Thể thao Việt Nam thất bại ở Olympic Paris 2024: Nỗi lòng người trong cuộc

Tập luyện cả năm trời và nhận nhiều kỳ vọng, nhưng hầu hết các vận động viên (VĐV) Việt Nam đều không đạt thành tích như mong đợi ở Olympic Paris 2024, thậm chí có người còn 'tụt dốc không phanh', không chiến thắng được chính mình.

Đô cử Trịnh Văn Vinh không thành công trong 3 lần cử giật đầu tiên và sớm bị loại khỏi nội dung thi đấu hạng cân 61kg nam cử tạ Olympic 2024. Ảnh: REUTERS.

Đô cử Trịnh Văn Vinh không thành công trong 3 lần cử giật đầu tiên và sớm bị loại khỏi nội dung thi đấu hạng cân 61kg nam cử tạ Olympic 2024. Ảnh: REUTERS.

Lặng lẽ về nước

Olympic Paris 2024 bế mạc với những hình ảnh đầy màu sắc, âm thanh làm lay động lòng người. Nhưng với những đoàn thể thao không đạt được thành tích như Việt Nam, sự kết thúc của giải đấu số 1 hành tinh không có nhiều cảm xúc. Tất cả về nước trong lặng lẽ. Trưởng đoàn Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (TDTT), ốm mấy ngày chưa đỡ, không có tâm trạng để có một bài phát biểu “tổng kết” như thường thấy ở mỗi kỳ đại hội thể thao.

Hơn ai hết, những nhà quản lý, các HLV, VĐV… là người buồn nhất sau một kỳ Olympic trắng tay. Càng buồn hơn khi thể thao Việt Nam (TTVN) luôn nằm trong tốp đầu SEA Games, thậm chí đứng nhất ở 2 kỳ gần nhất, lại thua xa các quốc gia khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia khi ra đấu trường thế giới…

Sau một kỳ Olympic không thành công, chắc chắn lãnh đạo đoàn TTVN phải có một bản báo cáo với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nhưng có lẽ bản báo cáo ấy vẫn sẽ lại chung chung như kỳ trước, khi TTVN vốn dĩ không có thay đổi gì về thành tích, thậm chí còn đi xuống.

TTVN không có huy chương Olympic là điều đã được dự báo trước. Trong khi các quốc gia khu vực đều đặt mục tiêu có huy chương, thậm chí HCV, thì TTVN lại chỉ “phấn đấu có huy chương” hay “thi đấu hết mình”…

Thất bại của đoàn TTVN đến từ khâu “đầu vào”, tức là số lượng các VĐV vượt qua vòng loại. Nếu như Việt Nam chỉ có 16 VĐV (trong đó có 2 VĐV đặc cách) dự Thế vận hội, thì Thái Lan là 51 VĐV. Các quốc gia tiếp theo là Indonesia (29), Malaysia (26), Philippines (22). Việt Nam chỉ đứng thứ 6 khu vực Đông Nam Á, hơn các quốc gia Timor Leste, Lào (4), Brunei, Campuchia (3) và Myanmar (2).

Sau Olympic 2024, những nguyên nhân được chỉ ra để lý giải cho thất bại của đoàn TTVN ngoài sự đầu tư dàn trải và không trọng điểm, còn là yếu kém về cơ sở vật chất, chế độ, dinh dưỡng, ứng dụng khoa học công nghệ, xã hội hóa thể thao hạn chế, không có sự phát triển đồng bộ và bài bản từ các cấp cơ sở, địa phương, trường học... Đây là những vấn đề được nhìn thấy rất rõ nhưng để giải quyết được lại không đơn giản vì cần sự chung tay của toàn xã hội.

Trong ngày về nước, một VĐV nói rằng họ chỉ biết im lặng trước sự đánh giá có phần cay nghiệt của dư luận. Thể thao thành tích cao phải là kết quả, và không có huy chương đã phản ánh chính xác sự yếu kém của nền thể thao.

Không có thực sao vực được đạo

Nhiều người thấy kết quả như vậy lập tức chê ngành thể thao, VĐV. Thế nhưng để đánh giá một cách toàn diện và công tâm, chúng ta cần phải thừa nhận rằng sự đầu tư cho thể thao còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là thiếu thốn đủ thứ.

Thực chi ngân sách cho TTVN (bao gồm thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao) trong 5 năm qua lần lượt là 893 tỷ đồng (năm 2020), 890 tỷ đồng (2021), 1.242 tỷ đồng (2022), 893 tỷ đồng (2023) và 826,2 tỷ đồng (2024).

Trong những năm trên, chỉ có năm 2022 được chi ngân sách vượt quá 1.000 tỷ đồng nhưng chủ yếu là công tác tổ chức SEA Games 31 trên sân nhà. Còn lại các năm đều chỉ ở mức đáp ứng cơ bản các nhu cầu về chế độ, dinh dưỡng, tập huấn… cho hàng nghìn VĐV.

Một phép so sánh như sau: Việt Nam chi ngân sách khoảng 800 - 900 tỷ đồng, trong khi Thái Lan là 5 - 6 nghìn tỷ đồng/năm. Thái Lan đã đầu tư khoản 65 tỷ đồng cho taekwondo để có một Panipak đoạt 2 HCV Olympic liên tục. Còn ở Việt Nam, con số chỉ ở mức và tỷ đồng.

Nhìn sang các quốc gia khu vực có HCV ở Olympic 2024, họ chỉ đầu tư trọng điểm cho những môn có hy vọng huy chương. Đơn cử như Chính phủ Indonesia đã cung cấp khoảng 4 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng) cho các môn thể thao thế mạnh, thay vì dàn trải. Kết quả là họ có 2 HCV ở Olympic Paris ở các môn cử tạ và leo núi, 1 HCĐ môn cầu lông…

Hay như Philippines và Thái Lan cũng đầu tư Yulo (2 HCV thể dục dụng cụ) và Panipak (1 HCV taekwondo), đều từ những quỹ thể thao hàng trăm tỷ đồng. “Chỉ Olympic - không phải bất kỳ giải đấu khu vực hay châu lục nào”, là mục tiêu của những quỹ thể thao này.

Nhà báo Nguyễn Lưu - người có hơn nửa thế kỷ theo dõi TTVN chia sẻ: “Thời 4.0, thể thao đỉnh cao hiện đã trở thành cơm ăn, nước uống của nhân dân, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, ngành TDTT rất cần sự quan tâm, xắn tay vào cuộc của cả xã hội. Chịu khó nhìn các nước khu vực, họ đầu tư thế nào cho thể thao đỉnh cao là đủ hiểu thêm chân lý “nghề chơi cũng lắm công phu”.

Gia Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/the-thao-viet-nam-that-bai-o-olympic-paris-2024-noi-long-nguoi-trong-cuoc-10287914.html
Zalo