The Times: Quyết định tấn công sâu vào lãnh thổ Nga khó có thể được đưa ra
Tờ The Times cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden khó có thể công bố quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sau cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky vào ngày 26/9 tới.
Theo một nhà ngoại giao giấu tên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quyết định này sẽ do Mỹ và Anh đưa ra. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này nhấn mạnh vấn đề chính đối với các quốc gia phương Tây trong tình huống này là họ không biết “lằn ranh đỏ” của Nga thực sự là gì. Người này cũng nói rằng mức độ đe dọa từ Nga “chưa bao giờ cao đến vậy”.
Tờ báo lưu ý quyết định tấn công sâu vào lãnh thổ Nga khó có thể thay đổi cục diện của cuộc xung đột, vì Nga đã rút máy bay và hệ thống tên lửa khỏi phạm vi vũ khí do phương Tây sản xuất, được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Theo tờ báo, Ukraine sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc sử dụng rộng rãi thiết bị bay không người lái tầm xa và tăng cường sản xuất nội địa.
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự và nhà ngoại giao trả lời phỏng vấn tờ The Times đều chia sẻ quan điểm rằng Ukraine không có cơ hội đẩy lùi lực lượng Nga trong viễn cảnh trung hạn. Về vấn đề này, một nguồn tin chỉ ra rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ “vô cùng khó khăn và đau đớn” đối với Ukraine.
Ngày 22/9, Tổng thống Zelensky đã đến New York nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp với Tổng thống Biden. Tại đây, ông Zelensky dự kiến tiết lộ một số thông tin về “kế hoạch chiến thắng” mà Ukraine đã chuẩn bị.
“Kế hoạch chiến thắng này được thiết kế với niềm tin rằng Tổng thống Biden sẽ ủng hộ nó. Sẽ là một điều tồi tệ nếu ông Biden phản đối kế hoạch của chúng tôi, nó sẽ khiến xung đột tiếp tục kéo dài hơn nữa. Tuy vậy, tôi sẽ không trách ông Biden ngay cả khi điều đó thực sự xảy ra, ông ấy là người đã luôn ủng hộ Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra”, ông Zelensky nói.
Theo Tổng thống Zelensky, mục tiêu chính của “kế hoạch chiến thắng” là nhanh chóng củng cố năng lực quốc phòng của Ukraine.
“Không chỉ là những lời nói suông như trước, lần này Moskva sẽ cảm nhận được chiều sâu của kế hoạch và cam kết ủng hộ từ các đối tác của Ukraine. Tôi sẽ trình bày những bước cụ thể để củng cố năng lực của Ukraine trong tháng 10, 11, và 12. Một Ukraine mạnh mẽ sẽ buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán”, ông Zelensky tuyên bố.
Cũng theo Tổng thống Zelensky, ông dự kiến sẽ trình bày kế hoạch chiến thắng với cả ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và bà Kamala Harris.
“Tôi đã nói chuyện với ông Trump qua điện thoại. Ông ấy tỏ ra thiện chí và hứa sẽ hỗ trợ Ukraine", ông Zelensky nói thêm.
Trước đó, hôm 21/9, Tổng thống Zelensky cho biết sẽ thúc đẩy việc Kiev được sử dụng tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga khi ông đến thăm Washington. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông xác nhận rằng Mỹ và Anh vẫn chưa cho phép Kiev sử dụng những vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Trong nhiều tuần, Kiev đã thúc đẩy phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga. Ukraine cho rằng điều đó có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột sau hơn 2 năm rư Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Về phần mình, hôm 20/9, Nga đã lên tiếng bác bỏ “kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Kế hoạch chiến thắng do Tổng thống Zelensky đưa ra giống như một 'nước cờ vụ lợi'”.
Bà nói thêm rằng Kiev đang tìm cách lôi kéo phương Tây vào một cuộc chiến toàn diện với Moskva.
“Mục tiêu duy nhất là ngăn chặn sự sụp đổ của liên minh chống Nga. Điều này không liên quan gì đến nhiệm vụ tìm kiếm một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc xung đột”, bà Zakharova nói.
Ba Zakharova cũng nhắc lại quan điểm của Nga rằng phương Tây nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine để xung đột có thể chấm dứt. Bà nhấn mạnh bất kỳ sáng kiến nào nhằm đạt được một giải pháp hòa bình mà không có sự tham gia của Nga đều vô nghĩa.