Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của EU trước thách thức từ các tập đoàn công nghệ Mỹ
Quyết định bất ngờ của Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg về các quy định nội dung của Meta đang tạo áp lực lớn đối với Liên minh châu Âu (EU) trong việc khẳng định quyền lực nhằm điều chỉnh hành vi của các tập đoàn công nghệ lớn hoạt động tại khu vực.
Chỉ 2 tuần trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức, CEO Zuckerberg ngày 7/1 đã tuyên bố Meta sẽ chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba trên Facebook và Instagram tại Mỹ, đồng thời ám chỉ rằng những thay đổi này có thể được áp dụng tại châu Âu trong tương lai gần. Ông cũng cũng chỉ trích EU đã thông qua ngày càng nhiều luật để hợp thức hóa việc kiểm duyệt, một quan điểm tương đồng với tỷ phú Elon Musk, người lâu nay vẫn lên tiếng phản đối các nỗ lực của EU nhằm điều chỉnh không gian mạng.
Ủy ban châu Âu (EC) đã bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định EU không kiểm duyệt mà chỉ điều tiết nội dung để đảm bảo rằng các nền tảng như Meta không cho phép thông tin sai lệch, nội dung gây thù địch, hoặc các hành vi có hại khác tràn lan trên nền tảng của mình.
EU đã tăng cường các công cụ pháp lý để quản lý các nền tảng kỹ thuật số toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, EU dường như tránh hành động mạnh tay đối với các công ty công nghệ Mỹ, có thể vì lo ngại phản ứng từ chính quyền sắp tới. Những người chỉ trích cho rằng việc EU miễn cưỡng hành động mạnh mẽ chống lại các công ty công nghệ Mỹ có thể làm suy yếu thẩm quyền của EU trong việc quản lý không gian kỹ thuật số.