Thể thao Việt Nam và mục tiêu top 3

Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho chiến dịch SEA Games 2025 diễn ra tại Thái Lan vào cuối năm nay. Cũng như các kỳ SEA Games trước, mục tiêu của ngành thể thao luôn là top 3. Vậy mục tiêu này có quá áp lực?

Thể thao Việt Nam vẫn rất quan tâm tới đấu trường SEA Games.

Thể thao Việt Nam vẫn rất quan tâm tới đấu trường SEA Games.

Theo báo cáo của Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC), năm 2025, thể thao Việt Nam sẽ tham dự 3 Đại hội thể thao quốc tế lớn, đặc biệt là SEA Games 33 diễn ra tại Thái Lan từ ngày 9 đến 20/12. Đại hội tổ chức 50 môn, 104 phân môn, 569 nội dung. Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là đứng top 3 SEA Games và nếu có thể là vào top 2. Trong đó tập trung vào các môn thể thao trọng điểm Olympic, Asiad giành vị trí top đầu tại đại hội.

Cũng trong năm 2025, thể thao Việt Nam sẽ tham dự Đại hội thể thao trẻ châu Á. Đại hội diễn ra tại Bahrain vào tháng 10 hoặc 11/2025; Đại hội thứ ba là Đại hội thể thao mùa đông châu Á diễn ra từ ngày 7 đến 14/2 tại Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, với 11 môn thi, đoàn thể thao Việt Nam dự kiến có 1 VĐV tham dự ở môn trượt băng tốc độ đường ngắn.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, với cách tiếp cận nhìn lại để tiến xa hơn, Ủy ban Olympic Việt Nam phải hướng tới năm 2025 với tinh thần nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn, như tinh thần của Olympic.

Về giải đấu trọng tâm trong năm 2025 là SEA Games 33, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói: “Muốn thể thao Việt Nam phát triển thì phải đi từng bậc, từ khu vực, châu lục rồi ra thế giới. Không thể có sự nhảy vọt, phải có tập luyện kiên trì và nỗ lực thì mới đi lên được. Thắng thua trong thể thao là bình thường, ai cũng muốn thắng, không nên thấy thắng thì tung hô, thua thì phê phán, phải có sự chia sẻ, thắng không kiêu bại không nản. Tiếp đến là chuẩn bị cho giải thể thao châu Á, phải đặt mục tiêu có nhiều huy chương. Đầu tư trên diện rộng nhưng cần có trọng tâm trọng điểm".

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt nhấn mạnh, tại SEA Games 33, có tổng cộng 574 bộ huy chương, với 53 môn thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam dự kiến tham dự 422 bộ huy chương với 757 VĐV. Thành tích dự kiến là 80-90 huy chương vàng.

Mới đây, bên lề hội nghị triển khai công tác năm 2025, ông Việt khẳng định, 2025 là năm bản lề thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. “Tính từ nay tới năm 2045, thể thao Việt Nam sẽ trải qua 5 kỳ Olympic, 6 kỳ ASIAD và 11 kỳ SEA Games. Việc đầu tư cụ thể cho các môn trọng điểm phải thực sự tạo ra sự khác biệt, tìm điểm đột phá chứ không dàn trải” - ông Việt nói.

Theo kế hoạch, VOC tiếp tục xây dựng và thực hiện hoạt động thể thao cho mọi người, thể thao cộng đồng, các khóa học quản lý thể thao, khóa học kỹ thuật dành cho huấn luyện viên môn bóng bàn, xe đạp, điền kinh, các dự án bóng chuyền, quần vợt... VOC tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức thể thao, các Ủy ban Olympic quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để phối hợp đào tạo các vận động viên thể thao thành tích cao Việt Nam vươn tầm Olympic.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia đông nhưng chưa mạnh, chưa thực sự tâm huyết. Có liên đoàn, hiệp hội lập nên nhưng làm việc chưa chuyên nghiệp. Thậm chí tiền nộp lệ phí hằng năm cho các liên đoàn thể thao quốc tế, nhiều liên đoàn quốc gia vẫn xin tiền nhà nước đi đóng.

Theo báo cáo tài chính, tổng thu của VOC năm 2024 là 12,3 tỉ đồng, trong đó chi 11,3 tỉ đồng. Tính cả số dư từ năm 2023 chuyển sang, tổng số dư của VOC tính đến ngày 30/11/2024 là 17,5 tỉ đồng. Kêu gọi tài trợ bao năm qua vẫn được đánh giá là điểm yếu của VOC. Nguồn thu hạn chế khiến VOC không có nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển thể thao Việt Nam.

Gia Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/the-thao-viet-nam-va-muc-tieu-top-3-10297784.html
Zalo